Nỗi lo bị xã hội đen đòi nợ, doanh nghiệp nợ lương
“Tín dụng đen, đòi nợ thuê kiểu “anh chị” ngoài xã hội ngày trở nên phức tạp ở nhiều địa bàn. Có công nhân không hề quan tâm, chẳng vay mượn, vẫn bị gọi đe dọa đòi nợ, đòi nhiều lần, bất chấp thời gian nên bị tác động rất lớn về tâm lý, tinh thần. Cần có biện pháp xử lý số điện thoại nặc danh để bảo vệ người dân và doanh nghiệp”, anh Nguyễn Văn Nam, công nhân Công ty TNHH Giầy Ching Luh Việt Nam huyện Bến Lức, chất vấn.
Rất nhiều người đại diện công nhân lao động, người sử dụng lao động lo lắng đặt câu hỏi, thời gian nào thì người dân sử dụng duy nhất 1 thẻ căn cước công dân (CCCD) tích hợp nhiều loại giấy tờ cá nhân như giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế, giấy phép hành nghề….?
Một công nhân khu công nghiệp huyện Đức Hòa đặt câu hỏi, có chính sách cụ thể nào giải quyết chế độ cho người lao động đối với doanh nghiệp ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ doanh nghiệp bỏ trốn…, dẫn đến tình trạng hàng ngàn công nhân lao động (CNLĐ) bị nợ lương và bảo hiểm xã hội. Chính quyền phối hợp giải quyết tình trạng thiếu lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn, CNLĐ sợ mất việc làm ra sao.
Vấn đề công nhân lao động quan tâm là tình trạng chợ tự phát ở các khu, cụm công nghiệp lan tràn, việc đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm, việc kiểm tra các doanh nghiệp về chất lượng bữa ăn của CNLĐ.
Nóng nhất vẫn là xây dựng nhà ở xã hội cho CNLĐ. Theo ý kiến chung, việc xây dựng còn chậm, công nhân muốn được biết thêm về các chính sách nhà ở xã hội, đối tượng áp dụng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh có giải pháp xây dựng nhiều nhà trẻ có khu, cụm công nghiệp. Cần có giải pháp hỗ trợ CNLĐ vay ưu đãi phục vụ tiêu dùng, xây dựng, sửa chữa nhà ở, mua nhà trả góp…
Ngoài ra, người sử dụng lao động bày tỏ khó khăn về tình hình tuyển dụng lao động hiện nay và đề nghị lãnh đạo tỉnh có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp có thêm nhiều kênh tuyển dụng lao động, kể cả khai thác nguồn lao động ở những vùng sâu, vùng xa của tỉnh.
Chính quyền nói gì?
Ông Hồ Văn Dân, Phó Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông (TTTT) Long An thẳng thắn cho biết, việc truy tìm đối tượng gọi điện, nhắn tin còn không ít khó khăn, do đối tượng cố tình sử dụng sim rác để gọi điện đe dọa, khủng bố tinh thần nạn nhân. Hiện nay sim rác còn tồn tại do việc ngăn chặn, xóa bỏ sim rác của các nhà mạng chậm.
Một số câu hỏi liên quan lĩnh vực trật tự xã hội đã được công an tỉnh trả lời trực tiếp với công nhân, đồng thời nêu rõ việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đối với đối tượng vi phạm.
Phó Chủ tịch UBND Long An Huỳnh Văn Sơn đã đề nghị Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp chủ yếu của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh nước ta thực hiện các cam kết đối với các định chế quốc tế, Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đồng thời gắn với triển khai và tổ chức thực hiện các chủ trương của tỉnh về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam.
Đối với các doanh nghiệp phải chủ động thực hiện các chính sách tiền lương đối với người lao động, bằng hoặc cao hơn mức Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định.
Cần quan tâm tạo điều kiện cho người lao động hưởng tốt quyền lợi, phối hợp với công đoàn cơ sở tổ chức tốt việc đối thoại định kỳ, đột xuất tại nơi làm việc và hội nghị người lao động. Kịp thời giải quyết thắc mắc, kiến nghị của công nhân lao động, hạn chế đình công, lãn công.
Công nhân lao động tuân thủ kỷ luật lao động, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp đã ký kết, thỏa thuận, làm tốt nhiệm vụ để có nguồn thu nhập tốt hơn cho bản thân và gia đình. Đồng thời, nâng cao trình độ nghề nghiệp, tác phong lao động công nghiệp, làm việc theo dây chuyền công nghệ, máy móc với năng suất, chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động…
“Đồng hành cùng doanh nghiệp, coi khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp là khó khăn, vướng mắc của tỉnh, trên cơ sở đó cùng nhau bàn bạc, giải quyết, tháo gỡ vì sự phát triển của doanh nghiệp và sự phát triển chung của Long An, vì mục tiêu đảm bảo việc làm, nâng cao đời sống cho người lao động”, Phó Chủ tịch UBND Long An kết luận.