ve-lai-chau-thuong-thuc-dac-san-la-mieng,-nghe-ten-thoi-da-to-mo-kho-cuong

Về Lai Châu thưởng thức đặc sản lạ miệng, nghe tên thôi đã tò mò khó cưỡng

Ẩm thực Lai Châu được biết đến là một trong những nét văn hóa đặc sắc khó trộn lẫn. Những món ăn dân dã mang hương vị núi rừng đã mang đến cho nơi đây một màu sắc đặc trưng, khiến thực khách lưu luyến, khó quên.

Ngoài Pa Pỉnh Tộp, nộm hoa ban, dưa mèo, canh tiết lá đắng thì mới đây hai đặc sản của Lai Châu được vinh danh lọt Top ẩm thực tiêu biểu Việt Nam đấy chính là gà mọ và nộm da trâu. Chỉ nghe tên thôi đã thấy vô cùng tò mò và háo hức chờ đón hương vị của nó.

Ẩm thực Lai Châu: Gà mọ – món ăn đặc biệt của đồng bào dân tộc Thái

Về Lai Châu thưởng thức đặc sản lạ miệng, nghe tên thôi đã tò mò khó cưỡng - Ảnh 1.

Ẩm thực Lai Châu. Gà mọ, món ăn đặc trưng của người Thái. Ảnh: D.H

Lai Châu có 20 dân tộc thì mỗi dân tộc có cách chế biến món ăn riêng, nhưng điều đặc biệt ở mỗi món ăn đều có sử dụng những gia vị đặc trưng từ mắc khén, hạt dổi, thảo quả, xả, ớt, gừng, húng, quế, hồi… Với cách sử dụng gia vị tài tình, tinh tế đã làm cho các món ăn mang hương vị riêng có và độc đáo, khiến cho những ai thưởng thức đều cảm thấy như đang nếm tất cả hương vị của núi rừng. Trong đó gà mọ là một trong những món ăn tiêu biểu nhất của đồng bào dân tộc Thái ghi dấu ấn đặc biệt trên định vị ẩm thực của vùng đất Tây Bắc – Lai Châu.

Gọi là gà mọ bởi món ăn này có cách chế biến cầu kỳ, tỉ mỉ với các nguyên liệu chỉ có ở vùng Tây Bắc. Gà phải lựa chọn một cách kỹ lưỡng là những con gà to vừa phải không nhỏ quá cũng không quá to, gà thông thường 1,5 – 2 kg là vừa ngon.

Để món ăn được ngon, chế biến món gà mọ rất cầu kì và đòi hỏi khá nhiều thời gian, trong đó quan trọng nhất là khâu chọn nguyên liệu và ướp gia vị. Gà sau khi được làm sạch sẽ, chặt nhỏ và ướp với các loại gia vị như gừng, sả, ớt, thì là, hành khô, mùi tàu, rau rừng,… Điều đặc biệt, gà mọ còn được nêm nếm gia vị là lá cây mắc khén – thứ gia vị chỉ vùng Tây Bắc mới có.

Sau khi đã ngấm đều các gia vị, cho lên bếp rang vừa chín bắc xuống bếp trộn đều với các loại rau, hoa ban hay hoa chuối rừng và đặc biệt là không thể thiếu bột gạo nếp nương. Nếp được chọn phải là loại nếp nương có mùi hương đặc trưng, chính gạo nếp thơm dẻo này mới tạo nên sự hấp dẫn cho món gà mọ.

Gà được gói trong lá dong và làm thành những gói nhỏ trước khi cho lên “hông” – một dụng cụ để đồ món ăn của người Thái. Với cách làm này, mùi vị, hương thơm của gia vị và của gà được cô đặc, giữ nguyên.

Gà mọ khi ăn cùng xôi sẽ là món đặc sản khó quên mà trước đây chỉ những gia đình quý tộc mới được tận hưởng. Dùng tay gỡ tàu lá dong còn nóng hổi, điều đầu tiên ta cảm nhận được là mùi thơm sực nức của thịt và các loại gia vị. 

Mùi thơm ngào ngạt của các loại gia vị, mùi thơm và vị béo ngậy quyện vào nhau, tạo thành món ăn không lẫn vào đâu được. Khi đấy, miếng thịt gà trắng, mềm nằm xen lẫn với hoa chuối, hoa ban cùng các loại rau thơm, điểm xuyết cùng những lát ớt đo đỏ trông khá ấn tượng. Đặc biệt, những hạt gạo giã nát khi chín đã tạo cho món ăn có độ kết dính và mùi thơm ngầy ngậy, khiến thực khách chỉ mới nhìn và ngửi thôi đã ứa nước miếng thòm thèm.

Ẩm thực Lai Châu: Nộm da trâu

Về Lai Châu thưởng thức đặc sản lạ miệng, nghe tên thôi đã tò mò khó cưỡng - Ảnh 2.

Ẩm thực Lai Châu: Nộm da trâu qua bàn tay chế biến của người phụ nữ nơi đây đã trở thành một trong những món ăn đặc sản của núi rừng Tây Bắc. Ảnh: D.H

Da trâu còn được gọi với tên là ngưu bì. Đối với nhiều người, da trâu thực sự không có nhiều giá trị, nhưng với đồng bào các dân tộc nơi đây, da trâu treo gác bếp cho khô sẽ chế biến được rất nhiều món ăn ngon.

Món nộm da trâu trông bình dị, dân dã và mộc mạc này lại được chế biến một cách khá cầu kì. Tất cả đều nhằm mang đến cho người thưởng thức một hương vị quen thuộc của núi rừng Tây Bắc.

Trái ngược với da trâu đen xì lúc chưa được sơ chế, qua những công đoạn chế biến kỹ lưỡng, nộm da trâu đã khoác lên mình màu vàng như quả chanh Tây. Bên trong thì vàng nhạt, trong trong vô cùng hấp dẫn ánh nhìn của những tín đồ đam mê ẩm thực. Chỉ cần thử một miếng là đã cảm nhận được vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc.

Miếng da trâu sau khi chế biến có vị ngọt ngọt, chua chua và không quá dai. Ăn da trâu nộm sẽ cảm thấy vị bùi bùi, thanh dịu. Cắn đến đâu lại cảm nhận được độ giòn, sần sật đến đó. Sự hòa quyện của da trâu và các loại gia vị tạo nên một món ăn vô cùng đặc sắc. Bên cạnh sắc vàng óng của da trâu chính là màu xanh của các loại rau sống, màu đỏ của ớt và màu vàng của măng rừng. Bao nhiêu màu sắc là bấy nhiêu hương vị, càng thưởng thức càng cảm nhận rõ được vị thơm ngon mà món ăn này mang lại. Món nộm da trâu khi chế biến không chỉ đơn thuần là một món ngon mà nó còn thể hiện sự tinh tế của người dân Lai Châu.

Đến với Lai Châu, du khách sẽ được thưởng thức nhiều món ăn được chế biến cầu kỳ, tinh tế và hấp dẫn. Nhiều thực khách một khi đã được thưởng thức những món ăn như gà mọ, nôm da trâu sẽ nhớ mãi và mong muốn được quay trở lại để thưởng thức thêm một lần nữa những hương vị của núi rừng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *