lieu-mang-“lam-xiec”,-dua-mo-to-trai-phep-de…-kiem-tien,-lay-long-ban-gai

Liều mạng “làm xiếc”, đua mô tô trái phép để… kiếm tiền, lấy lòng bạn gái

Đua mô tô là hành động trong đó những người trẻ tuổi vui chơi công khai, chiếm lĩnh đường công cộng để thực hiện các pha nguy hiểm trên xe và phóng nhanh qua dòng xe cộ đang lưu thông trên đường.

Việc lái mô tô vào ban đêm trở thành cơn ác mộng trên một số đoạn đường trong thành phố. Số lượng lớn thanh niên sở hữu mô tô cao cấp hoặc xe độ đã lén lút tụ tập vào rạng sáng và đua với tốc độ cao nhất.

Phần lớn họ là người trẻ thích “thể hiện”. Họ có thể bị bạn bè lôi kéo theo các phi vụ đua xe để cá độ hoặc là những người thích “sống ảo” giữa thành phố thực.

Liều mạng

Đường đua trở nên sống động với tiếng hò reo của khán giả và tiếng động cơ chói tai được các tay đua tích cực “rú” ga (Ảnh: VSGIF).

Kamarajar Salai (Ấn Độ) từng trở thành địa điểm đua xe khi hàng trăm thanh niên khủng bố người tham gia giao thông bằng những pha nguy hiểm trên đường cao tốc.

Bên cạnh đó, những con đường quanh bãi biển Marina và Kamarajar Salai (Ấn Độ) cũng trở thành điểm nóng của các cuộc đua xe đường phố trong vài năm.

“Hiện nay, nhiều thanh niên biểu diễn công khai, chiếm giữ đường công cộng vào rạng sáng để đua xe trái phép”, một sĩ quan cảnh sát cấp cao ở Ấn Độ cho biết.

Thể hiện khả năng để “sống ảo” nhưng lại “què” cả tương lai

Nhiều thanh niên lái xe nguy hiểm trên đường đã thực hiện các động tác như bốc đầu, xoay xe vòng quanh trên một bánh, giữ thăng bằng trên một bánh, thả hai tay, thậm chí là “làm xiếc” trên chiếc xe phân khối lớn.

Các hành động nguy hiểm khác bao gồm “stoppie”, trong đó bánh sau của mô tô được nâng lên và “burnout” khi mô tô phun ra rất nhiều khói, duy trì ga ở tốc độ cao.

Liều mạng

Những pha “làm xiếc” trên xe khiến người xem rùng mình (Ảnh: Imgur).

Các pha nguy hiểm này được quay lại để thực hiện mục đích “sống ảo” cho những thanh niên trẻ. Theo The Hindu, các băng nhóm này tỏ vẻ thách thức khi gặp cảnh sát. Chỉ đến khi bị bắt, họ mới cúi đầu nhận tội.

Aden Lintar (33 tuổi) từng đua xe trái phép trên đường phố Jakarta (Indonesia) và các vùng ngoại ô xung quanh. Từ khi học lớp 7, anh đua xe máy để kiếm tiền gần như mỗi cuối tuần, thường là vào đêm khuya, để trốn tránh cơ quan chức năng.

Anh kể, bản thân không đếm được số lần bị bắt. “Chúng tôi biết rằng, mình vi phạm pháp luật. Chúng tôi biết mình đang đua xe bất hợp pháp”, anh nói với CNA.

Cựu tay đua đường phố Okky Ananda (23 tuổi) nói với CNA, những người tham gia cuộc đua bất hợp pháp hiếm khi mặc hoặc đeo bất kỳ thiết bị an toàn nào. Một số người thậm chí còn không thèm đội mũ bảo hiểm. Sau đó, họ có nguy cơ đâm vào các phương tiện khác hoặc người đi bộ.

Đôi khi các tay đua còn gian lận bằng cách cố tình đá hoặc húc xe máy của mình khiến đối thủ mất thăng bằng và ngã.

Okky Ananda đã đua xe từ khi còn học lớp 4. Anh đã gặp 5 vụ tai nạn nghiêm trọng. “Phần bên trái cơ thể của tôi giống như robot. Tất cả đều là kim loại và ghim”, Ananda cho biết.

Vụ tai nạn cuối cùng của anh xảy ra vào cuối năm 2021, khi anh mất lái và trượt khỏi đường trước khi đâm vào một bức tường bê tông. Anh bị gãy xương không ít lần, phải nằm viện nhiều tuần.

Ananda hiện đi khập khiễng, không bao giờ chạy đua nữa kể từ vụ tai nạn cuối cùng.

Nhiều cuộc đua xe trái phép thu hút thanh niên trẻ vì ham muốn thể hiện và kiếm tiền (Video: National Geographic).

Cơ hội kiếm tiền thông qua cá cược

Đua mô tô trái phép trở nên tràn lan đến mức cảnh sát giao thông rất khó kiểm soát. Nhận thức được sự nguy hiểm của đua xe, cảnh sát giao thông cùng cảnh sát thành phố thường xuyên phát động những cuộc trấn áp lớn vào thứ bảy và chủ nhật.

Cảnh sát còn theo dõi chặt chẽ các nhóm mô tô cũng như khuyến khích người dân tố cáo những cuộc đua bất hợp pháp. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là vấn đề được giải quyết.

“Mạng xã hội đang làm trầm trọng thêm vấn đề. Ngay cả sau khi tôi không còn tham gia các cuộc đua xe bất hợp pháp, mọi người vẫn để lại nhận xét hoặc gửi tin nhắn trực tiếp cho tôi nói rằng: “Đó là một chiếc xe trông rất ngầu”, “Chắc chắn bạn không thể đánh bại tôi” và rất nhiều lời thách tôi tham gia cuộc đua bất hợp pháp”, Okky Ananda nói.

Liều mạng

Khi màn đêm buông xuống, giới trẻ Indonesia lại tụ tập hú hét trên những chiếc xe được “độ phụ tùng” (Ảnh: Media Indonesia)

Okky Ananda cho hay, các cuộc đua bất hợp pháp vẫn có sức hấp dẫn vì chúng mang lại cảm giác hưng phấn cho những tay đua mới tập. Đối với những người có kinh nghiệm hơn, cuộc đua như vậy là cơ hội kiếm tiền thông qua cá cược.

“Khi nói đến tiền bạc, đua xe trái phép mang lại nhiều lợi nhuận hơn. Trong các cuộc đua hợp pháp mà chúng tôi tham gia, số tiền thưởng không bao giờ vượt quá 325 USD (7,9 triệu đồng).

Trong những ngày đua xe trái phép, tôi có thể dễ dàng bỏ túi từ 2.543 USD (62 triệu đồng) đến 3.814 USD (93,1 triệu đồng) cho một trận thắng”, anh kể lại.

“Trong các cuộc đua bất hợp pháp, bạn có thể thắng lớn nhưng cũng có thể thua đậm. Đó không phải là cách tốt để kiếm sống nếu một ngày nào đó, tôi muốn hỗ trợ gia đình”, chàng trai 23 tuổi nói thêm.

Theo The Hindu, ngoài giải thưởng là tiền và danh tiếng trong hội đua xe trái phép, nhiều cô gái còn tuyên bố sẽ chấp nhận người yêu của mình, chỉ cần chàng trai thắng cuộc đua.

Ramesh (sống tại Adyar, Ấn Độ) cho biết: “Tôi thường chứng kiến cảnh thanh niên lái xe liều lĩnh trong đội hình đua vào ban đêm. Tôi thậm chí còn suýt chết vì những tay lái lụa đó lái xe sát vào xe tôi”.

Một người dân khác đưa ra lời buộc tội: “Với những tụ điểm quán bar trên con đường này, nhiều thanh niên điều khiển mô tô sau khi uống vài ly rượu có thể gây ra tai nạn”. Cảnh sát cho rằng, một số tay đua cũng có thể sử dụng ma túy.

Giải thích về hành động của cảnh sát giao thông nhằm hạn chế đua xe trên đường phố, R. Sudhakar – Ủy viên Cảnh sát Giao thông tại Ấn Độ – cho biết: “Không thể bắt được hết những tay đua mô tô vì có thể gây hại đến tính mạng cho các quan chức cảnh sát và cả người lái xe”.

Liều mạng

Mục đích “sống ảo” được các tay đua bất hợp pháp đặt lên đầu (Ảnh: Reddit).

Sử dụng camera (CCTV) được lắp đặt trên tất cả tuyến đường huyết mạch, cảnh sát có thể thu thập biển số xe và theo dõi chúng một cách dễ dàng.

Ông Sudhakar cho biết: “Từ năm 2019 đến nay, chúng tôi đã ghi nhận 18.000 trường hợp chạy quá tốc độ và 67.000 trường hợp về các tội danh khác nhau như chở người quá số lượng cho phép, lái xe trong tình trạng say xỉn và các hành vi vi phạm khác”.

Nhiều người dân sống trên những con đường lớn cũng rất lo ngại về sự an toàn của họ. Các cuộc đua xe trái phép này đe dọa sự an toàn của cả người lái và những người tham gia giao thông khác.

Không dám từ chối lời thách thức từ bạn bè

Một nghiên cứu mới kéo dài 3 năm đã tiết lộ nguyên nhân khiến thanh niên Malaysia trở thành tay đua xe trái phép.

Phó cảnh sát trưởng Seri Alam Mohd Roslan Mohd Tahir nói rằng, phần lớn những đứa trẻ trở thành “Mat rempit” (thuật ngữ tiếng Malaysia để chỉ “cá nhân tham gia các hoạt động như đua xe trái phép trên đường phố”) do áp lực của bạn bè – điều không có gì đáng ngạc nhiên.

Nghiên cứu đã xem xét ý kiến và quan điểm của hơn 300 thanh niên tham gia vào các hoạt động như vậy, bao gồm đua xe vào đêm khuya/sáng sớm trên đường cao tốc, thực hiện các pha nguy hiểm trên xe máy, gây phiền toái và nguy hiểm cho người khác.

Liều mạng

Hình ảnh các thiếu niên cưỡi xe đạp cải tiến trong tư thế “siêu nhân” ở Malaysia (Ảnh: CNA).

Nhiều năm qua, những vụ việc “Mat rempit” liên quan đến các vụ tai nạn chết người. Đa số ảnh hưởng đến không ít người tham gia giao thông vô tội.

Điều đáng lo ngại là những trường hợp gây ra tai nạn không chỉ liên quan đến người đi xe máy mà còn liên quan đến trẻ em đi xe đạp cải tiến.

Theo Mashable SE, một vụ tai nạn lớn khiến 8 thiếu niên thiệt mạng khi cùng nhau tổ chức cuộc đua xe đạp cải tiến trái phép.

Qua nghiên cứu, người ta thấy rằng, đó không phải lỗi của chính phủ, cơ quan thực thi pháp luật hay gia đình vì họ tự nguyện tham gia và 90% là do áp lực từ bạn bè.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *