Hà Nội tăng số ca mắc sốt xuất huyết
Ngày 5/11, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tuần (từ ngày 27/10 đến 3/11), trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.590 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng hơn 10 ca so với tuần trước đó).
Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân trong tuần, dẫn đầu là Hà Đông với 218 ca, tiếp đến là Thanh Oai (162 ca), Phú Xuyên (149 ca), Đống Đa (143 ca). Ngoài ra, trong số các xã, phường ghi nhận nhiều bệnh nhân thì 2 phường: Dương Nội (quận Hà Đông) và Hoàng Liệt, (quận Hoàng Mai) đều ghi nhận 30 bệnh nhân; tiếp đến xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) và phường Xuân La (quận Tây Hồ) đều có 25 bệnh nhân; xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì) có 24 bệnh nhân.
Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, trên địa bàn thành phố có 28.483 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 4 ca tử vong (giảm 8 ca so với cùng kỳ năm ngoái). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 575/579 xã, phường, thị trấn. Trong đó, các quận, huyện có nhiều bệnh nhân là Hà Đông (1.973 ca), Hoàng Mai (1.840 ca), Phú Xuyên (1.835 ca), Thanh Oai (1.639 ca), Đống Đa (1.565 ca), Thanh Trì (1.553 ca).
Cũng trong tuần này, Hà Nội ghi nhận thêm 107 ổ dịch tại 25 quận, huyện, thị xã (tăng 7 ổ dịch so với tuần trước đó). Nơi có nhiều ổ dịch trong tuần qua là các quận, huyện, thị xã: Đống Đa, Thanh Trì (12 ổ dịch); Thường Tín (11 ổ dịch); Quốc Oai (8 ổ dịch); Hai Bà Trưng (7 ổ dịch); Bắc Từ Liêm, Hà Đông (6 ổ dịch); Sơn Tây, Chương Mỹ (5 ổ dịch); Mê Linh, Thanh Oai, Cầu Giấy (4 ổ dịch)…
Như vậy, tổng số ổ dịch từ đầu năm đến nay là 1.661, hiện còn 231 ổ dịch đang hoạt động tại 28 quận, huyện, thị xã; trong đó một số ổ dịch kéo dài và ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất có 568 ca; xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất có 417 ca; thôn Đống, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai (115 ca); xã Châu Can, huyện Phú Xuyên (113 ca)…
GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, công tác phòng, chống sốt xuất huyết đang đối mặt với những khó khăn chung kể cả trên phạm vi toàn cầu và các tỉnh, thành phố trên cả nước, đòi hỏi các hoạt động chống dịch phải được triển khai kiên trì, liên tục và quyết liệt, nhất là trong những đợt cao điểm của dịch bệnh để khống chế số mắc và tử vong.
Theo ông Lân, việc kiểm tra cho thấy người dân đã có ý thức hơn trong công tác vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt bọ gậy phòng, chống sốt xuất huyết. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những ổ bọ gậy tồn tại mà người dân không ngờ đến như lọ cắm hoa, vỏ lon bia, vũng nước nhỏ đọng trong nhà…
Bác sĩ cảnh báo biến chứng cô đặc máu nguy hiểm khi mắc sốt xuất huyết
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia truyền nhiễm, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), khi mắc sốt xuất huyết, có 2 cơ chế bệnh sinh có thể dẫn đến nguy hiểm. Thứ nhất, khi virus tấn công vào cơ thể sẽ ức chế tủy xương gây hạ tiểu cầu, từ đó dẫn đến xuất huyết.
Thứ hai, virus làm tổn thương thành mao mạch, gây tăng tính thấm làm thoát huyết tương ra khỏi lòng mạch, hậu quả cô đặc máu, từ đó bệnh nhân có thể sốc do giảm thể tích tuần hoàn.
Trao đổi với PV Dân Việt, bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, biến chứng cô đặc máu là một trong những biến chứng phổ biến khi mắc sốt xuất huyết.
Theo bác sĩ Thiệu, tính thấm mao mạch gia tăng, với hậu quả thoát huyết tương ra ngoài khoang dịch kẽ với lượng lớn, là nguyên nhân của tình trạng cô đặc máu. Cô đặc máu thường xuất hiện vào ngày thứ 2-3 của bệnh, nếu không được bổ sung dịch đủ, và có thể kéo dài đến khi khỏi bệnh.
“Cô đặc máu được hiểu là mất một lượng nước trong máu dẫn đến tình trạng máu đặc, nếu không điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm hơn , nếu không bù lượng nước đúng, đủ, kịp thời có thể dẫn tới giảm lượng máu tưới mô dẫn tới suy đa tạng, nặng hơn có thể gây sốc giảm thể tích”, BS Thiệu cảnh báo.
Bác sĩ Thiệu cũng thông tin, bệnh dù nặng dù nhẹ vẫn không có mất nước trên lâm sàng. Cân nặng không giảm, da không khô, vì vậy rất khó xác định trên lâm sàng, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để đước làm xét nhiệm theo dõi cả cô đặc máu và giảm tiểu cầu, bên cạnh biến chứng cô đặc máu có liên quan nhiều đến triệu chứng mệt, đau tức vùng gan, nôn, buồn nôn, lơ mơ, li bì.
Giai đoạn hạ sốt sẽ xuất hiện các biến chứng hạ tiểu cầu hoặc cô đặc máu và thiếu thể tích tuần hoàn gây tụt huyết áp, sốc… Vì vậy, người bệnh không nên chủ quan và cần đặc biệt lưu ý giai đoạn nguy hiểm này (từ ngày thứ 4 – 7), bằng cách đi khám và xét nghiệm máu hằng ngày, xác định nguy cơ hạ tiểu cầu và cô đặc máu.
Bác sĩ khuyến cáo, để xác định người bệnh có bị biến chứng cô đặc máu hay không, cần phải vào viện kiểm tra mới có thể biết chính xác. Khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết người bệnh cần được thăm khám ở cơ sở y tế đảm báo chất lượng để được điều trị kịp thời.
“Lưu ý không tự ý truyền dịch và không dùng kháng sinh hay thuốc corticoid. Cần đặc biệt lưu ý từ ngày thứ 4 – 5 trở đi sẽ có hiện tượng máu cô đặc nếu không bù đủ dịch. Xét nghiệm công thức máu nếu thấy chỉ số Hematocrite tăng trên 20% so với ban đầu tức là máu bị cô đặc, phải hết sức lưu ý trong vấn đề truyền dịch”, bác sĩ Thiệu phân tích.
Trong trường hợp được bác sĩ khám bệnh cho điều trị tại gia đình, cần được theo dõi thường xuyên về nhiệt độ cơ thể và các hiện tượng xuất huyết người bệnh (nếu có) cũng như các dấu hiệu bất thường xuất hiện, nếu cần phải cho người bệnh đến bệnh viện ngay.
Điều trị và theo dõi sốt xuất huyết tại gia đình phải dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt lưu ý sử dụng thuốc hạ sốt không được dùng Aspirin, chỉ dùng Paracetamol đơn chất theo chỉ định của nhân viên y tế.
“Cần bù dịch sớm bằng đường uống, khuyến khích người bệnh uống nhiều nước Oresol, nước trái cây, nước cháo loãng với muối. Khi bệnh nhân không uống được do nôn nhiều, có dấu hiệu mất nước, xét nghiệm Hematocrit tăng cao phải chỉ định truyền dịch”, bác sĩ Thiệu thông tin thêm.
Cách điều trị sốt xuất huyết tại nhà
Các phương pháp điều trị sốt xuất huyết tại nhà chủ yếu là nghỉ ngơi, chườm mát, uống thuốc hạ sốt paracetamol nếu sốt cao, uống nhiều nước (từ 2-3 lít nước hoặc nước hoa quả, Oresol theo sự hướng dẫn của bác sĩ). Ngoài ra, người bệnh nên bổ sung thêm vitamin các loại và dinh dưỡng hợp lý.
Bên cạnh việc bổ sung đầy đủ nước và điện giải, người bệnh cần lưu ý thân nhiệt và uống thuốc hạ sốt khi cần thiết. Paracetamol là thuốc hạ sốt an toàn, thường được chỉ định trong điều trị triệu chứng sốt xuất huyết.
Tuy nhiên, Paracetamol có khả năng gây độc cho gan, thận nếu dùng liều cao (15g/ ngày với người lớn) hoặc dùng thuốc liều đúng chỉ định nhưng kéo dài hơn 1 tuần. Thuốc có nguy cơ gây độc gan với người nghiện rượu. Liều dùng Paracetamol trong điều trị sốt xuất huyết là 15mg/kg thể trọng, cách nhau từ 4 đến 6 giờ và không nên dùng quá 4 lần 1 ngày.
Lưu ý, Aspirin và Ibuprofen là 2 loại thuốc chống chỉ định dùng cho người bệnh sốt xuất huyết. Aspirin mặc dù cũng là thuốc hạ sốt, nhưng trong sốt xuất huyết tuyệt đối không được sử dụng. Bởi Aspirin có tác dụng ngăn tập kết tiểu cầu, chống đông máu nên khiến tình trạng chảy máu do sốt xuất huyết gây ra trở nên trầm trọng hơn.
Tương tự, Ibuprofen là thuốc thuộc nhóm kháng viêm không steroid. Tuy không làm ngưng tập kết tiểu cầu mạnh như Aspirin, nhưng Ibuprofen cũng khiến tình trạng chảy máu trong sốt xuất huyết khó cầm được.
-Không dùng kháng sinh với bệnh nhân sốt xuất huyết vì kháng sinh không có tác dụng tiêu diệt virus.
-Không nên cạo gió vì có thể gây tổn thương cơ và giãn mạch gây nguy hiểm đến tính mạng của bệnh nhân.