Nhà hỏa táng điện cho đồng bào dân tộc thiểu
Cũng theo ông Nguyễn Minh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, dự án đầu tư, hỗ trợ kinh phí xây dựng thí điểm 2 nhà hỏa táng điện cho đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Bình Thuận do Trung ương hỗ trợ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.
Theo đó, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 (được phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ) với tổng mức đầu tư dự kiến (2 Nhà hỏa táng điện) là hơn 88,5 tỷ đồng đồng (88.539 triệu đồng).
Để chuẩn bị cho 2 dự án này, vừa qua ông Nguyễn Minh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã chủ trì cuộc họp với các sở ban ngành liên quan.
Theo báo cáo của các sở ngành liên quan, tính đến thời điểm hiện tại, huyện Tuy Phong đã hoàn thành việc lựa chọn vị trí xây dựng dự án. Riêng huyện Bắc Bình chưa thống nhất địa điểm triển khai dự án do vướng mắc liên quan đến hạ tầng phục vụ vận hành dự án và ý kiến của người dân.
Tại cuộc họp, các sở, ngành và địa phương có liên quan đã thảo luận để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nêu trên và mục tiêu là đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa dự án đi vào vận hành.
Theo đánh giá và nhận xét của các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận, việc trung ương đầu tư, hỗ trợ kinh phí xây dựng thí điểm 2 nhà hỏa táng điện cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Tuy Phong và Bắc Bình rất mới.
Do đó, đòi hỏi công nghệ cao và phức tạp nhưng các huyện được giao vốn chưa có kinh nghiệm trong triển khai xây dựng lĩnh vực này. Mặt khác, phong tục tập quán của đồng bào có nhiều nghi lễ, nghi thức trước khi thờ cúng, do đó việc thay đổi cả một phong tục, tập quán từ trước tới nay đối với người dân là rào cản không nhỏ để thực hiện dự án, đòi hỏi phải có phương án lựa chọn thiết kế phù hợp…
Một điều quan trọng khác là bà con dân tộc thiểu số lâu nay đã quen với phong tục hỏa táng truyền thống nên khi tiếp cận dự án này cũng cần có thời gian để bà con thích nghi.
Dự án quan trọng với đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số
Phát biểu tại buổi làm việc với các sở ngành liên quan đến Dự án Nhà hỏa táng cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Bình Thuận sáng 3/11, ông Nguyễn Minh yêu cầu các sở, ngành, địa phương có liên quan hết sức nêu cao tinh thần, trách nhiệm, xem đây là dự án quan trọng để cải thiện đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Ông Nguyễn Minh cũng yêu cầu các sở, ngành có liên quan hướng dẫn huyện Tuy Phong và huyện Bắc Bình tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong quá trình lập hồ sơ, thẩm định hồ sơ Dự án nhà hỏa táng. Trước hết cần tập trung hoàn thiện hồ sơ dự án của huyện Tuy Phong, bởi địa phương đã có kế hoạch sử dụng đất phục vụ dự án, đồng thời dự án tại đây có khả năng mở rộng và được người dân đồng thuận cao.
Ông Nguyễn Minh cũng yêu cầu 2 huyện Tuy Phong và Bắc Bình phải xác định việc xây dựng nhà hỏa táng là công việc hết sức cần thiết để phục vụ đồng bào dân tộc thiểu số. Song song đó là tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu hơn về phương thức hoả táng. Hai huyện Tuy Phong và Bắc Bình nghiên cứu cho người dân đi tham quan mô hình nhà hỏa táng dành cho dân tộc thiểu số tại các địa phương có mô hình tương tự…
Bên cạnh đó, Sở Tài chính nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến nguồn vốn của dự án. Ban Dân tộc bám sát các cơ quan Trung ương có liên quan để kịp thời phản hồi, báo cáo các kiến nghị của tỉnh Bình Thuận về 2 dự án này, đặc biệt là nghiên cứu đề xuất chính sách phù hợp để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn đầu khi dự án đi vào vận hành.
Bình Thuận là tỉnh duyên hải Nam Trung bộ với dân số trên 1,2 triệu người, trong đó có 34 dân tộc thiểu số với hơn 105.100 người, chiếm khoảng 8% dân số toàn tỉnh. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán, lễ hội riêng, tạo nên sự phong phú, đa dạng trong nền văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Bình Thuận cư trú đan xen và rộng khắp toàn tỉnh, trong đó có đồng bào dân tộc Raglai, Cơ Ho, Chơ Ro sống tập trung ở 11 xã thuần và 20 thôn xen ghép, đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Hoa sống ở 2 xã thuần và 2 thôn xen ghép.
Đồng bào Chăm sống tập trung ở 4 xã thuần và 9 thôn xen ghép và một trong những dân tộc có số dân đông nhất, với hơn 9.041 hộ/39.656 khẩu, chiếm 3,12% dân số toàn tỉnh Bình Thuận (số liệu tính đến cuối năm 2020).
Trong đó, cư trú đông nhất ở huyện Bắc Bình, chiếm 57,28%. Đồng bào Chăm theo hai tôn giáo chính là Bàlamôn giáo và Hồi giáo Bà ni; sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào thuần túy theo phong tục truyền thống; ngoài ra, còn một số đồng bào Chăm theo đạo Islam.