Chủ nhân ngôi nhà gạch gốm đỏ này là ông Nguyễn Văn Buôi (ngụ phường 5, TP Vĩnh Long) – một doanh nhân gốm đỏ nổi tiếng Vĩnh Long.
Chứng kiến người dân lần lượt bỏ nghề làm gốm, không muốn nhìn thấy tâm huyết bao năm của cha ông bị mai một, ông Buôl quyết vực dậy “vương quốc đỏ” quê mình.
Ông Buôl tâm sự, căn nhà là ý tưởng được đúc kết nhiều năm nhất là sau khi chứng kiến 90% người dân làm gốm bỏ nghề. “Tôi muốn xây dựng ngôi nhà giữ lại ký ức của làng nghề để con cháu sau này có thể chiêm ngưỡng”, ông Buôl nói.
Ông cho biết, từ năm 2005 đến nay bản thân vừa tìm tòi, vừa chắt chiu từng mái nhà, cây cột. Năm 2018, ông Buôl bắt đầu tư xây dựng căn nhà theo lối xưa với 3 gian 2 chái có diện tích 300m2, làm bằng đất sét đỏ nung.
Ông Buôl chọn họa tiết trên trống Đồng Đông Sơn làm điểm nhấn cho các trụ cột gốm. Từng góc nhỏ trong căn nhà đều thể hiện sự trân quý từng nét đẹp văn hóa, truyền thống của một người con gắn bó với quê hương.
“Màu nguyên bản của đất sét chính là màu của căn nhà hiện tại. Mỗi cây cột, bậc thềm đều được dựng từ gạch đỏ làm thủ công, nung ở nhiệt độ gần 1.000 độ C, thời gian lưu giữ có thể lên đến vài trăm năm. Riêng phần móng, cột nhà tôi đặt làm cốt bê tông và thép để căn nhà thêm phần chắc chắn”, ông Buôl tiết lộ.
Từ khi xây xong, căn nhà bằng gốm đỏ của ông mở cửa đón khách xuyên suốt. Không chỉ người dân trong nước, nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài cũng tò mò ghé đến tham quan.
Căn nhà mới đây đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập là “Ngôi nhà 3 gian 2 chái truyền thống hoàn toàn bằng gốm đỏ Vĩnh Long lớn nhất Việt Nam”.
Sưu tầm đồ cổ nổi tiếng miền Tây
Không chỉ dừng lại ở căn nhà bằng gốm, đại gia gốm Nguyễn Văn Buôl còn có niềm đam mê với đồ cổ. Trong căn nhà gốm bạc tỷ của mình, ông sưu tầm hơn 100 bộ dụng cụ làm đồng, hơn 100 chiếc đèn, bình hoa, các bộ bàn ghế bằng khảm, xà cừ, đi văng,… đều từ hàng chục đến hàng trăm năm tuổi.
Để sở hữu những món cổ vật trên, ông Buôl cho hay đó là một quá trình dài ông tìm kiếm, thương lượng.
“Tôi tìm từ khắp nơi, có món từ các đầu mối Việt, có món bên Nhật, bên Pháp. Các món đồ có xuất xứ từ nước ngoài hầu hết đều có giá trị lịch sử gắn liền với lịch sử nông nghiệp, sản xuất, đời sống sinh hoạt của nông dân nước ta”, ông Buôl tâm sự.
Nói về món đồ mình tâm đắc, vị đại gia gốm đỏ quê Vĩnh Long tiết lộ hầu hết các món đồ đều mang một giá trị riêng. Duy nhất sườn căn nhà bằng gốm đỏ chính là thứ ông đầu tư nhiều tâm huyết và công sức nhất.
Với tình yêu mãnh liệt dành cho dòng gốm đỏ độc quyền ở quê hương, ông Buôl cho biết sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình bằng gốm tương tự, từ đó giúp quảng bá nghề truyền thống của “vương quốc gốm đỏ” Vĩnh Long vươn xa.