“tra-lai”-cuoc-song-cho-be-gai-bi-dong-kinh,-moi-ngay-co-giat-50-100-lan

“Trả lại” cuộc sống cho bé gái bị động kinh, mỗi ngày co giật 50-100 lần

Tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, các các bác sĩ Trung tâm Thần kinh của bệnh viện, cùng với sự hỗ trợ của các chuyên gia Bệnh viện Trẻ em Alabama – Hoa Kỳ đã phẫu thuật thành công 1 ca động kinh phức tạp cho bé gái 6 tuổi. 

Đáng nói, đây là kỹ thuật tiên tiến trên thế giới lần đầu được thực hiện tại Việt Nam: đặt điện cực sâu bề mặt vỏ não, xác định chính xác ổ động kinh. 

Sau mổ, bệnh nhi tỉnh táo, không có cơn giật và hoàn toàn không ảnh hưởng chức năng vận động.

Ekip gồm các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương và chuyên gia Hoa Kỳ phẫu thuật đặt điện cực bề mặt vỏ não

Bé gái luôn phải uống thuốc ngủ vì động kinh 50-100 lần/ngày

Bệnh nhi là bé N.N.M (nữ, 6 tuổi) bắt đầu có những cơn động kinh từ khi 21 tháng. Lúc đó bố mẹ chỉ nghĩ con bị sốt co giật, điều trị nhiều lần ở các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh nhưng không tìm được sóng động kinh. 

Khi lên 3 tuổi, N.N.M được thăm khám lại và xác định là mắc động kinh kháng trị với hàng trăm cơn động kinh mỗi ngày. 

Bé phải thường xuyên dùng thuốc ngủ để tránh những cơn động kinh dày đặc. 

Mẹ bé M tâm sự: “Ban đầu cháu chỉ xuất hiện một đến hai cơn trong ngày, nhưng sau đó tăng dần lên 10 cơn, có lần lên đến cả trăm cơn động kinh. 

Nhiều năm nay, tôi đã nhiều lần phải đưa con đi cấp cứu, nhiều lúc giữa đêm. Chúng tôi luôn sống trong đau đớn, sợ hãi rằng có thể mất con bất cứ lúc nào”. 

Tại Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương, các bác sĩ nhận định trẻ có vùng động kinh trên phim công hưởng từ rất phức tạp, gần với các vùng vận động và các dây trung tâm. Để điều trị dứt điểm các cơn động kinh cho bé M là rất khó khăn. 

Hình ảnh trẻ được đặt điện cực sâu ở bề mặt não. Ảnh BVCC

Ca phẫu thuật “lịch sử” có ý nghĩa lớn với trẻ em bị động kinh

Trong khoảng thời gian này, Bệnh viện Nhi Trung ương đã cử TS Lê Nam Thắng (Trưởng Khoa Ngoại thần kinh, Trung tâm thần kinh, Bệnh viện Nhi TW) và các cộng sự sang Mỹ để học tập kỹ thuật mới nhất phẫu thuật đặt điện cực bề mặt vỏ não lập bản đồ vùng sinh động kinh từ các bác sĩ Bệnh viện Trẻ em Alabama, Hoa Kỳ. 

Kỹ thuật thuật đặt điện cực bề mặt não đã thực hiện ở Mỹ và châu Âu 5 năm nay. Tuy nhiên, Bệnh viện Nhi Trung ương là cơ sở y tế đầu tiên của Đông Nam Á nhận chuyển giao kỹ thuật tiên tiến này. 

Ngay khi về nước, TS Thắng đã hội chẩn trường hợp bé N.N.M và quyết định phẫu thuật cho bé, với sự hỗ trợ của 7 chuyên gia đến từ Mỹ.

“Để ca mổ được thực hiện chính xác và hiệu quả nhất, dưới sự hỗ trợ của 7 chuyên gia đến từ Bệnh viện Trẻ em Alabama Hoa Kỳ, chúng tôi đã phẫu thuật đặt điện cực sâu bề mặt vỏ não, lập bản đồ vùng sinh động kinh, theo dõi trong vòng 24 – 48 giờ liên tục, nhằm ghi hình tất cả những vùng động kinh, từ đó lựa chọn vị trí và phương pháp phẫu thuật thích hợp. 

Đây là kỹ thuật tiến tiến trên thế giới, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam”, TS, bác sĩ Lê Nam Thắng cho biết.

TS, bác sĩ Lê Nam Thắng – Trưởng khoa Ngoại Thần kinh, Phó Giám đốc Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh BVCC

Để chuẩn bị cho ca mổ, sau khi đặt điện cực vỏ não và điện cực sâu, N.N.M được chuyển sang Khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa để theo dõi tình trạng toàn thân. 

Khi các chỉ số ổn định, bệnh nhi được chuyển lên Khoa Ngoại Thần kinh. Tại đây, các bác sĩ đã chuẩn bị 1 ekip theo dõi điện não đồ của trẻ liên tục trong 48 tiếng. Kết quả điện não đồ đã tìm ra chính xác các ổ động kinh.  

Ngay lập tức, các bác sĩ Khoa Nội Thần kinh, Khoa Ngoại Thần kinh và các bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh đã hội chẩn cùng các chuyên gia Hoa Kỳ, quyết định tiến hành phẫu thuật cho N.N.M vào ngày 7/9 vừa qua. 

Trải qua hơn 4 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã loại bỏ hoàn toàn vùng tổn thương gây ra cơn động kinh cho bé N.N.M. Hiện tại, bệnh nhi gần như tỉnh táo không có cơn giật và hoàn toàn không liệt, không ảnh hưởng chức năng vận động. 

Sau khi ca phẫu thuật đầu tiên thành công, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp tục tiến hành ca phẫu thuật thứ 2. 

Bệnh nhân là bé H.T (nam, 5 tuổi) cũng bị động kinh rất phức tạp. Bệnh nhi bị xơ hóa củ ở cả 2 bán cầu não vùng trán bên trái và thái dương, có rất nhiều ổ xơ hóa củ nên điện não đồ thông thường không xác định được đâu là nguyên nhân chính gây ra động kinh. 

Sau khi đặt điện cực vỏ não và điện cực sâu, N.N.M được chuyển sang Khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa để theo dõi tình trạng toàn thân. Ảnh BVCC

Những vùng gây động kinh này lại rất gần các vùng chức năng, chính vì thế, các bác sĩ Trung tâm Thần kinh cùng ekip chuyên gia Hoa Kỳ tiến hành 2 bước: Mở sọ xác định ổ gây động kinh trước bằng cộng hưởng từ, sau đó tiến hành đặt điện cực, bao gồm cả điện cực bề mặt và điện cực sâu dưới sự hướng dẫn của hệ thống định vị.

Sau 48 giờ theo dõi, các bác sĩ thực hiện phẫu thuật cắt ổ động kinh cho trẻ mà không gây ảnh hưởng đến chức năng và vận động. 

“Với việc phẫu thuật đạt được thành công tuyệt đối như vậy, bệnh nhi sẽ không phải dùng thuốc chống động kinh sau mổ, hoàn toàn có thể trở lại cuộc sống bình thường”, TS Thắng chia sẻ. 

Kỹ thuật tiên tiến đặt điện cực sâu bề mặt vỏ não lập bản đồ vùng sinh động kinh lần này có tính chính xác rất cao, thực sự là một bước tiến mới đối với y học Việt Nam, đem lại hy vọng cho bệnh nhi động kinh kháng trị và gia đình.  

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *