Hai năm trở lại đây, công việc kinh doanh của anh Tuấn Anh (53 tuổi, TP.HCM) gặp nhiều khó khăn, công ty dần rơi vào nợ nần nên khiến anh bị stress kéo dài, thường xuyên căng thẳng và mất ngủ.
Chính những việc này đã khiến sức khỏe của anh dần đi xuống, nhất là chuyện ân ái với vợ.
Anh cho biết, tần suất “sinh hoạt” của anh giảm dần từ 3 năm trước, từ 2-3 lần/tuần xuống 1-2 lần/tháng rồi đến vài tháng 1 lần.
Khoảng một năm qua, anh gần như không dám gần vợ vì “trên bảo mà dưới chẳng nghe”. Mỗi lần vợ đòi hỏi, anh lấy lý do mệt, bận việc để từ chối khéo. Cũng vì vậy, anh bị vợ nhiều lần giận dỗi, nghi ngoại tình với người khác.
Tháng 6 vừa qua, anh Tuấn Anh thấy mình như người “bất lực”, cơ thể luôn mệt mỏi, ủ rũ, tóc rụng và bạc nhiều, khòm lưng, giọng nói cũng không còn sức sống nên đi khám nam khoa ở một bệnh viện tư tại TP.HCM.
Bác sĩ Đoàn Ngọc Thiện, khoa Nam học, Trung tâm Tiết niệu – Thận học – Nam khoa, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh (TP.HCM) là người trực tiếp khám cho anh Tuấn Anh. Từ các dấu hiệu trên và kết quả xét nghiệm định lượng nội tiết tố sinh dục nam (hormone testosterone) chỉ còn ở mức 6-7 nanomol/lít, trong khi mức trung bình ở người trưởng thành là lớn hơn 12 nanomol/lít, bác sĩ Thiện kết luận, anh Tuấn Anh bị mãn dục nam sớm.
Bác sĩ Thiện cho biết, sau 3 tháng điều trị bằng bằng thuốc bôi bổ sung hormone sinh dục hằng ngày, tình trạng của anh Tuấn Anh đã cải thiện, có thể gần vợ tháng 1-2 lần. “Hiện người bệnh cần tiếp tục sử dụng thuốc và tái khám hàng tháng”, bác sĩ Thiện chia sẻ.
Nồng độ nội tiết tố nam giảm dần theo từng năm
Theo Ths.BS Võ Duy Tân, Trung tâm sức khỏe Nam giới Men’s Health (Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, hormone testosterone đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các đặc tính sinh dục của nam giới. Khi trẻ nam bước vào giai đoạn dậy thì, nồng độ này trong máu bắt đầu tăng cao và đạt đỉnh năm 18 – 20 tuổi.
Kể từ đó, testosterone liên tục được cơ thể sản sinh và duy trì ở một mức độ nhất định đến năm 40 tuổi. Sau độ tuổi trung niên, nồng độ testosterone có xu hướng giảm dần theo thời gian. Mãn dục nam là một phần trong quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể, xảy ra khi hormone testosterone suy giảm xuống dưới mức trung bình.
Hiệp hội Tiết niệu châu Âu (EAU) từng thống kê, có khoảng 2,1% – 5,7% nam giới 40 – 79 tuổi có triệu chứng suy sinh dục. Mỗi năm, nồng độ testosterone giảm 0,4% – 1,3%. Tuy nhiên, không phải tất cả đàn ông đều bị giảm nồng độ testosterone như nhau.
Người có bệnh nền đái tháo đường tuýp 2, bệnh thận, ung thư, béo phì, bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)… có nguy cơ cao hơn. Riêng nhóm người bệnh tiểu đường tuýp 2 có tới 42% trường hợp rơi vào suy sinh dục.
Các triệu chứng của mãn dục nam điển hình là mệt mỏi, thiếu sức sống, giảm hứng thú với cuộc sống, dễ buồn ngủ, dễ cáu gắt, giảm khả năng làm việc, giảm sức mạnh và độ bền khi chơi thể thao…
Đặc biệt, nam giới gặp tình trạng này thường giảm ham muốn, bị rối loạn cương dương… Ở độ tuổi sinh sản, mắc vấn đề này, họ còn có thể vô sinh, hiếm muộn.
Theo bác sĩ Thiện, hiện nay, stress là một lý do khiến nhiều nam giới dễ bị suy sinh dục. Bác sĩ Thiện phân tích, khi bị nam giới bị stress, cơ thể sẽ giải phóng các hormone như cortisol và adrenalin giúp bảo vệ các cơ quan.
Mặc dù vậy, những hormone này lại ức chế việc sản xuất testosterone.
Vì điều này, nam giới khi bị stress thường giảm ham muốn và không còn hứng thú với chuyện ân ái.
Ngoài ra, nam giới “yêu” hoặc thủ dâm quá độ; tiếp xúc với hóa chất độc hại, môi trường ô nhiễm lâu dài; tác dụng phụ của 1 số thuốc; hay người thừa cân, béo phì; mắc các bệnh huyết áp cao, tiểu đường, cơ gân, suy thận mãn tính, suy giáp nguyên phát nặng, HIV; hoặc lối sống, chế độ ăn uống, vận động không hợp lý… cũng có thể sụt giảm testosterone.
Các bác sĩ khuyến cáo, khi gặp các vấn đề sức khỏe sinh sản, hoặc các triệu chứng suy sinh dục như trên, nam giới cần khám chuyên khoa nam học để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
“Tuyệt đối không tự ý bổ sung testosterone hay sử dụng các loại thuốc được giới thiệu làm tăng khả năng quý ông, kéo dài thời gian “yêu”. Bởi, lạm dụng testosterone ngoại sinh sẽ khiến não và tuyến yên tưởng cơ thể đã sản xuất đủ hormone nên ngừng tổng hợp testosterone tự nhiên trong cơ thể.
Lâu ngày, cơ thể mất hoàn toàn khả năng tự sản xuất testosterone dẫn đến rối loạn tâm lý, sinh lý, teo tinh hoàn, ảnh hưởng khả năng sinh sản”, bác sĩ Thiện khuyến cáo.
Để có sức khỏe sinh sản bình thường, các bác sĩ khuyên nam giới sau 40 tuổi nên giảm cân, tập thể dục, giảm căng thẳng, ngủ đủ giấc, tránh rượu bia, bỏ hút thuốc lá…
* Tên bệnh nhân trong bài đã được thay đổi.