Đa phần lao động rút BHXH một lần trong độ tuổi lao động
Chiều nay (17/10), Bộ LĐTBXH đã Họp báo Thông tin về kết quả thực hiện chính sách lao động, người có công và xã hội 9 tháng đầu năm 2023.
Thông tin tại họp báo về vấn đề bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần, ông Nguyễn Duy Cường – Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH) cho biết, giai đoạn 2016 – 2022, cả nước có gần 5 triệu lượt người lao động được giải quyết hưởng BHXH một lần, chỉ 1,3 triệu người trong số này là quay lại hệ thống BHXH.
Phân tích đánh giá sâu cho thấy, gần 70% những người rút BHXH một lần có thời gian đóng ngắn dưới 5 năm. Đáng chú ý, những người hưởng BHXH một lần tập trung đông nhất ở độ tuổi từ 20 – 40 tuổi và tập trung chủ yếu ở đối tượng đóng BHXH do người sử dụng lao động quyết định (ngoài Nhà nước).
“Thời gian gần đây, báo chí cũng thông tin có doanh nghiệp có hơn 500 lao động nghỉ việc chờ rút BHXH một lần. Thực trạng trên nếu không có giải pháp, biện pháp xử lý sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội” – ông Cường nói.
Ông Cường nhấn mạnh, Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra yêu cầu: “Có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần”.
Trả lời câu hỏi của một số phóng viên về tình trạng lao động lo ngại chính sách mới sẽ ngăn cản việc rút BHXH một lần, Bộ LĐTBXH có giải pháp gì để ngăn tình trạng này, ông Cường cho biết; “Luật BHXH sửa đổi đưa ra 2 phương án để lấy ý kiến nhằm khắc phục những hạn chế, đảm bảo tốt hơn quyền lợi, lợi ích cho người lao động cả về trước mắt lẫn lâu dài, từ đó hạn chế tình trạng rút BHXH một lần”, ông Cường nói.
Ông Cường cũng cho biết, việc hạn chế, giảm thiểu tình trạng rút BHXH một lần chỉ áp dụng với lao động tham gia BHXH khi luật mới có hiệu lực (từ sau năm 2024). Dự thảo Luật mới vẫn đồng ý cho rút BHXH 1 lần nếu lao động thuộc 1 trong 3 trường hợp: Lao động hết tuổi làm việc không đủ thời gian hưởng lưu hưu; lao động mắc bệnh hiểm nghèo; lao động ra nước ngoài định cư.
Đề cập tới đề xuất cho lao động tự đóng (phần của người lao động) BHXH mà, ông Cường cho rằng đề xuất này cần có đánh giá cặn kẽ.
“Hiện nay có trên 16 triệu lao động tham gia BHXH bắt buộc thuộc hơn 600.000 doanh nghiệp. Nếu ta quản lý qua doanh nghiệp thì đơn giản hơn, còn nếu quản lý trên đối tượng lao động sẽ phức tạp hơn. Số lượng đông, khó mà đốc thúc được”, ông Cường phân tích.
Ông Cường cho rằng quan điểm của cơ quan soạn thảo là tiếp nhận, lắng nghe các ý kiến đề xuất nhưng cũng sẽ đánh giá kỹ đảm bảo xem đề xuất ấy có tính khả thi hay không.
Giải quyết quyền lợi cho chủ hộ kinh doanh bị thu sai BHXH
Ngoài những nội dung trên, nhiều câu hỏi liên quan tới phương án giải quyết thu sai BHXH với hộ kinh doanh cá thể cũng được đặt ra.
Ông Nguyễn Duy Cường cho biết đối tượng chủ hộ hộ kinh doanh là đối tượng không đủ điều kiện tham gia BHXH bắt buộc. Tuy nhiên, theo thống kê của BHXH Việt Nam, hiện cả nước có hơn 4.000 chủ hộ đã đóng BHXH bắt buộc, một số đã nhận chế độ hưu trí.
“Hiện nay Chính phủ giao BHXH thống kê, đề xuất phương án giải quyết, BHXH Việt Nam xây dựng ý kiến Chính phủ. BHXH đã đề xuất 2 phương án giải quyết, xem ưu nhược điểm, lấy ý kiến nhiều bộ ngành như: Bộ LĐTBXH; Bộ Y tế; Bộ tư pháp; Bộ tài Chính … sau khi hoàn tất sẽ trình phương án xin ý kiến Chính phủ”, ông Cường nói thêm.