VỀ VIỆC ĐÒI ĐẤT 7 CHÂU HƯNG HÓA

Năm Quang Trung thứ 4, triều Tây Sơn gửi thư sang vua Thanh nhờ tổng đốc Lưỡng Quảng chuyển đạt để đòi lại đất cũ:

Tờ biểu của Quang Trung viết: “ … Ở đất Hưng Hóa và Tuyên Quang, biên giới trước kia, tiền nhiệm Vân Quý Tổng đốc Ngạc Nhĩ Thái đã vâng chỉ dựng bia từ sông Đổ chú trở về phía Tây đến nước Sa Lý thì các châu Tung Lăng, Lễ Tuyền, Hoàng Nham, Tuy Phụ, Hợp Phì, Lai Châu, Khiêm Châu bảy châu đều thuộc vào đất Hưng Hóa của bản quốc

Đến năm Canh Thân (1740) tiền nhiệm nhà Lê, Hoàng Công Thư cha của nghịch thần Hoàng Công Toản dấy binh, giữ đất ấy đến 30 năm. Tiền nhiệm nhà Lê cẩu thả không thể lo liệu được, dân 7 châu ấy vì địa thế xa, bản quốc khó khống chế bèn phụ vào nội địa (Ý chỉ nhà Thanh). Từ đó trở đi ở duyên biên của nội địa, các quan buộc dân ở nơi biên giới đổi cách mặc áo quần đeo thẻ, chịu thuế.

Thần từ ngày vâng mệnh mở nước, còn lo về chỗ ở, bộn bề việc nội trị, chưa kịp biện lý đến sự tình ủy khúc ngoài biên. Nay trấn mục bản quốc báo cáo rằng, thổ dân bảy châu ấy trải qua thời gian đã lâu, chịu nội địa đánh thuế, nên khi bản quốc đòi thuế thì nhất quyết chống lại và ngăn trở. Nguyên do việc này cũng là do tiền nhiệm họ Lê không biết kính giữ đất được phong cho nên mới thế …”

Lần đòi đất này vô hiệu, Phúc Khang An bác bỏ và Càn Long cũng gửi thư trách nhẹ. Sở Cuồng trong bài “Tây Sơn sử luận” nhận xét về việc này: Tiếc rằng trời không giúp nước ta, để đến nỗi vua (Quang Trung) sáng nghiệp chỉ được nửa chừng, nửa chừng mất đi, từ đó về sau không ai dám lại đi đòi ở Thanh đình, thành thử dân sáu châu ba động (thực ra thì trong tờ biểu của Nguyễn Huệ là 7 châu, gồm cả Châu Lai-vốn cuối triều Lê chịu đóng thuế cho cả 2 nước) vĩnh viễn chìm đắm vào tai họa – Hán Văn tạp chí Nam phong số 93-03/1925

Vào đầu thời Gia Long, châu trưởng Châu Lai và châu Văn Bàn là Đèo Chính Ngọc, Đèo Quốc Oai xin quan Trấn cấp phép cho để đi chiêu dụ các động các mường và dân chúng những châu Tung Lăng, Hoàng Nham, Tuy Phụ, Hợp Phì trước kia đã xin nội thuộc về nhà Thanh, tham hiệp trấn Hưng Hóa là Võ Vuân Cẩn cho phép, bấy giờ động trưởng các động mường Tề, mường Phù, mường Phang, mường Tôn, mường Y, mường Ôm, Binh Chiêm kéo nhau theo về.

Tổng đốc Vân Quý đưa thư sang trách mắng và đòi lại, nói rằng các đất này từ năm Khang Hi đã liệt vào bản đồ nhà Thanh, hơn trăm năm yên ổn vô sự, nay trấn mục Hưng Hóa dụ dỗ về hàng thật quái lạ, không được tự ý gây sự như thế.

Các quan Bắc thành dâng thư trách về kinh, Gia Long truyền tra xét rõ địa giới tỉnh Hưng Hóa. Tổng trấn Bắc Thành Nguyễn Văn Thành xét hình thế sông núi, vẽ bản đồ dâng lên và tâu rằng:

“Một dải thượng du Hưng Hóa, địa thế tiếp liền với các phủ Lâm An, Khai Hóa tỉnh Vân Nam … Khoảng niên hiệu Bảo Thái triều Lê, vua Thanh sai Tổng đốc Vân Quý Ngạc Nhĩ Thái hội đồng dựng bia, lấy sông Đổ Chú thuộc nước ta làm địa giới. Từ song Đổ Chú trở về phía Tây, gồm 7 châu: Tung Lăng, Lễ Tuyền, Hoàng Nham, Tuy Phụ, Hợp Phì, Lai Châu, Khiêm Châu đều thuộc về Hưng Hóa. Năm Vĩnh Hựu triều Lê, nghịch dân Hoàng Công Thư đem quân chiếm giữ gần 30 năm, nhà Lê bỏ bê không hỏi đến, dân bảy châu dần dà phụ vào Trung Quốc, các biên lại cai trị bắt cải trang (đổi trang phục), đóng thuế. Từ thời Lê đến Tây Sơn đều muốn tâu bày, đều không được.

Như thế thì trong mười châu thuộc phủ An Tây, sáu châu mất vào tay nhà Thanh đến nay đã lâu rồi. Nay châu Chiêu Tấn và châu Lai vốn là đất thuộc Hưng Hóa, mà nhà Thanh lại đem dân các mường động của hai châu, biên lẫn vào các mãnh của họ, chẳng qua là biên lại của họ tham đất, muốn chiếm cứ mà tổng đốc Vân Quý nhất định nghe theo, thư đưa ra đều là mờ mịt không có bằng cứ, nay xin phúc thư biện bạch cho rõ về bờ cõi hai châu, yêu cầu sai quan đến cùng họp nhau bàn xét, để xem ý họ, còn chuyện bờ cõi sáu châu, thì tổng đốc Vân Nam sẽ sợ ta gây việc ngoài biên giới tất phải lo liệu, mà dân chúng hai châu từ đây cũng khỏi đóng thuế hai lần”

Nguyễn Văn Thành tâu bày sự tình bảy châu và cũng mong thu phục về hoặc ít nhất bảo toàn 2 châu là châu Lai và Chiêu Tấn, nhưng sớ dâng vào, vua (Gia Long) cho rằng đây chỉ mới lúc sáng nghiệp chưa có thì giờ tính tới việc nơi xa, nên cũng không phúc đáp trả lời. Từ đó sáu châu Hưng Hóa mất hẳn, phủ An Tây chỉ còn có bốn châu Chiêu Tấn, Quỳnh Nhai, Luân Châu và Lai châu mà thôi

Nguồn: Tập san sử địa số 21 (1971) – Tr 101-106

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *