Những nhà văn Nhật Bản nổi bật

Hôm trước thấy có bài đăng bìa cứng cuốn Chết giữa mùa hè của Mishima, link đăng kí mở ra hết trong vòng một nốt nhạc, mới thấy các nhà văn Nhật Bản chưa bao giờ hết hot ở thị trường Việt Nam. Cùng điểm qua những nhà văn Nhật Bản nổi bật nào.
Phần Một:
Yukio Mishima
Ông được đánh giá là một trong những tác giả quan trọng nhất trong nền văn học Nhật Bản thế kỉ 20. Ông sở hữu khối lượng trước tác khổng lồ, gồm 40 tiểu thuyết, 20 truyện ngắn và hàng chục vở kịch. Mishima từng được xem là ứng viên nặng kí cho giải thưởng Nobel Văn học. Sáng tác nổi bật của ông có Kim Các tự (1956), bộ tứ tác phẩm Bể phong nhiêu (1965-1970), Khao khát yêu đương (1950), Người thủy thủ bị biển khước từ (1963), Chết giữa mùa hè cùng nhiều truyện ngắn khác(1966)
Ông sinh năm 1925, trong một gia đình quyền quý phục vụ cho chính phủ. Phụ thân của ông phản đối kịch liệt việc ông tối ngày đèn sách viết lách, khiến Mishima phải thay tên đổi họ dưới mỗi bài viết. Ông được miễn tham gia thế chiến II, điều này khiến ông vô cùng day dứt vì đã không đem mạng sống của mình ra phụng sự cho Tổ quốc. Sau này Mishima chịu ảnh rất lớn của chủ nghĩa trung quân ái quốc truyền thống và tinh thần bushido – võ sĩ đạo Nhật Bản. Năm 1968, ông thành lập tổ chức Tate no Kai (tạm dịch: Hội phòng vệ), tập hơn gần 100 thanh niên trai tráng giương cao ngọn cờ chấn hưng tinh thần võ sĩ đạo và bảo vệ Thiên hoàng. Năm 1970, ông xúi giục binh sĩ tiến hành chính biến, nhưng thất bại, ông đã tự sát bằng chính nghi thức seppuku (mổ bụng tự sát) mà một võ sĩ samurai vẫn thường làm khi tuẫn tiết theo chủ. Cái chết của Mishima đã tạo nên cơn chấn động trên khắp Nhật Bản cũng như thế giới. Người ta chê trách ông sa đà vào chủ nghĩa dân tộc nhưng cũng không thể phủ nhận tầm ảnh hưởng của Mishima trong văn chương, các sáng tác của ông đến nay vẫn được xem như mẫu mực cho văn học Nhật Bản.
Natsume Soseki
Ông là một trong những cây bút chủ soái của văn chương tâm lí cao sang (yoyuha, Dư Dụ phái) trên văn đàn Nhật Bản thế kỉ XX. Ông cùng với Mori Ogai và Akutagawa Ryunosuke được xem là ba trụ cột của văn học hiện đại Nhật Bản, có đóng góp vào sự phát triển của nước Nhật. Thế nên hình ảnh của Natsume Soseki được lựa chọn để in lên tiền giấy mệnh giá 1000 yên Nhật từ năm 1984 đến 2004.
Soseki sinh ra trong một gia đình nghèo khó, nhưng ông vẫn nỗ lực thi đỗ vào khoa Anh ngữ của trường Đại học Đế quốc Tokyo. Suốt trong những năm tháng học Đại học, ông đều chăm chỉ học tập và giành được học bổng liên tục. Sau đó ông được gửi đi du học ở Anh bằng học bổng chính phủ, tuy nhiên ông vẫn phải sống tằn tiện. Năm 1905 ông cho ra mắt cuốn Tôi là con mèo, tiếp sau đó là Botchan, Nỗi lòng, Sanshiro. Hầu hết người dân Nhật Bản sẽ phải đọc một cuốn tiểu thuyết của Natsume Soseki ít nhất một lần trong đời. Văn chương của Soseki là chìa khóa cho sự hiểu biết về lịch sử Nhật Bản cận-hiện đại; các tác phẩm của ông nắm bắt được thời kì Minh Trị. Natsume Soseki thể hiện cái nhìn phi thường, sâu sắc vào một Nhật Bản đang trở mình hiện đại hóa nhanh chóng, một Nhật Bản bối rối trước những biến động không ngừng dưới ánh sáng của văn minh phương Tây.
Tanizaki Junichiro
Tanizaki Jun’ichiro là một thiên tài văn chương Nhật với một văn nghiệp đồ sộ. Ông là người kể chuyện có duyên nhất trong những cây bút tiền chiến. Ông là một trong sáu tác giả trong danh sách cuối cùng cho giải Nobel Văn học năm 1964, năm trước khi ông qua đời. Hầu hết các tác phẩm của ông chủ yếu khai thác mảng để tài hiện thực cảnh sống hoan lạc, đồi phế của xã hội cũ đang suy tàn và miền sâu phong kín của địa ngục nội tâm con người muôn thuở. Là người sùng bái phụ nữ và sắc đẹp nhưng cái đẹp trong văn của Tanizaki lại nhuốm mùi chủ nghĩa tự nhiên. Những mỹ nhân trong văn ông lộng lẫy và được tôn thờ như nữ thần, nhưng vẻ đẹp, sự hấp dẫn của họ lại hoàn toàn đậm chất trần tục. Nghiên cứu tâm thần học, Tanizaki dám và có thể khắc họa hoàn toàn chính xác nhưng cũng không kém phần tài tình, uyển chuyển những xu hướng tính dục được coi là lệch chuẩn như đồng tính, bạo dâm, khổ dâm, ái vật, ái thú… Những “lệch lạc” mà người ta hay gọi này, qua ngòi bút thần diệu của Tanizaki, không phải là một thứ gì đáng ghê tởm cùng cực mà lại có sức hút khó lòng chối từ, tựa như loài cây nắp ấm tỏa hương thơm ngào ngạt khiến con mồi sa ngã. Những sáng tác đặc trưng của ông gồm có Chữ Vạn, Nàng Shunkin, Hai cuốn nhật kí, Tình khờ, Mong manh hoa tuyết, Nhật kí già si…
Dazai Osamu
Dazai Osamu được xem là một trong những nhà văn hiện đại của Nhật Bản có tác phẩm được dịch ra ở phương Tây sớm nhất kể từ sau Thế chiến II. Những tác phẩm của ông phản ánh vô cùng chân thực tâm thức của người dân Nhật Bản sau chiến tranh, nỗi niềm hoang hoải về một thời quá vãng, cũng như tâm thức tuyệt vọng, sụp đổ niềm tin vào một đế chế vẫn luôn tự hào là hậu duệ thần Mặt trời. Dazai như bị cái chết cám dỗ, đã năm lần tự sát và lần cuối cùng, sau khi Tà dương ra mắt, ông cùng người tình Tomie, trẫm mình xuống hồ nước ngọt gần sông Tamagawa, kết thúc một cuộc đời tài hoa.
Dazai dùng lối viết giản dị như câu nói thường ngày. Những tác phẩm nổi tiếng của ông đều dựa vào những sự việc xảy ra trong cuộc đời mình nên ông được xếp vào tự truyện. Tác phẩm của Dazai hàm chứa nỗi bi quan sâu đậm, điều không có gì lạ ở một người nhiều lần thực hiện hành vi tự tử. Các nhân vật tiểu thuyết của ông cũng quan niệm chuyện tự tử như cách duy nhất để thay thế cho đời sống Địa ngục của họ, nhưng thường thất bại trong việc tự tử chính vì thái độ khinh bạc đối với sự sống hay chết. Những sáng tác đặc trưng của ông có thể kể đến Thất lạc cõi người, Tà dương, Chiếc hộp Pandora.
Mori Ogai
Ông là một bác sĩ, một dịch giả, nhà viết tiểu thuyết và là một nhà thơ Nhật Bản. Ông sinh ra trong một gia đình đời đời làm nghề thầy thuốc cho lãnh chúa, lớn lên theo truyền thống đó, vào Đại học Đế quốc Tokyo học y khoa. Ông tốt nghiệp năm 1881 và trở thành quân y của lục quân. Là một tác giả, Mori được coi là một nhà văn hàng đầu thời kì Minh Trị với những tác phẩm lừng danh như Nàng vũ côngmiêu tả mối quan hệ giữa một người đàn ông Nhật và một phụ nữ Đức, mang màu sắc khai sáng khuynh hướng lãng mạn trong văn học Nhật Bản thời cận đại, Nhạn (1911-1913), Truyện người ca kĩ, Người đưa thư

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *