moi-huong-luong-huu-da-qua-doi,-tien-bhxh-da-dong-xu-ly-ra-sao?

Mới hưởng lương hưu đã qua đời, tiền BHXH đã đóng xử lý ra sao?

Cha chị Nga mới nghỉ hưu nhận chế độ hưu trí được gần 2 năm thì mắc bệnh nan y và qua đời. Chị Nga thắc mắc: “Cha tôi đóng BHXH hơn 30 năm, giờ mới hưởng lương hưu được 2 năm thì thiệt thòi quá. Những người thân như tôi được hưởng chế độ gì không?”.

Trao đổi tại các diễn đàn giải đáp chính sách BHXH, nhiều lao động cũng thắc mắc vấn đề này. Nhiều người cảm thấy thiệt thòi nếu rơi vào trường hợp mới lãnh lương hưu được vài tháng thì qua đời.

Mới hưởng lương hưu đã qua đời, tiền BHXH đã đóng xử lý ra sao? - Ảnh 1.

Người dân nhận lương hưu tại TPHCM (Ảnh minh họa: BHXH TPHCM).

Theo BHXH Việt Nam, người đang hưởng lương hưu qua đời thì số tiền BHXH mà họ đã đóng không mất đi, nó được chuyển thành các khoản trợ cấp dành cho thân nhân người lao động (NLĐ). Cụ thể là 3 chế độ sau: trợ cấp mai táng, trợ cấp tuất hằng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần.

Thứ nhất, theo Điều 66 luật BHXH năm 2014, NLĐ đang hưởng lương hưu mà qua đời thì thân nhân được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở. Số tiền trợ cấp này hiện nay là 18 triệu đồng.

Thứ 2, thân nhân của NLĐ đang hưởng lương hưu mà qua đời sẽ được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng trong 4 trường hợp.

Mới hưởng lương hưu đã qua đời, tiền BHXH đã đóng xử lý ra sao? - Ảnh 2.

Theo Điều 68 Luật BHXH 2014, mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân NLĐ đang hưởng lương hưu mà qua đời bằng 50% mức lương cơ sở; trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở.

Hiện mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân là 900.000 đồng/tháng, trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp này là 1.260.000 đồng/tháng.

Số thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng không quá 4 người. Như vậy, số tiền mà thân nhân NLĐ qua đời được nhận trợ cấp tuất hằng tháng tối đa là 3.600.000 đồng/tháng (nếu có 4 thân nhân đủ điều kiện nhận trợ cấp) hoặc 5.040.000 đồng/tháng (nếu có 4 thân nhân đủ điều kiện nhận trợ cấp và không có người trực tiếp nuôi dưỡng).

Thứ 3, trong trường hợp thân nhân của người về hưu qua đời không thuộc 4 trường hợp được nhận trợ cấp tuất hằng tháng thì sẽ được nhận trợ cấp tuất một lần.

Mức hưởng trợ cấp tuất một lần này được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu của người đang hưởng lương hưu mà qua đời.

Nếu người đó qua đời trong 2 tháng đầu hưởng lương hưu thì mức trợ cấp một lần bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng.

Ví dụ, nếu mới lãnh lương hưu được 1 tháng mà NLĐ chẳng may qua đời và lương hưu đang hưởng là 5 triệu đồng thì tiền trợ cấp tuất một lần sẽ là 240 triệu đồng (48 tháng nhân 5 triệu đồng/tháng).

Nếu người đó qua đời vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 1 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi nửa tháng lương hưu, mức thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu đang hưởng.

Ví dụ, nếu người về hưu đã hưởng lương hưu được 1 năm (12 tháng) mà qua đời thì trợ cấp tuất một lần được tính bằng công thức sau: 48 – ((12 – 2) x 0,5)=43 tháng lương hưu.

Nếu lương hưu của NLĐ tại thời điểm qua đời là 5 triệu đồng thì tiền trợ cấp tuất một lần sẽ là 215 triệu đồng (43 tháng nhân 5 triệu đồng/tháng).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *