Người dân ở huyện Yilan và thành phố Hulin thuộc tỉnh Hắc Long Giang phía đông bắc đang phải đối mặt với tình trạng xuất hiện hổ Siberia hoang dã. Hiện tượng hiếm gặp này gây lo ngại về nguy cơ “chạm mặt” giữa con người và động vật hoang dã. Những con hổ bị ảnh hưởng của mùa đông khắc nghiệt và hành vi giao phối, đã xuất hiện gần các khu dân cư và được đồn đại là đã tấn công gia súc trong vùng.
Đài truyền hình nhà nước CCTV thông báo về một vụ “chạm mặt” không mong muốn giữa một người dân ở huyện Yilan với một con hổ trên núi. Người này phát hiện một con bò bị vồ chết, chân sau cắn nát, và dấu vết của hổ Siberia được xác minh tại hiện trường. Trong khi thành phố Hulin, cách Yilan hơn 300 km, đã phát hiện hổ gần sông và làng mạc thông qua hình ảnh từ camera giám sát.
Trung Quốc: Hổ hoang dã tiến gần nhà dân vì “đói ăn”
Chính quyền địa phương đã phát cảnh báo khẩn cấp, yêu cầu người dân và du khách trong phạm vi thành phố Hulin hạn chế hoạt động trên núi để đảm bảo an toàn. Đặc biệt, một số khu vực trọng điểm còn được yêu cầu tích trữ nhu yếu phẩm và tránh ra ngoài trừ khi cần thiết.
Thành phố Hulin, giữa biên giới Nga-Trung, thường xuyên chứng kiến sự xuất hiện của hổ Siberia hoang dã. Trong năm 2021, nhân viên tuần tra biên giới đã phát hiện dấu vết của một con hổ Siberia cái, có khả năng đã theo dõi con mồi trong khu vực rừng Trung Quốc trước khi trở về Nga.
Ngược lại, huyện Yilan hiếm khi gặp phải sự xuất hiện của hổ. Một quan chức lưu ý rằng việc thấy hổ hoang dã gần ngôi làng là một hiện tượng hiếm hoi. Theo ông Fu Jianguo, thư ký của Hiệp hội Bảo tồn Động vật Hoang dã Đại Khánh, tình trạng này có thể liên quan đến tình trạng thiếu thốn thức ăn khi tuyết rơi dày hơn trong năm nay, khiến hổ phải rời núi để tìm kiếm thức ăn.
Chính quyền đã triển khai hệ thống giám sát thời gian thực sử dụng camera hồng ngoại để theo dõi chuyển động của động vật hoang dã và cảnh báo dân khi hổ tiếp cận khu vực có người. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo về rủi ro tiềm ẩn từ mất môi trường sống và sự gia tăng các trường hợp “chạm mặt” giữa con người và động vật hoang dã.
Thomas Gray, người đứng đầu Sáng kiến Sự sống của loài hổ của WWF, nhấn mạnh rằng việc xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên là quan trọng để bảo vệ hổ và các loài khác, giảm thiểu xung đột với con người. Đồng thời, ông Zhang Minghai, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu họ Mèo của Cục Quản lý Lâm nghiệp Nhà nước, cho biết hổ hoang dã thường tìm kiếm thức ăn và di chuyển gần con người khi cảm thấy đe dọa, không chủ động tấn công trừ khi cần thiết. Dân số dự kiến của hổ Siberia hoang dã tại Trung Quốc là khoảng 50 con, chủ yếu cư trú trong Công viên Quốc gia Hổ và Báo Đông Bắc.