Mới đây, Korea Times đưa tin, một nhóm du khách Trung Quốc đến thăm Hàn Quốc theo dạng du lịch trọn gói bị ép mua hàng lưu niệm. Cụ thể, họ bị hướng dẫn viên dồn vào các cửa hàng và buộc phải trả tiền cho các mặt hàng được định sẵn.
Theo chia sẻ của Hạ nghị sĩ Kim Seung Su của Đảng cầm quyền Quyền lực Nhân dân, có tổng cộng có 24 trường hợp khách du lịch theo nhóm Trung Quốc bị hướng dẫn viên du lịch Hàn Quốc gây áp lực phải mua sắm do Tổ chức Du lịch Hàn Quốc (KTO) ghi nhận.
Các báo cáo cho biết, một số khách du lịch Trung Quốc đã bị đưa đến các cửa hàng và bị ép mua các sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng và các mặt hàng miễn thuế.
Du khách bị ép buộc mua sắm tại Hàn Quốc
“Hướng dẫn viên và trưởng đoàn dừng ở một cửa hàng nhân sâm ở Seoul. Họ đưa chúng tôi đến một căn phòng, khóa cửa và chặn lối ra”, một du khách Trung Quốc cho biết, đồng thời nhấn mạnh nhóm được đưa đến thêm hai cửa hàng ở những địa điểm xa xôi, nơi một số người bán hàng là người Trung Quốc.
Người này giải thích một số hướng dẫn viên “sẽ không cho phép nhóm rời khỏi cửa hàng trừ khi chúng tôi mua hàng” và hoàn thành “hạn ngạch bán hàng được chỉ định” của họ.
Một số hướng dẫn viên thậm chí còn chế nhạo những du khách Trung Quốc từ chối mua sắm và cho rằng mua sắm là một phần trong chương trình du lịch “do chính phủ Hàn Quốc yêu cầu”.
Những người khác thậm chí còn yêu cầu khách du lịch Trung Quốc trả tiền và tham gia vào “hoạt động du lịch tùy chọn” trị giá 400 nhân dân tệ (54 USD) sau khi họ phản đối việc bị ép mua sắm. Nếu không, họ phải trả 1.500 nhân dân tệ tiền phạt vì “đi chệch khỏi lịch trình” và hầu hết mọi người trong nhóm đều chọn trả tiền cho chương trình “tùy chọn” ít tốn kém hơn.
Trung Quốc đã cấm các tour du lịch theo nhóm tới Hàn Quốc sau khi triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại đây vào tháng 3/2017. Lệnh cấm đã được dỡ bỏ vào tháng 8/2023, chấm dứt 6 năm gián đoạn, làm dấy lên hy vọng về sự trở lại của du khách Trung Quốc, những người chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số khách du lịch đến Hàn Quốc.
Những công dân Trung Quốc bị đối xử như vậy được cho là đã đến Hàn Quốc này bằng thị thực du lịch cá nhân và mua các chương trình du lịch theo nhóm thông qua các ứng dụng nhắn tin như WeChat. Theo KTO, hơn 17 triệu người Trung Quốc đã đến thăm Hàn Quốc kể từ năm 2017.
Khi nhiều người Trung Quốc dự kiến đến thăm Hàn Quốc do các quy định du lịch được dỡ bỏ, Park In Sook, chủ tịch Hiệp hội Hướng dẫn Du lịch Hàn Quốc (KOTGA), cho biết: “Sai lầm kéo dài nhiều năm của ngành là chỉ tập trung vào việc kiếm lợi nhuận. Họ bỏ mặc chuyện tự hủy hoại hình ảnh đất nước”. Ông cảnh báo nó có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành về lâu dài.
Trong khi đó, Hạ nghị sĩ Kim kêu gọi ngành tăng gấp đôi nỗ lực cải tổ và kêu gọi xây dựng hệ thống chứng nhận để kiểm soát chất lượng các chương trình du lịch tới Hàn Quốc.
Vào tháng 9/2023, Hiệp hội Đại lý Du lịch Hàn Quốc (KATA) đã tập hợp các công ty trong nước phụ trách các tour du lịch theo nhóm người Trung Quốc và tổ chức một cuộc họp nhằm vận động chống lại hành vi mua sắm ép buộc như vậy. Tuy nhiên, Park In Sook tin rằng các hành động do chính phủ lãnh đạo là cần thiết.
Bà nói: “Các cơ quan quản lý du lịch phải đưa ra hướng dẫn chi tiết và cụ thể để chống lại các hoạt động kinh doanh không công bằng trong ngành, chẳng hạn như ép buộc mua sắm và cần có biện pháp hành chính để trừng phạt người vi phạm”.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc vào tháng trước đã công bố kế hoạch nhằm trấn áp các hoạt động kinh doanh không công bằng trong ngành, như tính phí quá cao cho khách du lịch, trả lương thấp cho nhân viên du lịch và buộc khách du lịch theo nhóm Trung Quốc phải mua sắm, nhằm cải thiện trải nghiệm du lịch của du khách nước ngoài.
Để đối phó với những chỉ trích ngày càng tăng về thói quen ép buộc mua sắm trong ngành, Bộ có kế hoạch thành lập một trung tâm báo cáo để theo dõi những hành vi sai trái như vậy.