13-hiep-hoi-muon-giam-ty-le-dong-bao-hiem-xa-hoi

13 hiệp hội muốn giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội

Mức đóng – hưởng hình thành từ lâu

Hiện nay, tỷ lệ đóng bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động là 10,5% (gồm bảo hiểm xã hội 8%, bảo hiểm y tế 1,5%, bảo hiểm thất nghiệp 1%), người sử dụng lao động đóng 21,5% (17,5% bảo hiểm xã hội, 3% bảo hiểm y tế và 1% bảo hiểm thất nghiệp).

Như vậy, tổng tỷ lệ đóng của cả người lao động và người sử dụng lao động là 32%. Các hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội này là rất cao.

Trên cơ sở đó, 13 hiệp hội đề nghị đưa tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động và người sử dụng lao động về mức đóng của năm 2009. Tức là người lao động đóng 5%, người sử dụng lao động đóng 15%, tổng là 20%.

Các doanh nghiệp còn đề xuất giảm tỷ lệ đóng vào quỹ của cả người lao động, và người sử dụng lao động còn 0,5%, đồng thời có lộ trình giảm tiếp cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Bộ LĐ-TB&XH nói gì khi 13 hiệp hội muốn giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội? - Ảnh 1.

Các hiệp hội cho rằng tỷ lệ đóng 32% của cả người lao động và người sử dụng lao động là rất cao (Ảnh minh họa: Vương Phi).

Về bảo hiểm y tế, đề xuất giảm mức đóng còn 1% đối với người lao động, và còn 2% đối với người sử dụng lao động.

Với mức đề xuất giảm như trên, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của người lao động sẽ là 6,5% (gồm 5% bảo hiểm xã hội, 1% bảo hiểm y tế và 0,5% bảo hiểm thất nghiệp – giảm 4% so với hiện nay); người sử dụng lao động là 17,5% (trong đó 15% bảo hiểm xã hội, 2% bảo hiểm y tế, 0,5% bảo hiểm thất nghiệp).

Trước đề xuất giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội, Phó trưởng ban chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho hay, mức đóng, mức hưởng liên quan đến bảo hiểm xã hội là một trong những yếu tố phải đánh giá tác động. Mức đóng này đã được hình thành từ lâu, theo thông lệ quốc tế.

Theo ông Quảng, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp cho rằng tỷ lệ đóng ảnh hưởng rất lớn đến điều kiện sản xuất, kinh doanh. Đây là nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp và cần xem xét.

“Song, một trong những nguyên tắc của bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc đóng – hưởng, đảm bảo cân đối quỹ hài hòa. Cho nên, việc xem xét có chấp nhận đề xuất hay không cần nghiên cứu kĩ, đánh giá trên nhiều yếu tố”, ông Quảng nhấn mạnh.

Mức đóng được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng

Liên quan đến đề xuất giảm mức đóng bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho hay, mức đóng bảo hiểm xã hội được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện trong mối quan hệ tương quan phù hợp với mức hưởng.

Mức đóng này còn tương quan với giá trị thực tế của mức đóng, mức hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội; tương quan giữa thời gian đóng và thời gian hưởng, mức độ bao phủ của các chế độ bảo hiểm xã hội.

Theo Bộ này, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cao. Tuy nhiên, tỷ lệ hưởng lương hưu ở Việt Nam cao nhất khu vực, thậm chí cao nhất thế giới.

Hiện nay, tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa của Việt Nam là 75% tương ứng với thời gian đóng bảo hiểm xã hội 30 năm đối với nữ, 35 năm đối với nam.

Bộ LĐ-TB&XH nói gì khi 13 hiệp hội muốn giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội? - Ảnh 2.

Tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội đã được tính toán kỹ lưỡng, phù hợp với mức hưởng (Ảnh minh họa: Khánh Hồng).

Như vậy, tỷ lệ tích lũy hiện nay bình quân là 2,14% đối với nam và 2,5% đối với nữ, trong khi các nước như Trung Quốc và Hàn Quốc tỷ lệ này chỉ là 1%; bình quân của thế giới cũng chỉ khoảng 1,7%.

Việc giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng đồng nghĩa với việc phải giảm tỷ lệ hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội (lương hưu) dẫn đến giá trị thực mức hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động còn thấp hơn so với hiện hành.

Cho nên, theo Bộ này, giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội không phù hợp với điều kiện, bối cảnh thực tiễn của Việt Nam hiện nay.

Bộ LĐ-TB&XH cũng nêu, mặc dù, tỷ lệ đóng, tỷ lệ hưởng lương hưu cao nhưng với tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc không cao.

Bình quân năm 2022, bình quân tiền lương đóng bảo hiểm chỉ 5,73 triệu đồng/tháng. Vì vậy, mức lương hưu bình quân của người hưởng lương hưu hiện nay cũng chỉ khoảng 5,4 triệu đồng/người/tháng.

Thực tế, ở một số doanh nghiệp vẫn còn tình trạng tách các khoản phụ cấp, các khoản bổ sung khác ra nhằm mục tiêu “né” đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.

Điều đó ít nhiều ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, liên quan đến chế độ hưu trí. Mức đóng bảo hiểm xã hội thấp ảnh hưởng đến lương hưu của mỗi người khi về già.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *