vu-nuoc-sach-kdt-thanh-ha:-neu-an-uong-phai-nuoc-nhiem-amoni-anh-huong-toi-suc-khoe-nhu-the-nao?

Vụ nước sạch KĐT Thanh Hà: Nếu ăn uống phải nước nhiễm amoni ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào?

Nếu ăn uống phải nước nhiễm amoni vượt ngưỡng ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào?

Những ngày qua, kể từ khi nghe tin nguồn nước sạch tại Khu đô thị Thanh Hà, ở xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội không đảm bảo chất lượng có thể là nguyên nhân gây khó thở, tức ngực, hắt hơi liên tục, chảy nước mắt mũi…, hàng nghìn cư dân sinh sống tại đây không khỏi lo lắng.

Vụ nước sạch KĐT Thanh Hà: Nếu ăn uống phải nước nhiễm amoni vượt ngưỡng ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào? - Ảnh 1.

Hàng trăm người dân đại diện cho hàng nghìn người sinh sống tại Khu đô thị Thanh Hà, ở xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Hà Nội đến Công ty Cổ phần nước sạch Nam Hà Nội và Công ty Cổ phần nước sạch Thanh Hà sáng 9/10 yêu cầu làm rõ việc nguồn nước sạch không đảm bảo chất lượng. Ảnh: Gia Khiêm

Trao đổi với PV Dân Việt, chị Trần Thị An, đại diện cư dân Khu đô thị Thanh Hà cho biết, sau khi nhiều người sống tại khu đô thị đồng loạt bị cay mắt, khó thở, mẩn ngứa nghi do dùng nước sạch thì ngày 6/10, cư dân tập trung dưới tầng 1 và thống nhất lấy mẫu nước đi xét nghiệm. 

Vài ngày sau đó, kết quả thử nghiệm mẫu nước từ Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) thể hiện, hàm lượng Amoni trong nước là 11,46 mg/l, gấp 38,2 ngưỡng giới hạn cho phép, hàm lượng Clo cũng vượt ngưỡng cho phép hàng chục lần.

Vụ nước sạch KĐT Thanh Hà: Nếu ăn uống phải nước nhiễm amoni vượt ngưỡng ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào? - Ảnh 2.

Một cư dân khu đô thị Thanh Hà cho biết tay chân mình và con bong tróc sau khi dùng nước sạch. Ảnh: Gia Khiêm

Vụ nước sạch KĐT Thanh Hà: Nếu ăn uống phải nước nhiễm amoni vượt ngưỡng ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào? - Ảnh 3.

Nhiều người dân cho rằng, nước sạch có mùi như nước tẩy rửa Javen gây bong tróc tay, chân khi sử dụng. Ảnh: Gia Khiêm

“Tôi thấy lo lắng, bất an khi hàng nghìn cư dân ở đây đang phải sử dụng nước có chỉ tiêu vượt ngưỡng giới hạn cho phép. Tôi mong UBND TP.Hà Nội, chính quyền sở tại và cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt để đảm bảo cho cư dân được sử dụng nước sạch”, chị An nói. 

Liên quan đến kết quả thử nghiệm mẫu nước sinh hoạt do cư dân ở khu đô thị Thanh Hà phản ánh, một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, kết quả này là một kênh để CDC Hà Nội vào cuộc lấy mẫu xét nghiệm, đồng thời tăng cường giải pháp xử lý nguồn nước được Công ty Thanh Hà cung cấp cho người dân. 

Vụ nước sạch KĐT Thanh Hà: Nếu ăn uống phải nước nhiễm amoni vượt ngưỡng ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào? - Ảnh 4.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, Trường đại học bách khoa Hà Nội. Ảnh: NVCC

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm, Trường đại học bách khoa Hà Nội cho hay, amoniac (NH3) là hóa chất thường gặp trong đời sống. Đây là thành phần cấu tạo nên protein và những phân tử phức tạp khác. Cơ thể con người cũng sản xuất chất này và thải qua đường tiểu, đó là lý do nước tiểu có mùi khai đặc trưng.

Vụ nước sạch KĐT Thanh Hà: Nếu ăn uống phải nước nhiễm amoni vượt ngưỡng ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào? - Ảnh 5.

Theo người dân nước từ vòi nước ra có màu xanh và mùi khác lạ như nước tẩy rửa Javen. Ảnh: Gia Khiêm

“Nếu hàm lượng amini trong đồng ruộng tưới tiêu thì không vấn đề gì nhưng nếu dùng trong sinh hoạt như ăn uống thì độc hại. Amoni sinh ra từ quá trình phân giải các hợp chất hữu cơ giàu protein như đậu tương làm ra đậu phụ hoặc nước đậu nành hay giết mổ động vất xả chất thải ra ngoài môi trường. Trong quá trình phân giải các hợp chất sẽ sinh ra amoni. Đây là dấu hiệu chứng tỏ nước đã bị nhiễm độc, sở dĩ chất thải protein do vi sinh vật thải ra, những độc tố vi sinh vật sinh ra gây ảnh hưởng sức khoẻ”, ông Thịnh phân tích.

Theo ông Thịnh, hàm lượng amoni ngấm xuống mạch nước ngầm sau đó có thể theo hệ thống nước giếng khoan khi được bơm lên. Trong trường hợp như vậy phải kiểm soát việc sinh ra amoni và độc tố của nó. 

Vụ nước sạch KĐT Thanh Hà: Nếu ăn uống phải nước nhiễm amoni vượt ngưỡng ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào? - Ảnh 6.

Kết quả thử nghiệm mẫu nước do người dân cung cấp từ Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) thể hiện, hàm lượng Amoni (ở mục 4) trong nước là 11,46 mg/l, gấp 38,2 ngưỡng giới hạn cho phép, hàm lượng Clo (mục 7) cũng vượt ngưỡng cho phép hàng chục lần. Ảnh: NDCC

“Để ngăn chặn lượng amoni phải tìm ra nguyên nhân khu vực đó có thải ra hay không mà cụ thể xung quanh khu vực có lò giết mổ động vật, sản xuất đậu phụ không. Nếu có phải giải quyết vấn đề này trước, còn khi amoni đã ngấm xuống mạch nước ngầm nếu hàm lượng cao quá sẽ gây ra độc. 

Nếu mọi người ngửi nhiều amoni sẽ gây chóng mặt, buồn nôn. Khi đun sôi amoni sẽ bay theo hơi nước ra ngoài, người nào hít vào sẽ cảm thấy rất khó chịu. Tuy nhiên, độc tố sinh vật sinh ra amoni vẫn còn ở trong nước. Việc đun nóng chỉ loại trừ được một phần amoni mà thôi”, ông Thịnh nhấn mạnh.

Ông Thịnh lý giải, amoniac là loại độc chất, hít phải với hàm lượng thấp có cảm giác cay buốt, hàm lượng cao có thể làm mù mắt hoặc gây dị ứng nghiêm trọng khi ngửi mùi. Độc tính của chất này tùy thuộc vào nồng độ và dạng tiếp xúc. Chất này được xem là nguyên nhân lâu dài của bệnh viêm cuống phổi.

Làm sao để xử lý được amoniac?

Ông Thịnh cho hay, với nguồn nước như Sông Đà xử lý đơn giản vì chỉ cần xử lý tạp chất nhưng với nước ngầm thì rất khó xử lý. Nếu khai thác vượt mức nước ngầm càng nhiều thì càng nguy hiểm khi năng lực xử lý nước sạch không đủ mạnh. 

Vụ nước sạch KĐT Thanh Hà: Nếu ăn uống phải nước nhiễm amoni vượt ngưỡng ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào? - Ảnh 7.

Một góc Khu đô thị Thanh Hà. Ảnh: Gia Khiêm

“Tôi cho rằng cơ quan thông tin đại chúng phải kiến nghị các đơn vị liên quan xử lý triệt để vấn đề này. Cần chủ động cung cấp nguồn nước sạch đảm bảo cho người dân trong trường hợp nước gặp trục trặc. Nếu hàm lượng amoni quá cao nếu vào phổi sẽ làm tê liệt hệ thống thần kinh phổi. Các nhà máy sản xuất amoni thường có hệ thống xử lý khí amoni cực tốt, cấm thải ra môi trường, thậm chí cấm người dân ở quanh khu vực có nhà máy này”, ông Thịnh chia sẻ.

Chuyên gia Công nghệ sinh học, thực phẩm cho hay, trong trường hợp sử dụng nguồn nước tạm thời có chứa amoni phải có hệ thống bể phơi nắng ngoài trời sẽ làm cho khí amoni bay đi. Nếu để thời gian nhất định sẽ giảm đi đáng kể và ánh nắng cũng giúp quá trình tiêu diệt vi sinh vật nhưng nếu dùng lâu sẽ rất có hại cho sức khoẻ.

Trước đó, như Báo Dân Việt đã đưa tin, sáng 9/10, hàng trăm người dân đại diện cho hàng nghìn cư dân sinh sống tại khu đô thị Thanh Hà cùng nhau tố nguồn nước sạch do Công ty Thanh Hà cung cấp không đảm bảo chất lượng, gây cay mắt, khó thở, mẩn ngứa khi sử dụng. 

Giải đáp kiến nghị, ông Dương Đình Trình, Phó giám đốc Công ty Thanh Hà cho biết lưu lượng nước từ các đơn vị khác cung cấp không đủ dùng nên Công ty Thanh Hà đã đứng ra cấp bù. Nguồn nước cấp bù được lấy từ nguồn nước ngầm tại chỗ. Vì thay đổi lưu lượng, đồng thời bổ sung nước sạch quá gấp nên chưa kịp xử lý các vấn đề vi sinh về chất lượng. 

Đối với phản ánh dùng nước sạch bốc mùi nồng nặc suốt thời gian dài khiến cư dân ảnh hưởng sức khỏe, ông Trình cho biết cần đợi kết quả kiểm định chất lượng nước mới kết luận được nguyên nhân.

Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với PV Dân Việt, ông Lê Văn Du, Phó phòng Hạ tầng Kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) cho hay, trên cơ sở thông tin báo chí phản ánh tình trạng nguồn nước sạch ở Khu đô thị Thanh Hà bị ảnh hưởng, sáng 13/10, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã mời đại diện các đơn vị liên quan đến làm việc, đưa ra một số ý kiến thống nhất.

“Buổi họp đi đến thống nhất về giải pháp trước mắt, phía Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông sẽ phối hợp với Công ty cổ phần đầu tư nước mặt sông Đuống và Công ty Thanh Hà để điều tiết, bổ sung nguồn cấp ổn định cho khu đô thị Thanh Hà, với công suất tối đa khoảng 2.000 m3/ngày đêm. 

Ngoài ra, phía Công ty Thanh Hà có trách nhiệm phối hợp với Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 (chủ đầu tư khu đô thị Thanh Hà) nâng cao chất lượng, hoàn thiện quy trình xử lý nguồn nước ngầm tại chỗ theo để đảm bảo quy chuẩn QCVN 01-1:2018/BYT của Bộ Y tế. 

Từ đó, đảm bảo nguồn cung ổn định cho cư dân khu đô thị Thanh Hà. Thời hạn hoàn thành việc nâng cao chất lượng, quy trình xử lý là 3 tháng. Đặc biệt, phía Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hà Nội, Sở Y tế (CDC Hà Nội) sẽ thực hiện công tác kiểm tra nội kiểm, ngoại kiểm đột xuất đối với chất lượng nước tại khu đô thị Thanh Hà; công khai kết quả kiểm tra này với người dân”, ông Du thông tin.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *