vi-sao-hang-van-giao-vien-bien-che-ha-noi-khong-duoc-tra-luong-ngan-sach-tu-nam-2024?

Vì sao hàng vạn giáo viên biên chế Hà Nội không được trả lương ngân sách từ năm 2024?

Giải pháp cải cách tiền lương cho các đơn vị giáo dục tự chủ

Tiền lương thấp, công việc vất vả nên nhiều giáo viên bỏ nghề, chuyển nghề. Để giải quyết bài toán thiếu giáo viên, bắt buộc ngành giáo dục phải sắp xếp lại tổ chức, tuyển dụng, cùng với đó là tiến hành cải cách tiền lương.

Theo thống kê sơ bộ của ngành giáo dục, cả nước đang thiếu hơn 118 nghìn giáo viên. Trong đó riêng thủ đô, báo cáo từ UBND TP Hà Nội mới đây cho biết, đơn vị này đang thiếu gần 11.000 giáo viên. Để giải quyết khó khăn này, TP đang thí điểm việc xây dựng chế độ tự chủ chi thường xuyên cho các đơn vị giáo dục. Đây cũng là một trong các giải pháp để thực hiện cải cách tiền lương.

Bà Nguyễn Thị Liễu – Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, thời gian qua, Sở Nội vụ phối hợp cùng các đơn vị liên quan triển khai nhiều biện pháp.

cải cách tiền lương giáo viên

Cải cách tiền lương là một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng giáo viên, giải quyết bài toán thiếu giáo viên. Ảnh: N.T

Sở đã tham mưu cho HĐND TP. ban hành Nghị quyết số 18/NQ-HĐND về việc giao chỉ tiêu lao động hợp đồng đối với đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, các đơn vị tự chủ dưới 10% thì được ký 70% hợp đồng lao động trong chỉ tiêu biên chế thiếu do định mức tăng. Các đơn vị tự chủ trên 70%, chủ động ký hợp đồng lao động tuỳ nguồn thu. Cơ chế này đã tháo gỡ được một số khó khăn cho các đơn vị.

Cùng với đó, Sở Nội vụ phối hợp với Sở GDĐT đề xuất giải pháp nâng mức tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp giáo dục đào tạo. Bước đầu thí điểm đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn Hà Nội.

Năm học 2023-2024 đã có 296 đơn vị đăng ký thí điểm, trong đó có 118 trường thuộc Sở Giáo dục và đào tạo, 178 trường thuộc quận, huyện, thị xã. Theo cơ chế này, khi rà soát biên chế năm 2023, các đơn vị sẽ nâng mức tự chủ. Năm 2024 các đơn vị sẽ tự chủ chi thường xuyên, khi đó gần 15.000 người sẽ chuyển hưởng lương từ ngân sách nhà nước sang tự chủ.

Trước đó, trong buổi đối thoại lao động, tiền lương với công chức, viên chức, người lao động tại huyện Đông Anh (Hà Nội), bà Dương Thị Minh Châu – Trưởng phòng Truyền thông, BHXH thành phố Hà Nội cho biết trường hợp giáo viên ký hợp đồng theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP thì được tăng lương định kỳ.

Từ năm 2023 – 2024, các giáo viên hợp đồng được ký theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP thuộc các đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị nhóm 3) có thể  được trả lương theo 1 trong 2 cách. Một là trả lương theo thang bảng lương; hai là trả lương theo thỏa thuận.

Trong trường hợp giáo viên được trả lương theo bảng lương, nếu đủ điều kiện thời gian công tác từ 3 năm trở lên sẽ được xem xét tăng bậc lương. Tuy nhiên, đơn vị nhóm 3 đang áp dụng mức lương phụ thuộc vào nguồn thu. Do đó, đơn vị này sẽ căn cứ vào khả năng tài chính của mình để trả lương cho giáo viên và áp dụng các mức tăng lương phù hợp, có thỏa thuận.

Đối với giáo viên được tuyển dụng qua thi tuyển viên chức nếu đã có thời gian làm hợp đồng từ 9 tháng trở lên thì sẽ được cộng dồn thời gian này để xem xét nâng bậc lương. Nếu giáo viên đã làm hợp đồng thời gian dưới 9 tháng thì sau khi đỗ viên chức phải trải qua tập sự.

Cải cách tiền lương, nhà nước vẫn phải “bao thầu” tiền lương cho ngành y tế, giáo dục

Chia sẻ với PV Báo Dân Việt sáng ngày 21/10, ông Bùi Sỹ Lợi – Nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội (Ủy ban Xã hội) cho biết, y tế và giáo dục là 2 ngành đặc thù liên quan mật thiết tới việc đảm bảo an sinh- xã hội.

Khi cải cách tiền lương cần phải thiết kế lại thang, bảng lương của ngành y tế, giáo dục. Tiền lương theo vị trí việc làm cần đảm bảo được 2 yếu tố là: Tiền lương đặc thù, 2 là tiền lương theo thâm niên.

Chia sẻ câu chuyện, cải cách tiền lương thế nào với các đơn vị được giao tự chủ toàn phần, ông Lợi nói: “Hình thức cải cách tiền lương trong các đơn vị y tế, giáo dục cũng giống như cải cách tiền lương trong các đơn vị sự nghiệp công lập khác. Ví dụ, nếu tự chủ một phần thì bảng tiền lương vẫn do nhà nước trả. Khoản thu thêm tiền học, tiền viện phí… có thể được dùng bù vào khoản tiền lương (trả lương cho lao động hợp đồng, lao động thời vụ…) hoặc tăng lương, hoặc chi cho các hoạt động phúc lợi khác của đơn vị”.

cải cách tiền lương trong ngành y tế, giáo dục

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng kể cả với các đơn vị tự chủ một phân, hay từng phần trong ngành y tế, giáo dục Nhà nước vẫn phải đảm bảo tiền lương. Ảnh: NN

Với đơn vị tự chủ toàn phần thì đương nhiên, phải tự chủ các việc trả lương. Tuy nhiên, theo quan sát của ông Lợi, hiện nay hầu như các đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành y tế, giáo dục chưa thể tự chủ toàn phần. Ngân sách nhà nước vẫn cấp đầu tư cơ sở hạ tầng, vốn, máy móc.

“Tới đây, nếu giao tự chủ toàn phần thì phải xem xét, đánh giá xem đơn vị đó có đủ năng lực tự chủ không. Nếu không đủ năng lực thì phải quay lại tự chủ một phần, tức là nhà nước vẫn phải duy trì việc trả lương, hỗ trợ đơn vị đó khi cải cách tiền lương.

Quan điểm của tôi là phải hết sức lưu ý khi giao tự chủ toàn phần cho các đơn vị y tế, giáo dục. Nhà nước vẫn phải bao cấp 1 phần đặc biệt là chế độ tiền lương để đảm bảo sự ổn định của nền giáo dục và chăm sóc sức khỏe của người dân”, ông Lợi nói.

Ông Lợi cho biết thêm, theo báo cáo của Bộ Nội vụ hiện nay đã có 16/20 bộ ngành có thông tư hướng dẫn xác định vị trí việc làm. Theo kế hoạch, các đơn vị còn lại phải ban hành được vị trí việc làm để xác định bảng lương trước ngày 1/7/2024. Nếu không ban hành được tiền lương theo vị trí việc làm thì không thể cải cách tiền lương được.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *