Theo CNN, dưới đây là 9 kỹ năng thoát hiểm bạn cần biết khi xảy ra hoả hoạn để ứng phó với tình huống xấu nhất.
Tìm cách dập lửa
Khi phát hiện cháy bạn phải bình tĩnh để tìm cách xử lý. Đầu tiên bạn nên tìm cách dập lửa. Bạn có thể dùng bột, khí CO2, cát, chăn, nước hoặc những thứ khác bạn có thể tìm được ngay xung quanh để có thể dập tắt lửa.
Trường hợp lửa quá lớn không thể dập tắt được thì hãy nhanh chóng tìm cách thoát thân. Hét lên để mọi người trong nhà biết để thoát ra ngoài, bấm gọi cứu hoả để được hỗ trợ (ở Việt Nam, bấm gọi 114).
2. Biết lối thoát hiểm
Biết lối thoát hiểm có thể giúp tất cả thành viên trong gia đình thoát khỏi ngôi nhà đang cháy. Hãy thoát ra ngoài nhanh chóng và an toàn. Khói từ đám cháy có thể khiến bạn khó nhìn thấy mọi thứ, vì vậy học và ghi nhớ cách thoát ra khỏi nhà là điều quan trọng.
3. Khi trốn thoát hãy nhớ những điều sau
– Đừng cố gắng thu thập những vật có giá trị hoặc tìm kiếm vật nuôi
– Không tìm nguyên nhân vụ cháy
– Khi ra ngoài chỉ mở những cửa cần thiết và đóng tất cả các cửa đang mở để tránh lửa lan nhanh.
– Trước khi mở cửa nên đặt mu bàn tay lên cửa, nếu thấy ấm thì không nên mở – bởi phía bên kia cửa đang cháy. Hãy dùng mu bàn tay để thử chứ không phải lòng bàn tay. Vì lòng bàn tay bị bỏng sẽ cản trở việc bạn thoát thân khi bò xuống thang cứu hỏa.
– Nếu đi cùng người khác, hãy đi cùng nhau nếu có thể.
– Có thể lối thoát hiểm bị cháy hoặc có khói nên bạn cần biết các lối thoát hiểm khác.
4. Biện pháp an toàn
– Kiểm tra lửa hoặc khói vào nhà qua các khe hở trên cửa
– Nếu thấy khói bốc lên từ phía dưới cửa thì không được mở cửa
– Nếu không nhìn thấy khói, hãy đặt mu bàn tay lên cửa. Nếu cửa nóng hoặc quá ấm, đừng mở nó.
– Nếu không nhìn thấy khói và cửa không nóng, hãy chạm nhẹ vào núm cửa bằng mu bàn tay. Nếu núm cửa nóng, đừng mở nó!
– Nếu núm cửa nguội và không thấy xung quanh cửa có khói thì bạn có thể mở thật chậm và cẩn thận. Khi mở cửa, nếu thấy lửa đang cháy, hoặc có khói bay vào phòng thì hãy đóng cửa thật nhanh và đảm bảo cửa đã được đóng chặt.
– Nếu mở cửa không có khói, lửa thì hãy đi thẳng đến cửa thoát hiểm.
5. Luôn giữ mình ở vị trí thấp
– Nếu bạn nhìn thấy khói trong nhà, hãy cúi thấp người gần sàn nhà khi cố gắng tìm lối thoát. Trên thực tế, trong đám cháy, khói và khí độc gây hại nhiều hơn lửa. Bạn sẽ ít hít phải khói hơn nếu cơ thể ở vị trí thấp sát sàn nhà.
– Nên chọn lối ra bằng cửa thoát hiểm đầu tiên, nhưng bạn cũng có thể kiểm tra xem cửa sổ có thể là lối thoát hay không. Ngay cả cửa sổ nhà cao tầng cũng hữu ích khi bạn cần sự giúp đỡ từ lính cứu hỏa hoặc người khác.
6. Nếu quần áo bị cháy
– Đừng chạy lung tung, sẽ khiến ngọn lửa bị thổi bùng lên và khiến chúng cháy nhanh hơn.
– Hãy nằm xuống lăn qua lăn lại, việc này giúp lửa khó lan rộng hơn và giảm tác động của lửa lên mặt và đầu (lửa từ dưới lên trên).
– Dập tắt ngọn lửa bằng các vật liệu nặng như áo khoác, chăn mền giúp làm gián đoạn việc cung cấp oxy cho đám cháy.
– Lăn tròn giúp dập lửa.
7. Làm gì khi chưa thể thoát ra ngoài ngay?
Nếu bạn không thể thoát ra ngoài nhanh chóng vì lửa hoặc khói đã chặn lối ra, nếu lối thoát hiểm của bạn bị chặn:
– Nếu bạn ở tầng trệt, hãy ra ngoài có cửa sổ: ném chăn, gối, đệm xuống đất bên ngoài để hỗ trợ.
– Nếu không mở được cửa sổ, hãy dùng vật nặng đập mạnh vào góc dưới, khi chạm vào các cạnh sắc cần dùng vải, khăn.
– Hạ trẻ càng thấp càng tốt trước khi thả trẻ xuống để người lớn có thể giúp đỡ nếu có thể.
Hạ thấp cơ thể bằng cách đặt tay lên bậc cửa sổ trước khi thả người xuống.
Nếu không thể ra ngoài, hãy tập hợp mọi người vào một phòng:
– Chọn phòng có cửa sổ nếu có thể.
– Ngăn chặn khói và lửa đi qua cửa bằng cách chặn các khe hở xung quanh cửa bằng ga, chăn, quần áo hoặc băng keo.
– Nếu trong phòng có cửa sổ nhưng không thoát ra được thì hãy mở cửa ra và đứng trước cửa sổ để thở và kêu cứu.
– Nếu có thể lấy được một mảnh quần áo hoặc một chiếc khăn, hãy đặt nó lên miệng để không hít phải khói. Tốt hơn là làm ướt miếng vải trước khi che.
– Ngay lập tức, hãy nghĩ xem phòng nào là tốt nhất, bạn cần một cửa sổ có thể mở được và nếu có thể thì một chiếc điện thoại để gọi cấp cứu.
– Dù sợ hãi nhưng bạn cũng đừng bao giờ trốn dưới gầm giường, tủ quần áo. Bởi khi đó, lính cứu hỏa sẽ khó tìm thấy bạn. Hãy nhớ rằng lính cứu hỏa và những người khác sẽ tìm thấy bạn để giải thoát. Họ tìm thấy bạn càng sớm thì bạn sẽ thoát ra ngoài càng nhanh.
– Nếu trong phòng tránh lửa, uống đủ nước sạch vì cơ thể bạn sẽ cần nước trong tình huống đó.
8. Đừng quay lại
Nếu có thể ra ngoài, hãy tìm một nơi an toàn gần nhà để chờ đợi. Nếu có người nhà vẫn còn mắc kẹt, hãy đợi lính cứu hỏa đến. Bạn có thể kể cho họ nghe về người bị mắc kẹt và họ sẽ tìm thấy người bị mắc kẹt nhanh hơn.
Nếu quay trở lại ngôi nhà bị cháy, bạn sẽ làm chậm lại nỗ lực cứu người mất tích của lính cứu hỏa và tự đẩy mình vào tình thế vô cùng nguy hiểm.
9. Làm gì khi sống ở chung cư mini cao tầng?
Sống ở tầng cao hơn không có nghĩa là bạn sẽ gặp nhiều rủi ro hơn khi có hỏa hoạn. Những căn hộ chung cư cao tầng có tường, trần, cửa chống cháy sẽ giúp ngăn chặn lửa và khói. Hầu hết các kế hoạch thoát hiểm đều giống như những ngôi nhà trên mặt đất, nhưng có một số điểm khác biệt:
– Bạn sẽ không thể sử dụng thang máy khi có hỏa hoạn nên bạn phải cân nhắc điều này khi chọn lối thoát hiểm.
– Đếm xem có bao nhiêu cửa trên đường lên cầu thang khi bạn không thể sử dụng thang máy, đề phòng trường hợp không nhìn thấy đường.
– Đảm bảo cầu thang bộ và cửa thoát hiểm không có chướng ngại vật và cửa không bị khóa.
– Nếu xảy ra hỏa hoạn ở nơi khác trong tòa nhà, thông thường an toàn nhất là bạn nên ở trong căn hộ của mình, trừ khi khói và lửa gây hại cho bạn. Nếu bị ảnh hưởng, hãy cố gắng thoát ra ngoài và gọi cứu hỏa.