nhieu-ban-tre-ngai-ket-hon

Nhiều bạn trẻ ngại kết hôn

Giới trẻ nói gì về việc khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi?

Chia sẻ với PV Dân Việt về vấn đề này, anh Đinh Quang Huy (28 tuổi, quê Nam Định, hiện đang làm việc tại Hà Nội) cho biết, anh hoàn toàn ủng hộ với chuyện kết hôn trước tuổi 30. 

Vận động kết hôn trước 30 tuổi: Vì sao giới trẻ Việt Nam có xu hướng ngại kết hôn? - Ảnh 1.

Anh Đinh Quang Huy cùng bạn gái đến UBND xã đăng ký kết hôn và dự kiến sẽ tổ chức hôn lễ vào tháng 12 tới đây. Ảnh: NVCC

Theo anh Huy, anh và bạn gái đã có khoảng thời gian tìm hiểu và yêu nhau được 8 năm kể từ khi đang là sinh viên năm nhất đại học. Từ đó đến nay, cả hai luôn thấu hiểu và đồng cảm với nhau. Anh Huy và bạn gái dự kiến sẽ tổ chức hôn lễ vào tháng 12 tới đây.

“Sau khoảng 5 năm ra trường, hiện tại công việc của tôi và bạn gái cũng đã tạm ổn định. Hiện tại cả hai đứa vẫn đang thuê trọ, kinh tế còn khó khăn nhưng tôi tin với tình yêu dành cho bạn gái cũng như những dự định trước mắt cũng là mục tiêu để tôi phấn đấu hơn nữa khi lập gia đình. Chúng tôi cũng đã thấu cảm để đồng hành cùng nhau trên chặng đường phía trước nên việc kết hôn vào thời điểm này tôi thấy phù hợp”, anh H. nói.

Vận động kết hôn trước 30 tuổi: Vì sao giới trẻ Việt Nam có xu hướng ngại kết hôn? - Ảnh 2.

Chị Nguyễn N. cho biết vẫn lận đận trong tình duyên và chưa tìm được người bạn đời phù hợp. Ảnh: NVCC

Đồng quan điểm như anh H. về việc vận động nam nữ thanh niên kết hôn trước 30 tuổi nhưng chị Nguyễn N. (33 tuổi, quê Bắc Ninh đang làm việc văn phòng tại Hà Nội) hiện tại vẫn chưa tìm được người bạn đời phù hợp.

Theo chị N., bản thân chị không hề khó tính hay “kén cá chọn canh” nhưng càng ở tuổi ngoài 30, khi có công việc ổn định, chị lại càng phải kỹ càng hơn khi tìm kiếm và xác định một mối quan hệ tiến tới hôn nhân.

“Việc khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi tôi cho là đúng nhưng đúng trong tuổi sinh đẻ, còn xét về mặt cảm xúc, quyết định chịu trách nhiệm… thì hiện ‘cái tôi’ trong mỗi người khá cao và trách nhiệm cuộc sống khá rõ ràng như lấy chồng phải có kinh tế, hay hai người phải cố gắng nên nhận thức tăng lên. Con người trước hay sau 30 không quan trọng mà quan trọng là đúng người đúng thời điểm và tìm được người ưng ý”, chị N. chia sẻ.

Cũng theo chị N., có một số xu hướng phụ nữ muốn ổn định kinh tế hoặc tìm một người có kinh tế ổn định và phù hợp sẽ lấy thì đã qua ngưỡng tuổi 30. 

“Riêng với tôi chỉ lo tuổi sinh con cái nên cũng mong kết hôn trước 30 tuổi nhưng gặp người mình thích thì họ lại hững hờ, gặp người thích mình thì mình lại không ưng nên bao lâu nay tôi vẫn ế”, chị N. nói và cho hay, sở dĩ vậy bởi bản thân ở tuổi này khó tính hơn, một phần tự chủ kinh tế yêu cầu bạn đời khắt khe hơn.

Lo ngại “hội chứng 4-2-1”

Chị Mai L. (33 tuổi, làm việc hành chính tại Hà Nội) cho biết, hiện tại chị vẫn sống “chủ nghĩa độc thân”. Theo chị L., bản thân khi ở tuổi ngoài 20 có rất nhiều chàng trai theo đuổi, tuy nhiên vì ở tỉnh lẻ về Thủ đô học tập, lập nghiệp nên chị muốn có chỗ đứng ở cơ quan nhà nước. Chính vì vậy, chị L. luôn đặt công việc lên hàng đầu nên đến nay chị L. đã có một số tiền để tự mua được một căn nhà tại Hà Nội nhưng vẫn chưa tìm được tình yêu phù hợp để tiến tới hôn nhân.

Vận động kết hôn trước 30 tuổi: Vì sao giới trẻ Việt Nam có xu hướng ngại kết hôn? - Ảnh 3.

Nhiều người trẻ có xu hướng ngại kết hôn những năm gần đây. Ảnh minh hoạ

“Đúng là ở tuổi này tìm được người phù hợp với mình không còn nhiều, đa phần họ đã thành gia lập thất. Chính vì theo đuổi sự nghiệp nên tôi cũng bỏ lỡ tuổi lập gia đình. Ở tuổi hiện tại tôi đã đủ chín chắn, kinh nghiệm nên nhiều khi có một số người mai mối chỉ qua cách nói chuyện hay cử chỉ hành động của đối phương tôi có thể cảm nhận được họ là người như thế nào, có đủ để mình tin tưởng vào tình yêu hay không. Nhà tôi cũng hỏi bao giờ lấy chồng nhưng tôi cũng ngại kết hôn với một người không phù hợp với mình. Tôi chỉ chút lo ngại ở tuổi sinh nở nên việc ăn uống, sinh hoạt điều độ cũng rất quan trọng và tôi rất chú trọng”, chị L. nói thêm.

Còn với anh Thiên T. (34 tuổi, quê Thái Nguyên, hiện đang làm việc tại Hà Nội) hài hước cho hay, không phải do anh không muốn kết hôn trước tuổi 30 mà do “bị ế”. 

“Ở tuổi này tôi có suy nghĩ chín chắn lựa chọn người phù hợp. Tôi chỉ mong tìm được một người bạn đời thấu hiểu, công việc ổn định một chút chứ không quá đòi hỏi gì cao sang. Gia đình cũng hỏi bao giờ có người yêu, mình quan điểm cũng rõ ràng nên sau người thân cũng không hỏi gì thêm. Chính công việc hiện tại nhiều áp lực, căng thẳng nên sợ không dành nhiều thời gian cho người yêu, không cân đối được hết nên đến giờ vẫn ế”, anh T. nói.

Vận động kết hôn trước 30 tuổi: Vì sao giới trẻ Việt Nam có xu hướng ngại kết hôn? - Ảnh 4.

GS.TS Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em cho hay, trong hơn 30 năm qua, xu hướng hôn nhân và mức sinh ở nước ta thay đổi rất lớn. Tuổi kết hôn tăng mạnh, tỉ lệ kết hôn giảm, mức sinh thấp. Ảnh: Gia Khiêm

Trao đổi với PV Dân Việt, GS.TS Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em cho hay, trong hơn 30 năm qua, xu hướng hôn nhân và mức sinh ở nước ta thay đổi rất lớn. Tuổi kết hôn tăng mạnh, tỉ lệ kết hôn giảm, mức sinh thấp.

Theo ông Cử, từ năm 1989 – 2022, trung bình độ tuổi kết hôn lần đầu của nam tăng từ 24,4 lên 29 tuổi. Cũng thời gian này, tuổi kết hôn của nữ tăng từ 23,2 lên 24,1 tuổi. Trong khi đó, tỉ lệ kết hôn giảm rõ rệt. Cụ thể, từ năm 1989 – 2019, tỉ lệ nam giới trong độ tuổi 20-24 kết hôm giảm từ 37,6% xuống 19,6%, tức là giảm gần một nửa. Còn đối với nữ, các tỉ lệ này cũng giảm từ 57,5% xuống 44,3%.

“Kết hôn muộn, kết hôn ít là một trong những nguyên nhân làm mức sinh giảm tới một nửa trong hơn 30 năm qua. Năm 1989, bình quân mỗi phụ nữ có 3,8 con thì năm 2006 giảm xuống khoảng 2,1 con và mức sinh thấp này được duy trì đến ngày nay”, ông Cử nêu.

Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em bày tỏ quan ngại, việc giới trẻ ngại kết hôn và sinh con không chỉ mang lại hệ lụy cho chính mỗi người, mỗi gia đình mà cho toàn xã hội. Thế hệ trẻ không chỉ có trách nhiệm nuôi dạy con mà còn có bổn phận chăm sóc bố mẹ. Nếu kết hôn muộn sẽ vất vả, khó khăn khi cùng lúc phải vừa nuôi dạy con nhỏ, vừa chăm sóc bố mẹ già.

“Mức sinh quá thấp (1 con) kéo dài sẽ dẫn đến ‘hội chứng 4-2-1’, nghĩa là 4 ông bà nội, ngoại; 2 bố mẹ và 1 đứa con. Con một khi còn nhỏ được 6 người chăm sóc; lớn lên lại có trách nhiệm chăm sóc 6 người. Hơn nữa cuộc sống luôn có rủi ro, nhiều bố mẹ một con trở nên ‘trắng tay’ khi con cái bị tai nạn, bệnh tật dẫn đến tử vong. 

Ở tầm quốc gia, nhiều nước phát triển có mức sinh thấp, kéo dài đang gánh chịu hậu quả dân số giảm, phải nhập khẩu lao động, tỉ lệ người già rất cao tạo áp lực lớn lên các chính sách an sinh. Nước ta đang có xu hướng giảm mức sinh. Vì vậy, tình trạng già hóa dân số kéo dài với những hậu quả nặng nề ở nhiều nước phát triển là bài học lớn để Việt Nam quan tâm xây dựng chính sách điều chỉnh mức sinh hợp lý”, ông Cử nhấn mạnh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *