Vượt qua định kiến “học tốn tiền cha mẹ còn thất nghiệp”
Ngày thấy Trần Thị Kim Út dọn đồ đạc từ TPHCM về quê, nhiều người lắc đầu bảo “cha mẹ tốn tiền bạc cho con ăn học giờ thành công cốc”. Cũng có người xì xào “ngồi làm máy lạnh không sướng hơn sao” hay “chắc làm dở, thất nghiệp mới về quê”.
Cô gái trẻ có chút chạnh lòng song vẫn nghĩ, mọi người cũng vì quan tâm, mong muốn mình có cuộc sống tốt, thoát cảnh làm nông khổ cực nhưng thu nhập không cao mới nói như vậy.
May mắn, cha mẹ của Kim Út không phản đối quyết định nghỉ việc ở thành phố của con. Họ chỉ lo, con về quê gắn với ruộng vườn, cô sẽ vất vả.
Hơn một năm sau, Kim Út gạt bỏ được “cái tiếng” thất nghiệp về quê và khiến nhiều người bất ngờ khi có thể kiếm được mức thu nhập tốt trên chính mảnh đất quê ấy.
Chia sẻ với phóng viên, Kim Út (24 tuổi, quê ở Kiên Giang, hiện sinh sống ở Quế Sơn, Quảng Nam) cho biết, cô vốn tốt nghiệp cử nhân ngành Báo chí, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TPHCM.
Sau khi ra trường, Út vào làm ở một tờ báo cộng tác từ hồi còn đi học. Công việc đem đến cho cô mức thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng, đủ để trang trải cuộc sống của một sinh viên mới ra trường.
Làm báo 2 năm, cô gái trẻ học được nhiều kỹ năng có ích, song lại thấy bản thân chưa “cháy” hết mình với công việc. Bản tính phiêu lưu, năng động của tuổi trẻ khiến Út quyết định nghỉ việc, tìm một thử thách để làm mới mình.
Sau nhiều ngày suy nghĩ, Kim Út quyết định về công ty của người quen ở Vũng Tàu làm việc. Một thời gian sau đó, cô về Quảng Nam, nơi có họ hàng đang sinh sống.
Trên mảnh đất quê, Kim Út phụ gia đình làm nông nghiệp, trồng rau màu, cây trái và làm sáng tạo nội dung – một công việc được nhiều người trẻ lựa chọn hiện nay.
Công việc nhà nông với một cô gái trẻ không dễ dàng. Những ngày đầu về quê cuốc đất phơi nắng, Kim Út mệt rã rời, người đen nhẻm, mặt nổi đầy tàn nhang. Những mảnh vườn rau củ cô trồng còi cọc vì thiếu nước, chậm phát triển do không biết cách chăm. Út sau đó học cách làm vườn từ chính những người thân trong gia đình.
Dần dần, cô gái trở thành một nhà nông thực thụ. Mảnh vườn quanh nhà dần được phủ xanh, cây ăn trái tươi tốt. Có thời gian rảnh, Kim Út theo anh họ ra đồng bắt cá, cua, ốc… để đổi món cho bữa cơm gia đình.
Vì có sở thích nấu ăn và làm những đồ thủ công đơn giản nên trước đó, Út thường xuyên quay dựng video về các chủ đề này và chia sẻ lên mạng xã hội.
Sống ở thôn quê, sẵn chất liệu về ruộng vườn, công việc nội trợ, bếp núc, Kim Út lên kịch bản về các nội dung này để quay dựng.
“Ngoài thích và làm video về nấu ăn, tôi còn muốn thử thách mình bằng những việc khó một chút. Tôi tự mình làm những vật dụng như lò đất, rổ rá, võng dây chuối, tự may thêu… Đây là những công việc ông bà ta ngày xưa đều tự làm.
Có tự tay làm mới thấy hết giá trị của từng món đồ để biết trân trọng chúng. Tôi muốn truyền tải cuộc sống, hơi thở ở quê bằng chủ đề rộng hơn để người xem cảm nhận được”, Kim Út chia sẻ.
“Thôn nữ triệu view” làm võng từ dây chuối, lội bùn bắt cá đồng
Với công việc sáng tạo nội dung, Út không bỏ phí những kinh nghiệm tích lũy được từ ngày học đại học và làm báo. Cô vì thế viết, lên kịch bản, quay, dựng phim… khá nhuần nhuyễn.
Những video về cuộc sống nông thôn của một thôn nữ nhanh chóng thu hút được sự quan tâm của người xem. Cư dân mạng yêu thích những thước phim thôn nữ trong trang phục áo bà ba làm vườn, thu hoạch dưa hấu, lội bùn bắt cá, cào nghêu hay video cô làm các món ăn truyền thống…
Trải qua hơn một năm, Kim Út đã sản xuất khoảng 170 video, thu về hàng trăm triệu lượt xem. Từ đây, cô dần có các tài trợ và cải thiện thu nhập, có thời điểm cao gấp nhiều lần so với hồi còn đi làm ở thành phố.
Kim Út chia sẻ: “Tôi đã làm rất nhiều video, nhưng nhớ nhất là lần thực hiện nội dung chiếc võng làm từ cây chuối. Tôi mất hơn 10 ngày để làm võng và cho ra sản phẩm.
Qua đoạn video hơn 3 phút, tôi kể quá trình làm chiếc võng từ việc chẻ thân chuối đem phơi, rồi tạo sợi, đan từng mắt võng. Video thu về 12,6 triệu lượt xem. Làm xong chiếc võng da tay tôi bong tróc, đau ê ẩm vì liên tục xoắn, bện dây”.
Thỏa ước nguyện bữa cơm gia đình
Các câu chuyện đậm chất thôn quê của Kim Út như một quãng nghỉ cho những ai đang quay cuồng giữa nhịp sống hối hả của đô thị. Không chỉ kể các câu chuyện một cách tự nhiên, cô gái trẻ còn khéo léo truyền tải thông điệp đến những người trẻ.
Ở cuối mỗi video luôn là cảnh Kim Út và người thân quây quần bên mâm cơm nóng hổi. Chia sẻ về ẩn ý này, cô gái cho hay, ngày còn làm việc ở thành phố, cô thường không có khái niệm về thời gian. Công việc không theo giờ giấc cụ thể, cứ có việc là mở máy tính, là xách balo lao ra đường.
Vậy nên, nhiều khi, tới bữa, cô ăn vội bữa cơm bên vỉa hè, cũng có hôm đến 9-10h đêm mới được cầm trên tay hộp cơm duy nhất trong ngày.
“Lúc đó, nhìn dòng xe hối hả trong ánh đèn đêm, tôi rớt nước mắt vì thèm không khí của những bữa cơm nhà. Vậy nên, hình ảnh bữa cơm trong mỗi video là mong muốn của tôi. Tôi mong sau một ngày lao động, có đi đâu làm gì thì bữa cơm cũng là nơi mỗi người hướng về, để được quây quần, sẻ chia câu chuyện trải qua trong ngày.
Tôi cũng mong muốn mỗi người, nhất là những người trẻ, hãy luôn dành tình cảm và sự quan tâm cho gia đình, cha mẹ, đôi khi chỉ là về để cùng nhau ăn một bữa cơm”, cô gái 24 tuổi cho hay.
Cũng theo Kim Út, cái “được” lớn nhất khi cô quyết định bỏ phố về quê đó là được làm công việc mình yêu thích, được quây quần cùng những người thân yêu bên bữa cơm nhà, được hòa mình và thiên nhiên, làm vườn, chăm cây, nấu ăn – những việc lúc ở phố cô khó thực hiện được. Cách cô gái tự thay đổi cuộc sống, làm mới mình khiến nhiều bạn trẻ thích thú.
Từ “làm cho vui”, Kim Út nổi tiếng chỉ sau hơn nửa năm làm nội dung trên mạng xã hội. Nhiều người nói vui, nhờ bỏ phố về quê, Kim Út đã “đổi đời”, tìm ra đam mê từ công việc đang được nhiều bạn trẻ yêu thích.
Kim Út cho biết, cô có thu nhập ổn định mỗi tháng từ các nhãn hàng tài trợ lồng ghép sản phẩm vào video. Có được nguồn thu, Út dành một phần tái đầu tư vào vườn tược, thiết bị để nội dung thêm đa dạng, chỉn chu hơn.
“Tôi sẽ tiếp tục xây dựng kênh theo hướng cuộc sống ở quê, làm các món đồ thủ công, làm vườn, trồng cây, nấu ăn, trải nghiệm các vụ mùa nông đặc sản ở Quảng Nam và nhiều tỉnh thành tôi đặt chân đến”, Kim Út chia sẻ về dự định sắp tới.