Ký ức đặc biệt về ngày 2/9 không ngủ của người Hà Nội
Đều đặn sáng sớm mỗi ngày, ông Công Ngọc Dũng (61 tuổi) dậy từ rất sớm ăn mặc chỉnh tề bước đến căn nhà số 6, ngõ 319, phố An Dương Vương, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội của gia đình để lau dọn bàn ghế, cắm hoa tươi. Mọi việc xong xuôi, ông dâng hương lên ban thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lúc này, người cháu nội gần 3 tuổi cũng chạy tới, ông Dũng liền bế cháu gái trên tay nhẹ nhàng bảo “Con bái cụ đi”. Lúc này, bé gái liền chắp tay kính cẩn làm theo.
Ngôi nhà mái ngói nhuốm màu thời gian này bao năm qua vẫn luôn ngát hương hoa thơm. Đây cũng là nơi lần đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ở, làm việc trên chặng đường từ Việt Bắc về Hà Nội năm 1945. Ngôi nhà này thường ngày vẫn mở cửa đón các đoàn khách trong nước và quốc tế ghé thăm. Cây mộc hương được trồng ngay sát hiên nhà từ khi ngôi nhà được xây dựng đến nay gần 100 trăm mỗi năm vẫn toả hương, chứng kiến bao thăng trầm lịch sử.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Dũng xúc động hồi ức về những ngày tháng Tám cách đây tròn 78 năm. Khi ấy, gia đình bà cụ Nguyễn Thị An (bà nội ông Dũng) vinh dự được đón đoàn cán bộ, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Chiến khu Việt Bắc trở về ở và làm việc đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi từ chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội từ ngày 23 đến 25/8/1945.
Trong ba ngày nghỉ lại tại đây (từ ngày 23/8 đến 25/8/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp làm việc với các đồng chí Trường Chinh – Tổng Bí thư của Đảng, cùng các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Lương Bằng… về kết quả Tổng khởi nghĩa trong cả nước và chuẩn bị cho ngày Quốc khánh 2/9 – ngày Bác đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ông Dũng kể, sinh sau không được chứng kiến thời kỳ Bác Hồ tới đây và chỉ nghe kể lại qua ký ức sâu thẳm của bà nội và cha mình. Những dấu ấn về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến và ở đây ghi mãi trong tâm thức những người thân có gì đó rất thiêng liêng, lôi cuốn kỳ lạ.
Khi ấy, gia đình ông không hề biết Bác Hồ là ai, chỉ biết đoàn cán bộ từ chiến khu Việt Bắc trở về. Trước đó, từ năm 1942 vẫn có các đoàn cán bộ cách mạng đến, người nhà cũng thấy có sự khác lạ nhưng không biết nhiều. Trong đoàn cán bộ ngày đó đặc biệt có một ông cụ đã có tuổi, mặc bộ quần áo chàm, chòm râu dài, người mắt sáng, vầng trán cao nhưng ông rất gầy và yếu. Hình như ông cụ ấy mới qua một trận ốm.
Qua lời kể của bà và cha mình, ông Dũng nhớ rất rõ từng lời. Mỗi khi kể về Bác Hồ, ánh mắt ông rực sáng kèm lẫn sự xúc động cũng như niềm tự hào. Ông chia sẻ, mặc dù vậy nhưng ông già ấy vẫn nhanh nhẹn, sau khi chào hỏi mọi người trong gia đình rồi tiếp tục miệt mài làm việc cho tới khuya mới chịu đi nghỉ.
“Đến sáng sớm ngày hôm sau, người nhà tôi thấy ông ra bờ ao tập thể dục xong lại bắt tay vào công việc. Vị cán bộ từ chiến khu trở về ấy bận suốt ngày, không mấy lúc nghỉ tay, ngoài lúc nghe các đồng chí từ Hà Nội về báo cáo lại tình hình”, ông Dũng chia sẻ.
Ông cũng kể tiếp, chiều 25/8, sau khi ở nhà mình 3 ngày, bố mình đang chuẩn bị cơm chiều thì thấy ông cụ vẫy tay gọi lại. “Đồng chí gọi tôi ạ?”, bố ông Dũng nhanh nhảu hỏi. Lúc này, ông cụ đáp: “Bây giờ chú đi mời những người trong gia đình vào đây cho tôi nói chuyện”. Nghe xong, bố ông Dũng đi gọi đông đủ người thân trong gia đình.
“Tôi về đây với gia đình, được gia đình hết lòng giúp đỡ. Bây giờ tôi phải đi công tác. Tôi cảm ơn sự giúp đỡ của gia đình. Tôi chúc gia đình mạnh khoẻ và có dịp nào đó tôi sẽ về thăm lại”, lời ông cụ gửi gắm.
Tới sáng ngày 2/9/1945, gia đình ông Dũng có vinh dự rất lớn là được về Hà Nội tham dự cuộc mít tinh lớn tại quảng trường Ba Đình. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức ra mắt quốc dân đồng bào với bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử.
