Theo The Paper, một bé gái đã rơi từ tầng 9 của một tòa nhà đang xây dựng và tử vong vào tháng 12/2022. Tuy nhiên, tuần vừa rồi, cha ruột của cô bé, ông Sun, đã khẳng định con gái ông đã tự tử sau những ngày bị cha mẹ nuôi bạo hành liên tục.
Vì sao Trung Quốc bài trừ hủ tục “Đám cưới ma”
Sau cái chết của cô bé, ông Sun còn tiết lộ rằng cha mẹ nuôi đã sắp đặt cho cô kết hôn với một người đàn ông mà cô từng yêu nhưng đã qua đời. Ông Sun còn cho biết cha mẹ nuôi đã nhận 66.000 nhân dân tệ (khoảng 9.200 USD) cho “đám cưới ma” này.
Ông Sun khẳng định rằng con gái ban đầu phải gửi cho bố mẹ nuôi do gia đình ông đang gặp khó khăn về tài chính. Chính quyền địa phương đã xác nhận số tiền 66.000 nhân dân tệ đã được thanh toán cho cuộc “đám cưới ma”. Tuy nhiên, họ cũng tuyên bố rằng các cáo buộc của ông Sun về sự tàn bạo, mưu sát và làm tổn hại xác chết là không có bằng chứng, do đó không thể khởi kiện.
Phản đối mạnh mẽ từ dư luận về sự kiện đã khiến bí thư huyện Quan, Zhang Xuehong, phát ngôn về sự cần thiết phải đặt quy định nghiêm ngặt về “đám cưới ma”. Ông Zhang nói tại cuộc họp cuối tuần: “Chúng ta cần phải chấm dứt nghi lễ “đám cưới ma” và đưa ra trách nhiệm pháp lý nếu phát hiện bất kỳ sự việc nào. Ngoài ra, cần tăng cường chiến dịch giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng để loại bỏ những hủ tục này trong xã hội”.
“Đám cưới ma” là một truyền thống kết hợp giữa nghi thức cưới và lễ an táng, tồn tại từ thời nhà Thương (1600–1046 trước Công nguyên), theo giáo sư Huang Jingchun tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Tự do thuộc Đại học Thượng Hải. Ông Huang cho biết ba lý do chính dẫn đến “đám cưới ma” là sợ người chết “ám”, giải tỏa cảm xúc của cha mẹ, và những yêu cầu khắt khe từ phía gia đình.
Giáo sư Huang cũng giải thích rằng theo truyền thống Nho giáo, người trẻ tuổi chưa kết hôn và không có người thừa kế không được chôn cất trong lăng mộ tổ tiên, gây gián đoạn trong việc thừa kế tài sản gia đình. “Đám cưới ma” được coi là giải pháp, đảm bảo sự liên tục của dòng dõi gia đình.
Trong xã hội hiện đại, ranh giới giữa “đám cưới ma” và pháp luật Trung Quốc đang trở nên mờ nhạt hơn. Mặc dù Luật Hình sự áp dụng hình phạt đối với các hành vi trộm cắp và làm hại xác chết, nhưng nó không đề cập cụ thể đến thực hiện “đám cưới ma”.
Yao Jianlong, giám đốc Viện Luật tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, lên tiếng trên phương tiện truyền thông địa phương: “Luật hiện hành không cấm rõ ràng và trực tiếp những thực hành mê tín liên quan đến “đám cưới ma””. Ông nói thêm, “Pháp luật chỉ can thiệp khi có các hành vi bất hợp pháp và tội phạm xuất phát từ “đám cưới ma””.
Thông tin từ China Judgements Online, một cơ sở dữ liệu trực tuyến chứa các phán quyết từ hệ thống pháp luật Trung Quốc, chỉ ra hơn 100 phán quyết liên quan đến “đám cưới ma”, chủ yếu tại các tỉnh Sơn Tây, Hà Bắc và Thiểm Tây. Những phán quyết này mô tả nhiều tội ác liên quan đến “đám cưới ma”, bao gồm trộm xác và cố ý giết người phụ nữ để hưởng lợi từ các nghi lễ này.