cong-dong-chung-tay-nang-chat-luong-song-cua-nguoi-cao-tuoi-neo-don

Cộng đồng chung tay nâng chất lượng sống của người cao tuổi neo đơn

Người cao tuổi Việt Nam đối mặt với những khó khăn kép

Số lượng dân số Việt Nam tăng nhanh, nhưng chất lượng dân số chưa cao, đó là chưa kể tới việc dân số Việt Nam đang già hóa nhanh. Điều này tác động không nhỏ tới chất lượng sống của người cao tuổi, nhất là nhóm người cao tuổi neo đơn không nơi nương tựa.

Một ngày của bà Nguyễn Thị Hoa (75 tuổi, ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa) bắt đầu bằng công việc đi chợ nấu đồ ăn, và chuẩn bị trông trẻ cho nhà hàng xóm. Tuổi già, bà thường xuyên ốm đau nhưng do không có tiền nên bà cũng hạn chế việc đi thăm khám và điều trị bệnh.

Bà Hoa cho biết, trước đây cuộc sống khó khăn, làm được đồng nào tiêu hết đồng ấy, không có tích lũy. Giờ về già, tiền lương hưu không có, con cái, gia đình cũng không có nên không còn nơi nương tựa, bà phải đi làm giúp việc để sinh sống qua ngày.

 Hiện nay bà Hoa được nhận trợ cấp 360.000 đồng/tháng cho người cao tuổi neo đơn thuộc diện hộ nghèo. Tuy vậy, mức tiền này không đủ sống, bắt buộc bà phải tìm việc làm thêm.

 Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết, cả nước có khoảng 11,41 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 12% dân số, trong đó có khoảng hơn 62% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa. Già hóa dân số khiến người cao tuổi ở Việt Nam đối mặt với khó khăn kép: Vừa không có tiền, vừa ốm đau bệnh tật. 

 Cộng đồng chung tay nâng chất lượng sống của người cao tuổi neo đơn - Ảnh 1.

Những người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn, sức khỏe yếu ở thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc.

 Chia sẻ về những khó khăn của người cao tuổi, nhất là những người già neo đơn, ông Mai Trung Sơn – Phó vụ trưởng Vụ Quy mô dân số, Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết phần lớn người dân sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp, số người cao tuổi sống ở khu vực nông thôn chiếm tới 67%. Có trên 70% số người cao tuổi phải tự lao động kiếm sống cùng với sự hỗ trợ của con cháu và gia đình, chỉ có hơn 25,5% người cao tuổi sống bằng lương hưu hay trợ cấp xã hội. Có tới 70% người cao tuổi không có tích lũy vật chất; 62,3% thuộc diện khó khăn, thiếu thốn, chủ yếu ở khu vực nông thôn…

Theo ông Mai Trung Sơn, ngoài thực trạng điều kiện sống khó khăn, vấn đề sức khỏe người cao tuổi hiện nay cũng còn nhiều hạn chế. Tuy tuổi thọ trung bình cao (73,5 tuổi) nhưng số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước.

Dự báo, số người cao tuổi của Việt Nam tăng lên 16,8 triệu người vào năm 2039 và đạt 25,2 triệu người vào năm 2069. Bước vào thời kỳ dân số già, tỷ trọng nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 14,2% tổng dân số và năm 2036.

Theo thống kê, số năm sống có bệnh tật ở phụ nữ trung bình khoảng 11 năm, ở nam giới khoảng 8 năm. Với người cao tuổi, đa số có gánh nặng bệnh tật kép, người già thường mắc các bệnh mãn tính. Bệnh tật ở người già hiện nay chủ yếu là các bệnh không lây nhiễm, đòi hỏi điều trị và chăm sóc lâu dài.

Cần có chính sách hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng cho người già neo đơn

 Bạc Liêu là một trong những địa phương làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe cho người già neo đơn không nơi nương tựa. Tỉnh đã phát động chương trình “Chung tay chăm sóc người cao tuổi nghèo, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn”.

Tỉnh đặt mục tiêu 100% người cao tuổi cô đơn, không nơi nương tựa, người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được thăm hỏi, chăm sóc. Theo đó, thường xuyên tặng quà, thăm hỏi sức khỏe, khám bệnh và cấp thuốc miễn phí; tư vấn, động viên, chăm sóc người cao tuổi neo đơn tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh; khuyến khích các cơ quan, đoàn thể, các gia đình, cá nhân nhận chăm sóc, nuôi dưỡng người cao tuổi neo đơn không nơi nương tựa, sức khỏe yếu không tự phục vụ được.

Tuyên truyền, vận động gia đình có người cao tuổi thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ, phát huy truyền thống “con cháu thảo hiền”; tạo mọi điều kiện thành lập các câu lạc bộ, mô hình hỗ trợ người cao tuổi yếu thế…

 Cộng đồng chung tay nâng chất lượng sống của người cao tuổi neo đơn - Ảnh 3.

Đại diện chính quyền trao hỗ trợ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn tại Tiền Giang. Ảnh: Ngọc An

Ông Nguyễn Thanh Bình – Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết, việc chăm sóc người cao tuổi hiện nay cần sự chung tay của gia đình và xã hội, trong đó gia đình đóng vai trò chính. Những thay đổi trong đời sống xã hội hiện nay đã làm cho việc chăm sóc sức khỏe phức tạp hơn; nhất là vấn đề các thế hệ sống chung, diện tích nhà ở chật hẹp, gây khó khăn cho cả người già lẫn các thành viên khác trong gia đình.

“Chúng tôi kiến nghị nhà nước cần có chính sách chăm sóc cả vật chất và tinh thần cho người cao tuổi nói chung. Trong đó, ưu tiên xây dựng các trung tâm nuôi dưỡng người già hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng với người cao tuổi không nơi nương tựa tại cộng đồng”- ông Bình nói.

Ông Bình cũng cho biết để nâng cao chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, vừa qua, nhiều hoạt động chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi, đặc biệt là những người cao tuổi neo đơn, không nơi nương tựa đã được triển khai; trong đó điển hình là mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng.

Đây là mô hình được đánh giá là phù hợp với văn hóa của người Việt, ít tốn kém, dễ thực hiện với hai hình thức chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đó là: Chăm sóc hay phục vụ tại nhà do nhân viên dịch vụ thực hiện và chăm sóc hay hỗ trợ tại nhà do tình nguyện viên thực hiện. Sự hỗ trợ này đã mang đến niềm vui, tinh thần vui vẻ lạc quan hơn cho nhiều người gia có hoàn cảnh neo đơn kinh tế khó khăn, gia đình ít người.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *