LỊCH SỬ NHỮNG Ý TƯỞNG TÔN GIÁO (14)

LỊCH SỬ NHỮNG Ý TƯỞNG TÔN GIÁO (14)

Tôn giáo Hittite và Canaan (tiếp theo)
Chinh phục Rồng
Vào dịp lễ hội Năm Mới (purulli) huyền thoại về cuộc chiến giữa thần bão và Con Rồng (illuyankas) được nghi lễ thuật lại. Trận đầu vị thần bão đại bại và cầu viện các thần khác trợ giúp. Nữ thần Inaras chuẩn bị một bữa yến tiệc và mời Rồng tới. Trước đó, nàng đã nhờ một người phàm tên là Hupasiyas giúp. Anh ta nhận lời với điều kiện là nàng phải ngủ với anh ta; vị nữ thần đã đồng ý. Con Rồng phàm ăn đến nỗi nó không thể xuống lại ổ và Hupasiyas trói nó bằng một sợi dây. Thần bão nhẩy vào và giết Rồng dễ dàng. Phiên bản này của câu chuyện thần thoại kết thúc với một bất ngờ vẫn thường thấy trong những câu truyện cổ tích: Hupasiyas đến ở tại nhà Iranas nhưng không chú tâm đến mời cảnh báo của nữ thần là đừng nhìn ra cửa sổ khi vắng mặt nàng. Anh ta thấy vợ và các con mình và van xin Iranas cho anh về nhà. Phần còn lại của văn bản bị mất, nhưng Hupasiyas được phỏng đoán là bị giết.
Phiên bản thứ hai của câu chuyện có chi tiết này: Con Rồng đánh bại thần bão và lấy đi trái tim và đôi mắt của ông. Thần bão sau đó cưới con gái của một người nghèo và có một đứa con trai với nàng. Khi lớn lên, người con trai quyết định cưới con gái của Rồng. Theo hướng dẫn của cha, chàng trai trẻ không vào nhà vợ khi chưa hỏi xin trái tim và đôi mắt của thần bão; chàng có được chúng và trả lại cho cha. Có lại sức mạnh, thần bão lại đối mặt với Con Rồng và đánh bại nó. Nhưng vì đã lấy con gái Rồng, người con buộc bản thân phải trung thành với Con Rồng, chàng xin cha đừng tha mạng cho nó. “Và như vậy vị thần bão giết Con Rồng và cũng giết luôn người con trai của ông.”
Trận chiến giữa thần và rồng là một chủ đề có tiếng. Lần đầu bại trận và bị cắt xẻ tương đồng với trận chiến giữa Zeus và Typhon. Typhon đã cắt lấy gân tay và chân của Zeus, vác ông trên vai về một cái hang ở Cilicia. Typhon giấu gân trong da của một con gấu, nhưng Hermes và Aegipan trộm lại được. Zeus hồi phục sức mạnh và lật đổ tên khổng lồ. Mô-típ trộm lại những bộ phận cơ thể quan trọng cũng phổ biến. Nhưng trong phiên bản của người Hittite thì Con Rồng không còn là một con quái vật kinh hoàng thường xuất hiện trong phần lớn những thần thoại vũ trụ hay những trận chiến huyền thoại dành chủ quyền thế giới (Tiamat, Leviathan, Typhon, v.v.). Illuyankas đã đại diện cho một số đặc tính của rồng trong những câu chuyện dân gian: thiếu trí tuệ và phàm ăn.
Vị thần bão, lần đầu bại trận, cuối cùng chiến thắng không phải tự thân mà bằng sự giúp đỡ của một phàm nhân. Trong cả hai phiên bản nhân vật con người đã được trang bị trước sức mạnh có nguồn gốc thần thánh (người tình của Inaras hay con của thần bão). Trong cả hai trường hợp, người giúp sức cũng bị thủ tiêu bởi chính tác giả của tính á thần của mình.
Bất chấp bị dân gian hóa một phần, thần thoại về Illuyankas đóng một vai trò trung tâm: được xướng tụng lại trong việc thiết lập lễ hội Năm Mới. Một số văn bản có thấy trận chiến có hai nhóm đối lập, có thể so sánh với lễ akitu của Babylon. Ý nghĩa khởi nguồn vũ trụ của câu chuyện thần thoại, bằng chứng qua sự tranh đấu giữa Marduk và Tiamat được thay thế bằng sự tranh giành chủ quyền thế giới giữa Zeus và Typhon. Chiến thắng của vị thần đảm bảo sự ổn định và thịnh vượng của xứ sở.
Kumarbi và chủ quyền
Có một điều đặc biệt thú vị liên quan đến cái gọi là “thần hệ” Hurri-Hittite, đó là sự nối tiếp của một sự kiện thần thoại với nhân vật chính là Kumarbi, cha của các vị thần. Phần mở đầu “Vương quyền trên Thiên đường” giải thích việc kế nghiệp của những vị thần đầu tiên. Thủa ban đầu Alalu là vua và Anu cúi đầu trước ông và phục dịch ông. Nhưng chín năm sau Anu tấn công và đánh bại ông. Alalu tị nạn ở thế giới dưới lòng đất và Kumarbi trở thành người hầu mới của vua. Chín năm sau lại đến lượt Kumarbi tấn công Anu, Anu chạy trốn, bay lên trời nhưng Kumarbi đuổi theo, tóm được chân và cắn vào háng ông trước khi ném ông xuống đất. Trong khi Kumarbi đang cười hả hê với chiến tích thì Anu bảo ông rằng ông đã dính bầu. Kumarbi nhổ những thứ còn trong miệng mình ra nhưng một phần “nam tính” của Anu đã đi vào trong cơ thể ông, và ông to ra vì mang bầu 3 vị thần. Phần còn lại của văn bản nát bét nhưng được đoán là những đứa con của Anu dẫn đầu bởi thần bão Teshub tuyên chiến với Kumarbi và phế truất ông.
Phần tiếp theo với tựa đề “Bài hát của Ullikummi” liên quan đến nỗ lực giành lại hoàng tộc từ tay Teshub của Kumarbi. Để tạo ra một đối thủ có thể đánh bại Teshub, ông đã dùng tinh dịch của mình để thụ thai cho một hòn đá. Kết quả là Ullikummi được sinh ra, một sinh vật hình người làm bằng đá. Được đặt trên vai của Ubelluri, ngưởi có một nửa thân trên nhô lên từ mặt biển để chống đỡ thiên đường và mặt đất (phiên bản Atlas của Hurri), Ullikummi lớn nhanh đến nỗi anh chạm tới trời. Teshub đi đến bờ biển để tấn công tên khổng lồ đá nhưng ông đã đại bại. Văn bản bị khuyết đáng kể nhưng có thể tái dựng lại được chuỗi sự kiện. Ullikummi đe dọa hủy diệt loài người khiến các vị thần cảm thấy nguy cấp, quyết định tập hợp lại và cầu xin Ea. Ea ngay lập tức đến với Ellil và sau đó là Ubelluri rồi hỏi họ có biết là một người khổng lồ đá đã lật đổ Teshub hay chưa. Phần trả lời của Ellil đã bị mất. Còn Ubelluri thì báo lại một chi tiết vô cùng quan trọng. “Khi họ xây dựng thiên đường và mặt đất từ tôi, tôi không hề hay biết. Khi họ đến và tách trời và đất bằng một cái bửa, tôi cũng vẫn không hề biết. Giờ thì vai phải của tôi hơi nhói một chút, nhưng tôi không biết vị thần đó là ai.” Ea sau đó xin những vị “cổ thần” mở cổ kho của những vị cha và những tổ tiên để lấy một con dao cũ mà họ đã dùng để tách trời và đất. Ullikummi bị cưa mất chân, trở nên tập tễnh, nhưng người đá vẫn tuyên bố rằng thiên vương được trao lại cho anh từ người cha, Kumarbi. Cuối cùng, anh bị lật đổ bởi Teshub.
Mẩu thần thoại này đáng chú ý trên nhiều phương diện. Đầu tiên là nó bao hàm những yếu tố cổ xưa: Kurmabi tự đẻ vì nuốt cơ quan sinh dục của vị thần mà ông truất ngôi; sự giao hợp giữa một vị thần với một tảng đá, sinh ra một quái vật hình người bằng đá; mối liên hệ giữa người khổng lồ đá này và phiên bản Atlas của Hurri, Ubelluri. Phần đầu có thể phân tích là sự ám chỉ tính lưỡng tính của Kumarbi, một đặc điểm của những thần thánh nguyên thủy (Tiamat, Zurvan). Trong trường hợp này, Teshub kẻ chắc chắn có được vương vị, là con của một vị thần trời (Anu) thông qua một vị thần lưỡng tính. Về việc thụ tinh cho đá thì có một thần thoại tương tự ở Phrygia: Papas ( = Zeus) thụ tinh cho một tảng đá tên Agdos, và nó sinh ra Agditis, một quái vật lưỡng tính. Nhưng các vị thần đã thiến Agditis và do đó biến anh ta thành nữ thần Cybele.
Truyền bá rộng hơn nữa là những thần thoại kể lại việc con người sinh ra từ đá tìm thấy ở Tiểu Á, Viễn Đông và Polynesia. Có thể điều liên quan là chủ đề thần thoại về sự tự thân của những người đầu tiên; họ được sinh ra bởi một Nữ thần vĩ đại của thế giới ngầm. Một số vị thần (ví dụ Mithra) cũng được tưởng tượng là mọc ra từ đá, cũng giống như mặt trời khi mà ánh sáng của nó chiếu rọi từ trên những ngọn núi vào mỗi buổi sáng. Nhưng câu chuyện này không thể lược giản về một sự hiển linh của mặt trời. Có thể nói rằng sự sinh ra từ đá củng cố sự thiêng liêng của Đất Mẹ với những đức tính phi thường thấm nhuần vào những hòn đá. Như chúng ta đã thấy, sự linh thiêng của đá không đâu được tôn vinh hơn là những tôn giáo cự thạch. Không phải ngẫu nhiên mà Ullikummi lại được đặt trên vai kẻ chống trời; “người đá” cũng chuẩn bị để trở thành một cột trụ trời. Tuy nhiên, mô-típ kiểu này, đặc trưng của tôn giáo cự thạch, lại được tích hợp vào một bối cảnh lớn hơn: sự tranh giành quyền kế vị thiên vương.
(còn nữa)
—————————————–
Link các phần khác (ở cuối bài):
https://www.facebook.com/groups/NghienCuuLichSu/permalink/1180792385605396/

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *