Mới đây, Nghị viện Châu Âu cùng các quốc gia thành viên EU đã công bố một loạt quy định mới nhằm kiểm soát xu hướng thời trang nhanh và giảm lãng phí, trong đó có quy định cấm tiêu hủy quần áo không bán được.
Những quy định mới này, được Ủy ban Châu Âu đề xuất lần đầu tiên vào năm trước. Họ đặt ra các quy tắc nghiêm ngặt hơn đối với các sản phẩm để đảm bảo chúng có tuổi thọ cao hơn, dễ sửa chữa và tái chế.
Lệnh cấm tiêu hủy đối với quần áo và giày dép không bán được sẽ được áp dụng sau hai năm kể từ khi luật có hiệu lực. Các doanh nghiệp cỡ trung bình sẽ được miễn trừ trong vòng sáu năm, trong khi các doanh nghiệp nhỏ hơn sẽ được miễn hoàn toàn khỏi lệnh cấm.
Châu Âu cấm tiêu huỷ quần áo “bán ế”
Ngoài ra, Ủy ban Châu Âu cũng được quyền mở rộng lệnh cấm đối với các sản phẩm chưa bán được khác ngoài quần áo và giày dép.
Người đứng đầu dự luật, nghị sĩ Alessandra Moretti, cho biết: “Đã đến lúc kết thúc mô hình “lthu hoạch, sản xuất, vứt bỏ” đối với hành tinh, sức khỏe và nền kinh tế của chúng ta”.
Bà cũng nhấn mạnh rằng các sản phẩm mới sẽ được thiết kế với mục tiêu mang lại lợi ích cho mọi người, tôn trọng hành tinh và bảo vệ môi trường.
Luật cũng đề ra các yêu cầu cụ thể đối với các mặt hàng tiêu dùng quan trọng nhằm tăng độ bền của sản phẩm. Ưu tiên sẽ được đặt cho những “sản phẩm có tác động lớn” bao gồm quần áo, đồ nội thất, nệm và hàng điện tử. Hàng hóa cũng phải đi kèm với “hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số,” có thể là mã QR, giúp người tiêu dùng có lựa chọn thông tin khi mua hàng.
Theo quy định mới, các công ty lớn cũng phải báo cáo hàng năm về lượng sản phẩm họ đã loại bỏ và lý do, với hy vọng sẽ thúc đẩy các công ty tránh những hành động không nên có.
Trong thỏa thuận mới đạt được giữa Nghị viện Châu Âu và các quốc gia thành viên, mục tiêu là ngăn chặn các nhóm bán lẻ lớn tiêu hủy quần áo và giày dép không bán được, nhằm giảm thiểu tác động của “thời trang nhanh” và giảm lãng phí.
Thỏa thuận mới là một phần của sáng kiến rộng lớn hơn của Ủy ban Châu Âu, nhằm cải thiện quy tắc thiết kế sinh thái của khối, tăng tuổi thọ và tái sử dụng sản phẩm, giảm lãng phí và tiêu thụ tài nguyên.