Chụp nhiều tấm mới có được khoảnh khắc ưng ý
Tác giả của bức ảnh chinh phục giải thưởng quốc tế đó là anh Cao Kỳ Nhân (41 tuổi, một nhiếp ảnh gia tự do đến từ Phú Yên). Hiện tại, anh đang sống và làm việc tại TP.HCM.
Bức ảnh được chụp ở đầm Trà Ổ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Đầm Trà Ổ là một đầm nước lợ rất đẹp và nên thơ của tỉnh Bình Định. Đầm có diện tích tương đối lớn, và có mức độ đa dạng sinh học cao, nguồn lợi thủy hải sản rất phong phú, đa dạng. Tận dụng lợi thế này, người dân ở đây đã chăn nuôi vịt. Ngoài thức ăn chính là cám được người chăn vịt cho ăn hàng ngày thì nguồn thủy hải sản trên đầm là nguồn thức ăn quan trọng đối với đàn vịt.
Chia sẻ thêm về bức ảnh “Vortex of ducks” (Vòng xoáy của đàn vịt), anh Nhân tiết lộ, anh là người có khá nhiều kinh nghiệm khi chụp ảnh về đàn vịt, và hiểu về tập tính của chúng. Anh cũng đã đến đầm Trà Ổ nhiều lần để tìm hiểu về thói quen của đàn vịt và thời điểm người chăn vịt cho chúng ăn.
Để chụp bức ảnh này, anh Nhân đã sử dụng nhiều thiết bị từ máy ảnh đến flycam, kết hợp kỹ thuật chụp tốc độ chậm để ghi lại chuyển động của đàn vịt. Nếu dùng kỹ thuật chụp thông thường thì sẽ không lột tả được sự chuyển động của chúng.
“Vortex of ducks” (Vòng xoáy của đàn vịt) được anh chụp vào thời điểm gần 5 giờ chiều, lúc này nắng vẫn còn khá mạnh và màu vàng rất đẹp, cộng thêm với việc sử dụng filter ND để giảm tốc độ chụp tới 1/2 giây giúp làm nhòe chuyển động của đàn vịt. Như vậy, với một tấm ảnh tĩnh anh đã thể hiện được sự di chuyển của đàn vịt, khi cả đàn vịt cùng di chuyển, trông giống như một cơn lốc xoáy.
Bên cạnh những kinh nghiệm cũng như thuận lợi khi chụp đàn vịt, anh Nhân cũng gặp không ít khó khăn, và khó khăn lớn nhất khi chụp bức ảnh này là khi dùng kỹ thuật chụp tốc độ chậm làm cho đàn vịt nhoè đi, nhưng vẫn phải giữ độ nét của người chăn vịt – chủ thể quan trọng nhất trong bức ảnh. “Tôi phải chụp rất nhiều tấm mới có được khoảnh khắc mà tôi thật sự ưng ý”, anh Nhân tâm sự.
Vui và bất ngờ khi chinh phục được giải thưởng quốc tế
Khi nhận được thông báo kết quả từ ban tổ chức cuộc thi ảnh Epson International Pano Awards, anh Nhân thực sự rất bất ngờ và vui sướng. Điều này là một niềm vui to lớn trên hành trình nhiếp ảnh của nam nhiếp ảnh gia.
“Đây là cuộc thi mà tôi đã theo đuổi nhiều năm liền, vì tiêu chí của cuộc thi này phù hợp với định hướng con đường nhiếp ảnh mà tôi muốn hướng đến. Nơi đây cũng là sân chơi của nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng trên thế giới, và tôi đã học hỏi rất nhiều từ họ. Tôi vẫn không nghĩ mình có thể thắng giải cao như vậy”, anh Nhân chia sẻ.
Thông qua bức ảnh “Vortex of ducks”, anh Nhân muốn nói một điều là chất liệu nhiếp ảnh của Việt Nam mình rất phong phú và đa dạng. Ngoài cảnh quan thiên nhiên đẹp, Việt Nam mình có có rất nhiều chất liệu về cuộc sống đời thường rất đặc sắc. Mọi cái đẹp đều ở xung quanh chúng ta, nếu chúng ta có thể nhìn và cảm nhận được chúng.
Ngoài giành giải Nhất hạng mục Open – Built Environment, anh Nhân còn đạt vị trí á quân chung cuộc hạng mục Open (Mở rộng) của giải thưởng Epson International Pano Awards.
Hành trình nhiếp ảnh nhiều nhọc nhằn
Với các bạn trẻ đang muốn dấn thân vào con đường nhiếp ảnh như anh Nhân và muốn đạt được giải thưởng trong các cuộc thi nhiếp ảnh, theo anh Nhân, con đường nhiếp ảnh không dễ dàng, đôi khi chúng ta phải hy sinh nhiều thứ và cần phải xác định rõ: Bạn đã thực sự đam mê nó chưa?
Câu nói tâm đắc của nam nhiếp ảnh gia là: “Chụp nhiều lên tay, xem nhiều lên mắt”, cứ cầm máy và đi chụp, thấy sai thì sửa, chụp càng nhiều thì mình có phản xạ càng tốt. Đừng ngại học hỏi những người đi trước, mỗi tác phẩm của họ là một bài học cho bản thân mình. Khi bạn mới cầm máy, bạn học theo người đi trước và bạn cho ra được bức ảnh đẹp giống họ thì bạn thành công. Nhưng khi đã là một người cầm máy lâu năm, các bức ảnh bạn chụp vẫn giống người ta thì bạn thất bại. Bạn phải có con đường riêng cho mình, hãy tạo cho mình một phong cách, một cá tính riêng. Chụp ảnh cần có cảm xúc, cảm xúc thì cần được nuôi dưỡng. Muốn biết cách nuôi dưỡng cảm xúc nhiếp ảnh thì bạn cần không ngừng học hỏi và trau dồi kiến thức cho bản thân.
Chúng ta cùng chiêm ngưỡng thêm một số tác phẩm đoạt giải của Nhiếp ảnh gia tài năng Cao Kỳ Nhân nhé!
Epson International Pano Awards là cuộc thi ảnh toàn cảnh quy mô lớn, quy tụ những nhiếp ảnh gia phong cảnh nổi tiếng thế giới. Đây là năm thứ 14 cuộc thi được tổ chức, thu hút 1.104 nhiếp ảnh gia đến từ 102 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng với 4.414 bức ảnh tranh tài ở các thể loại Thiên nhiên/Phong cảnh (Nature/Landscape) và Xây dựng môi trường/Kiến trúc (Built Environment/Architecture) ở hạng mục Open (Mở rộng) và Amateur (Không chuyên). Ban Giám khảo chấm theo thang điểm từ 70 đến 79 đoạt giải đồng, 80 đến 85 đoạt giải bạc và 86 đến 100 đoạt giải vàng. Có 50 ảnh đẹp nhất mỗi hạng mục được công bố.