du-lich-nong-thon:-ung-hoa-(ha-noi)-phat-trien-du-lich-gan-voi-trai-nghiem-lang-nghe

Du lịch nông thôn: Ứng Hòa (Hà Nội) phát triển du lịch gắn với trải nghiệm làng nghề

Ứng Hòa (Hà Nội) phát triển du lịch gắn với trải nghiệm làng nghề và lịch sử cách mạng - Ảnh 1.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TITC

Du lịch nông thôn: Phát triển du lịch gắn với trải nghiệm làng nghề và lịch sử cách mạng

Huyện Ứng Hòa là nơi có truyền thống văn hóa, phong tục tập quán đậm đà bản sắc truyền thống, có nhiều danh thắng nổi tiếng. Huyện có 68 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia và 105 di tích được xếp hạng cấp Thành phố trên tổng số 433 di tích trên địa bàn Huyện. Nổi bật như Đền Đức Thánh Cả, Đình Hoàng Xá, chùa Trầm Đăng, chùa Chòng, Khu Cháy với bảo tàng và tượng đài lịch sử…

Huyện có 21/138 làng có nghề được công nhận nổi tiếng như: Chẻ tăm hương, làng bún Bặt, dệt may, sơn mài, tre đan, giang đan, guột tế, rèn, khảm trai… để khai thác, phát huy phát triển du lịch. Thời gian gần đây làng hương Quảng Phú Cầu thường xuyên đón các bạn trẻ ở Hà Nội và những vị khách du lịch quốc tế đến tham quan, khám phá như một địa điểm du lịch mới nổi.

Ông Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa cho biết, hiện nay du lịch Ứng Hoà đang có 2 tuyến chính. Tuyến 1, tham quan Di tích Nhà bảo tàng Khu Cháy, Đồng Tân – khu di tích chùa Chòng, đền Đông, Trầm Lộng – khu lưu niệm xóm Cộng Hòa, Viên Đình, thăm và tìm hiểu xuất xứ nghề làm đàn thôn Đào Xá, xã Đông Lỗ – nghề may áo dài Trạch Xá, xã Hòa Lâm. Tuyến 2, thăm Nhà bảo tàng Chiếc gậy Trường Sơn, xã Hòa Xá – cảnh quan sông Đáy và đền Đức Thánh Cả, xã Hồng Quang – đình Hoàng Xá, Thị trấn Vân Đình và thưởng thức đặc sản vịt Vân Đình.

Ứng Hoà đang quan tâm xây dựng điểm trải nghiệm văn hóa làng nghề truyền thống như trải nghiệm quy trình sản xuất và chụp ảnh tăm hương Quảng Phú Cầu, trải nghiệm may áo dài tại làng nghề may Trạch Xá và trải nghiệm làm chè sen, các sản phẩm từ sen Phương Tú…

Ứng Hòa (Hà Nội) phát triển du lịch gắn với trải nghiệm làng nghề và lịch sử cách mạng - Ảnh 2.

Hội nghị triển khai về ứng xử văn minh và du lịch cộng đồng cho dân cư huyện Ứng Hòa. Ảnh: TITC

Theo ông Trần Trung Hiếu – Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, trong nghiên cứu không gian quy hoạch du lịch của Thành phố Hà Nội giai đoạn tới năm 2030, định hướng tới năm 2050, Ứng Hòa cùng với các huyện Thường Tín, Thanh Oai, Phú Xuyên, Mỹ Đức nằm trong khu vực động lực phát triển du lịch quan trọng của Thành phố, với định hướng 02 cụm du lịch trọng điểm là Hương Sơn – Quan Sơn, Hà Đông và vùng phụ cận và nằm trên 02 tuyến vành đai du lịch quan trọng của thành phố là vành đai sông Hồng và sông Đáy.

Huyện Ứng Hòa có lợi thế phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch nông nghiệp – nông thôn, du lịch sinh thái. Huyện nằm trong phạm vi các tuyến du lịch quan trọng: Tuyến du lịch làng nghề từ trung tâm Hà Nội; tuyến du lịch sông Hồng; tuyến du lịch tâm linh kết nối liên vùng: Hà Nội – Chùa Hương – Tam Chúc – Bái Đính…

Ứng Hòa (Hà Nội) phát triển du lịch gắn với trải nghiệm làng nghề và lịch sử cách mạng - Ảnh 3.

Đoàn khảo sát, thăm quan làng chẻ tăm hương Quảng Tú Cầu. Ảnh: TITC

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết: Để đẩy mạnh phát triển du lịch trên địa bàn huyện Ứng Hòa, thời gian tới, Sở sẽ phối hợp cùng huyện liên kết sản phẩm, dịch vụ theo vùng, theo tuyến chính: Trung tâm Hà Nội – Thanh Oai – Ứng Hòa – Mỹ Đức; kết nối liên tỉnh Hà Nội – Hà Nam – Ninh Bình.

Đồng thời, quy hoạch và nâng cấp hạ tầng, cảnh quan ở hai làng nghề hương Quảng Phú Cầu và làng nghề áo dài Trạch Xá để du khách đến trải nghiệm, khám phá, thu hút du khách nước ngoài; khai thác tốt du lịch tâm linh với điểm nhấn là đền Đức Thánh Cả kết hợp du lịch chùa Hương (huyện Mỹ Đức). Cải tạo, nâng cấp Bảo tàng Chiếc gậy Trường Sơn để thu hút cả khách nội địa và quốc tế bởi giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt độc đáo.

Bên cạnh đó, huyện sẽ đẩy mạnh du lịch nông nghiệp và du lịch tâm linh, quảng bá các sản phẩm OCOP, ẩm thực gắn với du lịch, tiêu biểu như: các đặc sản từ vịt cỏ Vân Đình; bánh dày Nội Xá, bánh gai Hòa Phú, bánh đa Thanh Ấm, bánh trôi Quảng Nguyên, cháo hoa Hoàng Xá.

Ứng Hòa (Hà Nội) phát triển du lịch gắn với trải nghiệm làng nghề và lịch sử cách mạng - Ảnh 4.

Đoàn khảo sát Nhà Diều, huyện Ứng Hòa. Ảnh: TITC

PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn) cho rằng, vai trò của người dân rất quan trọng. Muốn du lịch phát triển, người dân cần học cách ứng xử thân thiện, giữ gìn, bảo vệ môi trường cảnh quan làng nghề.

Thông qua Hội nghị triển khai về ứng xử văn minh du lịch, du lịch làng nghề, du lịch cộng đồng cho dân cư năm 2023 tại huyện Ứng Hòa nhằm tuyên truyền về lợi ích du lịch đem lại, trao đổi về xây dựng sản phẩm, hướng dẫn kỹ năng phục vụ, giao tiếp đối với khách du lịch cho nhân dân, người bán hàng, người phục vụ tại điểm du lịch trên địa bàn huyện với mục tiêu đẩy mạnh phát triển du lịch di sản, làng nghề truyền thống, gắn với phát triển nông nghiệp, nông thôn mới.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *