Sáng 17/11, tại Lào Cai diễn ra Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững do Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung chủ trì.
Sau nghi nghe báo cáo tham luận từ nhiều cơ quan, tỉnh thành trên cả nước, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tổng kết, giai đoạn trước 2016, công tác giảm nghèo tập trung vào cải thiện thu nhập.
Từ 2016 đến nay, mục tiêu giảm nghèo “nâng lên một bước”, bao gồm thêm việc cải thiện các mặt thiếu hụt khác về xã hội theo hướng giảm nghèo đa chiều nên khó khăn hơn.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị.
Lý do, những nơi có điều kiện thuận lợi đã thoát nghèo thành công nhưng những phần “lõi nghèo” còn tồn tại sẽ khó giải quyết. Đây là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa… thiếu thốn về lao động, kinh tế, vốn, tư duy…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung ghi nhận công tác giảm nghèo của Việt Nam đạt thành tựu tốt nhưng nêu quan điểm: “Kết quả giảm nghèo nói chung nhanh nhưng tính bền vững chưa cao. Nhiều hộ gia đình có thể trở lại diện nghèo sau một biến cố như thiên tai, địch họa, đau ốm, mất nhà, thậm chí là mất một vài con bò”.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, chương trình giảm nghèo giai đoạn này đã bước sang năm thứ 3 nhưng nhiều khâu, nhiều việc còn chậm, trì trệ, tư tưởng trông chờ vào nhà nước còn phổ biến, cấp trên thúc làm mà cấp dưới chần chừ, e sợ
Bộ trưởng đề nghị: “Các địa phương cần rà soát công việc của mình xem tồn tại ở đâu để tập trung xử lý, để chương trình giảm nghèo trong thời gian tới giải ngân nhanh nhất mà đạt hiệu quả tốt nhất”.
Về các giải pháp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay sẽ trình Quốc hội điều chuyển kinh phí của năm 2022-2023 sang 2024 nhưng ngay từ giờ đến cuối năm 2023, vẫn cần giải ngân những nội dung khả thi. Ông nói: “Có tiền mà không giải ngân được thì làm sao đầu tư cho phát triển? Như vậy là có lỗi với người dân”.
Chi tiết các chương trình giảm nghèo, Bộ trưởng cho hay trong nội dung hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp và dạy nghề, cần có chính sách để trường nghề được dạy văn hóa và “học sinh cấp 3 có thể vừa học nghề vừa học văn hóa cùng lúc”.
Trong mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát, kế hoạch đề ra đến năm 2025 là phải xóa trên 100.000 căn nhà thuộc diện này ở 74 huyện nghèo với tổng số vốn 4.000 tỷ đồng. Bộ trưởng Dung khẳng định “hiện đã có tiền” và yêu cầu các địa phương mạnh dạn giao chỉ tiêu thực hiện đến từng người đứng đầu.
Với việc chăm lo cho trẻ em, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá: “Nói thật hôm nay tôi thấy buồn, thấm thía vì đi miền núi vẫn thấy trẻ em bé, còi. Nghịch lý là tiền cho hoạt động chăm lo dinh dưỡng cho trẻ nghèo đã có mà chưa giải ngân được, cấp phát muộn”.