“Bố tôi kể được đi dự cuộc mít tinh ở Quảng trường Ba Đình sáng ngày 2/9, nhưng đêm 1/9 không ai ngủ. Mọi người lo chuẩn bị cờ, hàng ngũ… chỉ mong đi thật nhanh và đến thật sớm để được dự ở Quảng trường. Đến nơi mọi người rất trang nghiêm, chỉ nhìn lên khán đài, thể hiện ánh mắt khát vọng để chờ đoàn cán bộ Chủ tịch làm thủ tục tuyên ngôn, khai sinh ra Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Bố tối ngờ ngợ thấy ông cụ già đi dáng cao cao, gầy, giọng nói người xứ Nghệ bước ra cất tiếng: ‘Tôi nói đồng bào nghe rõ không?’, lúc này mọi người cùng đồng thanh hô ‘rõ rõ’. Người cất tiếng khi ấy giống ông cụ mấy ngày trước ở nhà mình đến như vậy.
Tuy nhiên, bố tôi mường tượng có lẽ người ấy mình đã gặp ở đâu nhưng không dám nhận. Điều đó thể hiện tính chất vùng an toàn khu, cơ sở của nhà mình luôn được giữ bí mật trong cách mạng. Ngay những người như cha tôi được gần gũi nhất với Bác Hồ, phục vụ mà không nhận ra, không biết được đó là ai. Khi dự mít tinh về tới nhà mọi người hỏi, ông cũng không dám nhận.
Lúc bấy giờ, ông Hoàng Tùng (nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương khóa V) nói với bố tôi rằng đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã ở với gia đình từ những ngày trước. Nghe xong không khí của gia đình nói chung và tâm trạng của các chiến sĩ cách mạng như bố tôi được gần Bác đã kể lại đã khóc trong niềm sung sướng đến tột độ. Bố tôi rất xúc động vì cảm nhận được rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh là người bôn ba, gian khổ. Tuy nhiên, tiếng nói của Người lại sang sảng, mọi người đều hướng về. Đó là ký ức về ngày 2/9/1945 tôi được nghe lại từ bà, bố mình về không khí cách mạng khi ấy. Sau ngày Quốc khánh 2/9, gia đình tôi lại quay lại công việc bình thường của cán bộ tự vệ của làng Phú gia lúc bấy giờ”, ông Dũng xúc động kể lại.
Người lưu giữ những kỷ vật gắn với Bác Hồ
Theo ông Dũng, một điều đáng nhớ nữa về Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là Người có trí nhớ uyên bác. Lần thứ 2, Bác về thăm Phú Gia (tức Phú Thượng nay) và gia đình vào ngày 24/11/1946 sau khi Người trở về từ Hội nghị Văn hoá toàn quốc.
“Một dấu ấn kỷ niệm của tôi đó là Bác rất bình đẳng với mọi tầng lớp nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh với cương vị Chủ tịch nước từ năm 1946 nhưng Người vẫn luôn giản dị, đáng kính.
Thấy Bác ngồi trên bộ trường kỷ trong nhà, ông cụ nhà tôi trở về định chắp tay vái thì Bác rất nhanh đỡ tay cụ bảo ‘Không, không! Giờ cách mạng rồi, chúng mình đều là anh em, không còn như chế độ phong kiến thực dân trước đây nữa… Hai người dắt tay nhau ngồi trên bộ trường kỷ ngồi nói chuyện”, ông Dũng chia sẻ.
Ông Dũng được nghe bà kể lại, trong buổi nói chuyện, Bác Hồ hỏi “Bây giờ giặc Pháp chuẩn bị đánh ta một lần nữa, các cụ có sợ không? Cụ Công Văn Trường (ông nội ông Dũng) trả lời “Thưa cụ, giặc Pháp có nhiều xe tăng, máy bay, không biết ta có đánh được nó không?”
Cụ Trường vừa dứt lời, Bác Hồ nói ngay và quả quyết: “Pháp mạnh thật nhưng chúng ta có lòng dân. Nhân dân ta đoàn kết một lòng nhất định chúng ta sẽ đánh thắng”. Cụ Trường: “Vâng, nhân dân ta nghe theo ý cụ, sẽ chiến thắng được giặc Pháp”.
Lần thứ 2 bác về thăm Phú Gia đã có buổi gặp và làm việc với cán bộ xã, quận. Bác dành 1 buổi chiều làm việc với chính quyền để bàn và nhắc nhở chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống Pháp. Đây là những dấu ấn tôi được nghe bà và bố kể lại qua hai lần Bác về làm việc và thăm gia đình”, ông Dũng kể tiếp.
Từ đó đến nay, ngôi nhà của gia đình ông Dũng được coi như “bảo tàng ký ức” lưu giữ những kỷ niệm in dấu chân Người. Trải qua gần 80 năm, ngôi nhà vẫn được bảo tồn vẹn nguyên trong khuôn viên rộng 187,6m2 với 14 di vật, hiện vật cùng nhiều tài liệu, hình ảnh liên quan sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu lại tại đây.
Đó là bộ tràng kỷ nơi Bác Hồ từng ngồi làm việc; chiếc sập gỗ Bác đã nằm nghỉ ngơi; chiếc máy chữ, vali mây được Người mang về từ Chiến khu Việt Bắc; và cả bể nước, chiếc gương, chậu rửa mặt bằng đồng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng…
Hai buồng nhỏ ở hai đầu nhà là nơi trưng bày nhiều bức ảnh của các cán bộ cách mạng đã ở ngôi nhà này để hoạt động cách mạng trong cuộc kháng chiến chống Pháp; cùng ảnh của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tới thăm gia đình.
Ngôi nhà được công nhận là “Nhà lưu niệm Bác Hồ” và chính thức mở cửa đón khách tham quan từ năm 1996 cho tới nay. Ngôi nhà này gia đình ông Dũng không ở và chỉ để thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh.