Anh Lê Văn Công (39 tuổi, quê Hà Tĩnh) được nhiều người biết đến bởi là vận động viên cử tạ khuyết tật Việt Nam đầu tiên đoạt huy chương vàng Paralympic, đồng thời lập kỷ lục thế giới môn cử tạ dành cho người khuyết tật tại Rio de Janeiro, Brazil vào năm 2016. Anh hiện cũng là vận động viện khuyết tật giữ kỷ lục thế giới mức tạ 183,5kg.
Ngày 23/8 vừa qua, anh đã đánh bại nhà đương kim vô địch Omar Qarada để giành Huy chương Vàng hạng cân 49kg nam mức tạ 176kg tại Giải cử tạ người khuyết tật vô địch thế giới 2023 diễn ra tại Saudi Arabia.
Chuyện tình từ câu nói đùa “Cháu lớn nhanh lên, chú chờ”
Phía sau những hào quang chiến thắng, ngoài sự nỗ lực của bản thân anh Lê Văn Công còn là một hậu phương vững chắc. Đó là người vợ quê Nghệ An Chu Thị Tám (34 tuổi).
Chia sẻ trong Gõ cửa thăm nhà, cả hai đã có dịp ôn lại kỷ niệm những ngày đầu quen nhau. Để có được hạnh phúc vẹn tròn như hiện tại, nhà vô địch thế giới cùng người vợ đã phải vượt qua không ít rào cản.
Anh Công sinh ra và lớn lên ở một miền quê nghèo thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Người mẹ bị sốt xuất huyết khi mang thai nên đã sinh ra anh Công với cơ thể khiếm khuyết, bị liệt đôi chân.
Lớn lên, anh Công dùng chính đôi bàn tay của mình thay đôi chân, vượt qua quãng đường 2km đi học mỗi ngày.
Nhìn chúng bạn vô tư chạy nhảy, đạp xe, anh Công chỉ biết giấu nỗi buồn vào trong. Không ít lần đến trường, anh còn bị bạn bè gọi bằng cái tên đầy tổn thương “thằng què”.
Mỗi lần như vậy, anh chỉ muốn nghỉ học ở nhà để không còn phải chịu sự miệt thị của bạn bè. Tuy vậy, được sự động viên của gia đình, anh Công dần vượt qua sự mặc cảm, tiếp tục đến trường.
Năm 2003, anh Công vào TPHCM học nghề điện tử. Để có tiền trang trải cuộc sống, buổi sáng anh đi học còn buổi chiều đi làm thêm ở xưởng mộc. Buổi tối anh tham gia câu lạc bộ hướng nghiệp dành cho người khuyết tật.
Tại đây, anh làm quen với người thầy phụ trách Câu lạc bộ thể thao người khuyết tật quận Tân Bình. Mối quan hệ này tạo ra cơ duyên đưa anh đến thể thao và môn cử tạ.
Những ngày tháng học tập ở TPHCM, thi thoảng, anh Công được bạn bè đưa đi chơi. Năm 2006, anh theo người bạn tới thăm em gái làm may ở quận Tân Bình. Người em gái này là đồng nghiệp thân thiết của chị Tám.
Hôm ấy chị Tám đi làm về sớm, thấy khách đến chơi nên lễ phép chào: “Cháu chào hai chú”. Anh Công thấy vậy liền trêu lại: “Cháu lớn nhanh lên, chú chờ”.
Từ cuộc gặp gỡ tình cờ ấy, hai người dần quen thân hơn. Thời điểm ấy, chị Tám mới 16 tuổi, xa quê Nghệ An vào làm ở TPHCM. Tâm lý là con gái khiến chị luôn dè dặt, đề phòng với những ai có ý định tìm hiểu mình.
Tuy nhiên khi ở bên anh Công, chị Tám lại có một cảm giác rất khác. Chị cảm nhận được ở anh sự chân thành, dễ mến. Đặc biệt, với chị anh là một người đầy nghị lực và lạc quan.
Về phần anh Công, qua tiếp xúc, anh dần nhận ra mình có tình cảm đặc biệt với cô gái quê Nghệ An.
Anh luôn tự nhận mình là người mạnh mẽ nhưng khi đứng trước tình yêu, anh lại có đôi chút tự ti vì biết mình không phải người đàn ông có ngoại hình trọn vẹn.
Thời gian đầu, anh chỉ tới gặp chị Tám, nói chuyện một lúc rồi đi về chứ không dám rủ chị Tám đi đâu chơi. Dẫu vậy, qua những lần gặp gỡ, cả hai càng nhìn rõ được tình cảm của nhau.
Chị Tám chia sẻ, khi biết chuyện chị yêu anh Công, gia đình chị đã ra sức phản đối. Người ủng hộ duy nhất là mẹ chị.
Còn bố và 7 người anh chị đều không muốn chị gắn bó cả cuộc đời với một người đàn ông bị khiếm khuyết ở đôi chân.
Chị Tám không ngừng thuyết phục gia đình và khẳng định, sau này khi tiến đến hôn nhân với anh Công sẽ tự chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình và không làm phiền gia đình.
Người yêu “biến mất” trong đêm
Dẫu vậy, khi ấy, gia đình chị Tám vẫn không ủng hộ. Cuối 2007, anh Công gặp được 4 người anh trai của chị Tám.
Tuy nhiên, ngay sau buổi gặp ấy, anh không liên lạc được với họ, cũng không liên lạc được với chị Tám. Anh tìm đến xưởng may hỏi thì được biết, chị Tám đã về quê đêm hôm trước.
Nhớ lại thời điểm đó, chị Tám kể: “Đêm đó, 4 anh bắt tôi phải về quê ngay lập tức. Kể cả chiếc điện thoại, các anh cũng yêu cầu để lại TPHCM, không được đem theo để cắt đứt liên lạc với anh Công. Dù rất muốn ở lại nhưng tôi không thể chống lại ý các anh nên đành lên xe về quê”.
Sau 6 tháng mất liên lạc, anh Công đã xin được địa chỉ của chị Tám để viết thư tay gửi ra Nghệ An cho chị. Ngay khi vừa nhận được lá thư của người yêu, chị Tám liền gọi điện lại cho anh.
Ít ngày sau, chị ngỡ ngàng khi anh Công báo tin đã có mặt ở Nghệ An. “Đang ở trong nhà, tôi thấy có một chiếc xe ba bánh tiến vào sân. Lúc nhìn thấy anh, tôi vừa vui, vừa lo sợ. Sợ vì gia đình mình vốn đã phản đối, giờ anh lại đến thẳng nhà để nói chuyện”, chị Tám nhớ lại.
Tới nhà anh Tám đúng vào bữa cơm tối nên anh Công gặp được đầy đủ mọi người. Anh mạnh dạn bày tỏ tình cảm của mình và xin phép bố mẹ, các anh chị của chị Tám cho phép anh được tiếp tục mối quan hệ tình cảm của cả hai để anh có cơ hội chăm sóc cho chị.
Bất ngờ hơn, sau bữa cơm trưa hôm sau, anh Công đã xin phép được cưới chị Tám làm vợ. Bố chị Tám nghe xong thì cảm thấy rất “sốc”.
Ông không giấu nổi sự căng thẳng. Tuy nhiên, khi nghe các con nói vun vào và chị Tám khẳng định “không lấy anh Công, chị sẽ không lấy ai”, ông chỉ biết xuôi lòng. “Tôi biết bố thương tôi và sợ tôi khổ”, chị Tám nhớ lại.
Nhận được sự đồng ý, anh Công lập tức gọi điện về cho bố mẹ ở Nghệ An để ông bà chuẩn bị sính lễ, tổ chức đám cưới. Nghe anh Công báo tin, bố mẹ anh cứ ngỡ là con trai đùa.
Một đám cưới đầm ấm được diễn ra sau đó. Anh Công đưa chị Tám trở lại TPHCM tiếp tục cuộc sống mưu sinh. Cả hai trải qua những ngày tháng vất vả trong căn phòng trọ chật hẹp. Anh Công sửa chữa các thiết bị điện tử còn chị Tám tiếp tục làm nghề may.
Ít lâu sau ngày cưới, chị Tám vui mừng báo tin với chồng mình đã có thai. Cặp đôi vừa mừng, vừa lo, thấp thỏm chờ từng ngày con chào đời.
Chị kể: “Khi ấy, mỗi ngày chúng tôi chỉ biết cầu nguyện, mong cho con được lành lặn. Vậy nên khi thấy con trai đầu khỏe mạnh, đầy đủ chân tay chào đời, anh đã bật khóc”.
Vợ chồng anh Công sau đó còn sinh thêm một cô con gái xinh xắn. Năm 2019, sau nhiều năm dành dụm, cả hai đã mua được một ngôi nhà mới khang trang.
Hiện tại, anh Công vừa kinh doanh mặt hàng điện tử vừa tập luyện và tham gia các giải thi đấu trong nước và quốc tế. Chồng bận rộn nên việc nhà đều do một tay chị Tám lo liệu.
Nhìn lại những gì đã qua, anh Công thầm cảm ơn người vợ hiền đã yêu thương và ủng hộ anh hết lòng.
Nhờ chị, một người khiếm khuyết như anh đã có một gia đình hạnh phúc vẹn tròn. Anh vì thế cũng có cơ hội làm nên những kỷ lục mang tầm quốc gia và quốc tế.