“Khai tử” hệ thống đại lý SIM thẻ?
“Chúng tôi bán SIM chính chủ mà giờ cũng không được nữa, lo quá, đúng lúc thời buổi khó khăn, mưu sinh vốn đã nhọc nhằn”, chị Loan (55 tuổi), chủ đại lý bán SIM trên đường Tôn Đản (quận 4, TPHCM) thẫn thờ.
Ngồi bán từ 8h đến 22h, chị Loan không nhớ nổi số lần phải lắc đầu khi có người vào hỏi mua SIM. Chị Loan có hướng dẫn khách qua cửa hàng Viettel đối diện nhưng nhiều người băn khoăn vì chỉ quen mua SIM ở đại lý.
Chỉ tay lên bàn, chị Loan đếm lại hơn 1.000 chiếc SIM chưa đăng ký, không bán được, giờ phải làm báo cáo lượng SIM tồn cho nhà mạng.
Trước đó, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, kể từ 10/9, tất cả các nhà mạng trên toàn quốc ngừng phát hành SIM di động tại đại lý.
Sau thông tin này, nhà mạng cắt user (tài khoản người dùng) của đại lý khiến chị không thể đăng ký chính chủ SIM mới cho khách, chỉ còn có thể bán thẻ cào điện thoại.
Chị Loan cho biết, mỗi thẻ cào mệnh giá 100.000 đồng chỉ lãi được vài đồng lẻ. Tính ra, phải bán cả ngàn thẻ cào mới mong lãi được 200.000 đồng.
“Từ đợt dịch Covid-19 đến nay, người dân thay đổi thói quen, nạp tiền điện thoại trực tuyến, qua ứng dụng nên việc kinh doanh vốn dĩ đã bị thu hẹp, hạn chế nhiều”, chị Loan nói.
Không bán được SIM, thẻ cào điện thoại lại ế ẩm, chị chưa biết tính sao. Cả gia đình sống bằng tiệm bán SIM, thẻ cào điện thoại hơn 16 năm, chị Loan chưa từng chứng kiến cảnh khó khăn như hiện tại.
“Trước giờ bán thẻ cào đâu có lãi được nhiều nên nguồn thu nhập của những người làm nghề như chúng tôi đặt vào việc bán SIM. Hôm nào có đoàn du lịch đặt số lượng lớn thì mừng lắm, có tiền trả phí thuê quầy. Giờ quả là không biết sống bằng gì đây”, chị Loan than.
Nghề kiếm 1.000 đồng rất khó
Đầu tháng 9, chị Loan có nghe tin “tuýt còi” đại lý bán SIM nhưng nghĩ đơn giản là để hạn chế hoạt động mua bán nhỏ, lẻ, SIM không chính chủ. Với cơ sở kinh doanh của mình, chị Loan đã lập doanh nghiệp theo quy định từ lâu.
Năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2017/NĐ-CP quy định việc quản lý thuê bao di động nhằm khắc phục các kẽ hở pháp lý, tăng tính hiệu quả và khả thi trong quản lý thông tin thuê bao.
Theo đó, các đại lý bán SIM phải đăng ký user chính thống từ nhà mạng, SIM không được phép kích hoạt sẵn. Người mua phải dùng căn cước công dân/chứng minh thư khi đăng ký mua SIM.
“Đại lý SIM thẻ như chúng tôi không dám đăng ký ảo vì nhà mạng phát hiện là cắt kinh doanh ngay. Các đại lý, theo đó, đều phải thành doanh nghiệp để quản lý chặt chẽ theo quy định”, bà chủ đại lý phân tích, hầu hết SIM nhập về cửa hàng đều do nhân viên nhà mạng phát.
Vì vậy, đại lý có muốn mua SIM đã đăng ký về bán cũng không thể.
Những diễn biến khó khăn khiến bà chủ đại lý mất ngủ nhiều đêm liền. Giờ đây, mỗi sáng chạy xe máy qua điểm đăng ký nhận bảo hiểm thất nghiệp chị lại thấy hoang mang.
“Làm nghề này kiếm 1.000 đồng cũng không dễ. Tôi rất ủng hộ việc ngăn chặn SIM rác nhưng làm sao để người kinh doanh đúng quy định không cụt đường mưu sinh?”, chủ đại lý SIM .
Vợ chồng chị Loan đã nghĩ đến việc phải đóng cửa tiệm. Rời công việc này khi đã ngoài 50 tuổi, cả hai chỉ có cửa đi làm tạp vụ hoặc chạy xe ôm công nghệ, nặng nhọc và cũng bấp bênh hơn hẳn.
“Từ hồi dịch giã, nhiều đợt lỗ dài. Tôi bán SIM thẻ ở đây đã mười mấy năm, sát bên có vài tiệm điện thoại, dần đóng cửa nghỉ hết rồi, chỉ còn mình tôi, không biết cố được đến khi nào”, chị Loan thở dài.
Theo thống kê từ nhà mạng, trong số 1,5 triệu SIM mới ra thị trường gần đây, Bộ TT&TT nhận định, tới 80% SIM phát hành qua kênh đại lý, 10% trực tiếp từ nhà mạng và 10% qua kênh chuỗi, như các hệ thống bán lẻ điện thoại lớn.
Trong số đó, kênh đại lý được đánh giá là nguồn tạo ra nhiều SIM không chính chủ nhất.
Trước đó, vào ngày 1/6/2020, 3 nhà cung cấp dịch vụ di động có thị phần lớn nhất là Viettel, VinaPhone, MobiFone thống nhất dừng phát hành SIM mới trên hệ thống kênh phân phối ủy quyền (đại lý, điểm bán).
Theo Bộ TT&TT, động thái này phản ánh nỗ lực của cơ quan quản lý nhằm hạn chế tình trạng SIM không chính chủ (hay SIM rác) tràn lan trên thị trường.
Thay vì hình thức tăng trưởng người dùng kể trên, các nhà mạng sẽ chuyển sang tập trung phát triển thuê bao mới thông qua chuỗi bán lẻ hoặc kênh phân phối của doanh nghiệp mình.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết, các nhà mạng đã tự rà soát, đánh giá, và thấy được trách nhiệm của mình trong việc không thể kiểm soát hoạt động của các đại lý.
Từ đó, các nhà mạng đã nhất trí và báo cáo với Bộ dừng TT&TT kênh bán hàng qua đại lý để hạn chế phát hành thuê bao rác ra thị trường.
Tính đến ngày 31/8, các nhà mạng đã rà soát, có khoảng 8,6 triệu thuê bao đứng tên trên 10 SIM. Trong đó, 3,6 triệu thuê bao có cam kết chuẩn hóa lại thông tin. Còn hơn 5 triệu SIM đã bị khóa 1 chiều, 2 chiều và thu hồi.