gia-dich-vu-kham-benh,-chua-benh-du-kien-se-duoc-thay-doi-the-nao?

Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh dự kiến sẽ được thay đổi thế nào?

Theo dự thảo Thông tư quy định phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế soạn thảo và đang lấy ý kiến, giá dịch vụ y tế trong thời gian tới sẽ hướng tới tính đúng tính đủ (hiện mới chỉ tính chi phí trực tiếp và tiền lương).

Sau khi hoàn thiện và được phê duyệt, Thông tư này sẽ áp dụng cho các dịch vụ khám chữa bệnh BHYT, do ngân sách nhà nước thanh toán, theo yêu cầu và khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi do quỹ BHYT chi trả.

Theo dự thảo Thông tư, giá dịch vụ y tế được xây dựng sẽ bao gồm toàn bộ các chi phí để thực hiện dịch vụ gắn với chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại thời điểm định giá, tích lũy và lợi nhuận dự kiến.

Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh dự kiến sẽ được thay đổi thế nào? - Ảnh 1.

Các chuyên gia y tế kỳ vọng, khi giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được tính đúng tính đủ thì tiền túi người dân phải bỏ ra khi đi thăm khám chữa bệnh sẽ giảm mạnh. (Người dân đi khám bệnh tại Bệnh viện Hải Hậu, Nam Định. Ảnh Diệu Linh)

Mục đích là bảo đảm bù đắp chi phí thực hiện khám bệnh chữa bệnh, phù hợp với quan hệ cung cầu dịch vụ khám bệnh chữa bệnh, khả năng chi trả của người bệnh, bảo toàn vốn và có tích lũy theo quy định của pháp luật.

Đồng thời phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập, phát triển kinh tế xã hội trong từng thời kỳ; Hài hòa lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ sở khám chữa bệnh và quyền lợi của người bệnh.

Các yếu tố hình thành giá, điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh chữa  bệnh đảm bảo phù hợp tại thời điểm định giá. Giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh được điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn khi có biến động.

Tiêu chí xác định chi phí để hình thành giá phù hợp với từng phương pháp định giá, đồng thời khuyến khích các đơn vị cung ứng dịch vụ nâng cao chất lượng dịch vụ và phấn đấu giảm chi phí.

Theo Bộ Y tế, phương pháp định giá đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quy định bao gồm phương pháp chi phí và phương pháp so sánh.

4 yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh

Giá thành toàn bộ dịch vụ gồm chi phí nhân công (tiền lương, tiền công, phụ cấp, thuê chuyên gia, thu nhập bình quân tăng thêm…);

Chi phí trực tiếp (thuốc, hóa chất, máu, điện, nước, xử lý chất thải, kiểm soát nhiễm khuẩn…);

Chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định, chi phí quản lý (duy tu, bảo dưỡng thiết bị y tế, đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ thông tin…);

Tích lũy hoặc lợi nhuận (nếu có) không quá 10% tổng chi phí cấu thành giá. Các nghĩa vụ tài chính (các khoản phí, lệ phí, thuế, thuế sử dụng đất/chi phí thuê đất…).

Như vậy, so với cách tính giá dịch vụ y tế hiện nay (mới tính giá thành toàn bộ dịch vụ và chi phí trực tiếp) sẽ đưa thêm 2 yếu tố khác để tính giá dịch vụ y tế (chi phí khấu hao thiết bị y tế, tài sản cố định, chi phí quản lý và tích lũy hoặc lợi nhuận).

Điều kiện để xây dựng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu

Tại dự thảo Thông tư này, Bộ Y tế nêu rõ các cơ sở khám chữa bệnh phải niêm yết công khai danh mục và mức giá của các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu để người bệnh biết, lựa chọn.

Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh dự kiến sẽ được thay đổi thế nào? - Ảnh 2.

Phần chênh lệch giữa giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế do người bệnh tự chi trả. (Phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh BVCC)

Đối với giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu: Phải thường xuyên duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ; sửa chữa, nâng cấp, mở rộng khu vực khám bệnh, các khoa điều trị; mua bổ sung, thay thế: bàn, ghế, giường, tủ, xe đẩy, điều hòa nhiệt độ, quạt, đèn sưởi, quạt sưởi, máy tính, các bộ dụng cụ khám bệnh đa khoa, chuyên khoa; chăn, ga, gối, đệm, chiếu; … để bảo đảm điều kiện chuyên môn, vệ sinh, an toàn người bệnh và nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.

Thực hiện nghiêm các quy định về chuyên môn y tế, đặc biệt là việc chỉ định người bệnh vào điều trị nội trú; chuyển tuyến, chỉ định sử dụng dịch vụ, thuốc, vật tư theo đúng quy định.

Bảo đảm số giường bệnh để thực hiện dịch vụ theo yêu cầu tại một thời điểm không quá 20% so với tổng số giường bệnh thực hiện bình quân của năm trước liền kề (trừ số giường bệnh theo yêu cầu do đơn vị vay vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết, đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) theo quy định để đầu tư khu vực khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu độc lập với khu vực khám bệnh, chữa bệnh thông thường);

Bảo đảm các chuyên gia, thầy thuốc giỏi của đơn vị dành một tỷ lệ thời gian nhất định (tối thiểu 70%) để khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh có thẻ BHYT, người không có thẻ BHYT nhưng không sử dụng dịch vụ theo yêu cầu và hỗ trợ tuyến dưới;

Việc trích lập các quỹ từ chênh lệch thu lớn hơn chi của các hoạt động  khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu phải bảo đảm nguyên tắc: Tăng tỷ lệ trích lập quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp để đầu tư cho cả khu vực khám bệnh, chữa bệnh thông thường và khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu; Trích lập và tăng dần mức trích lập quỹ Hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh, đồng thời xây dựng quy chế để hỗ trợ người bệnh trong quá trình khám bệnh, chữa bệnh tại đơn vị.

Đối với dịch vụ khám bệnh theo yêu cầu:  Diện tích cho 01 chỗ khám bệnh tối thiểu phải bằng diện tích khám bệnh quy định tại Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 4470:2012; Bảo đảm mỗi bác sỹ, chuyên gia khám, tư vấn tối đa không quá 45 người/ngày làm việc 08 giờ;

Đối với dịch vụ giường điều trị, một phòng điều trị theo yêu cầu tối đa không quá 04 giường và phải bảo đảm diện tích sàn xây dựng/01 giường theo quy định tại Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 4470:2012. 4;

Phần chênh lệch giữa giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế do người bệnh tự chi trả.

Đối với giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo phương thức đối tác công tư kết hợp thì căn cứ quy định tại Thông tư này, quy mô đầu tư để xây dựng và quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm công khai, minh bạch và theo đúng các quy định về đầu tư theo phươnh thức đối tác công tư.

Thông tư này dự kiến có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2024. Lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *