Tiền lương và phụ cấp của cán bộ, công chức xã, phường đều tăng
Theo Báo cáo của Bộ Nội vụ, hiện cả nước có tới hơn 86.000 cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn. Thường đội ngũ này không phải là công chức, chỉ hoạt động không chuyên trách, kiêm nhiệm nhiều vị trí. Tiền lương và các chế độ phúc lợi cho nhóm lao động này cũng khá là thấp.
Vừa qua (1/7/2023) khi tăng lương cơ sở, nhóm này cũng được tăng lương đồng thời tăng phụ cấp.
Lương cơ sở tăng, đồng nghĩa với lương của nhóm này đã tăng lên từ 1.490.000 đồng, lên 1.800.000 đồng, tăng 20%.
Ngoài tiền lương cơ bản tăng, khoản tiền phụ cấp (quy định theo Nghị định 34/2019/NĐ-CP) cho cán bộ không chuyên trách cấp xã cũng tăng theo. Mức khoán quỹ phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách tại một đơn vị hành chính cấp xã được tính theo lương cơ sở. Do đó, khi lương cơ sở tăng từ ngày 1/7, mức khoán này cũng được tăng theo.
Lần thứ hai, kể từ ngày 1/8, Nghị định 33/2023/NĐ-CP quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố có hiệu lực thi hành đã đẩy mức khoán quỹ phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách cấp xã lên một lần nữa.
Dự kiến nếu mở rộng thêm 2 quyền lợi cho cán bộ không chuyên trách cấp xã phường thì chỉ có ngân sách nhà nước phát sinh thêm kinh phí đóng vào quỹ ốm đau và thai sản. Khi bổ sung thêm chế độ ốm đau và thai sản, số kinh phí ngân sách nhà nước tăng thêm hơn 73 tỷ đồng/năm. Hiện nay có khoảng 86.000 người là cán bộ không chuyên trách cấp xã đang tham gia BHXH diện bắt buộc 2 chế độ.
Theo đó, mức khoán quỹ phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách cấp xã ở đơn vị hành chính cấp xã loại I tăng từ 16 lần lên 21 lần mức lương cơ sở; đơn vị hành chính cấp xã loại II tăng từ 13,7 lần lên 18 lần mức lương cơ sở; đơn vị hành chính cấp xã loại III tăng từ 11,4 lần lên 15 lần mức lương cơ sở.
Tăng quyền lợi khi tham gia BHXH
Theo quy định người tham gia BHXH bắt buộc hiện nay được hưởng 5 chế độ là: ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí và tử tuất. Tuy nhiên, cán bộ không chuyên trách cấp xã và người tham gia BHXH tự nguyện mới chỉ được áp dụng 2 chế độ là hưu trí và tử tuất.
Trước thực tế đó, những đối tượng lao động thuộc nhóm này kiến nghị sóm bổ sung thêm chế độ thụ hưởng.
Mới đây khi xây dựng Dự thảo sửa đổi Luật BHXH, trong báo cáo đánh giá tác động trình Quốc hội, Bộ LĐTBXH cho biết: “Trong quá trình tổng kết thi hành Luật BHXH 2014, nhiều ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, kiến nghị cử tri đều đề nghị thực hiện cả 5 chế độ BHXH bắt buộc với nhóm đối tượng người hoạt động không chuyên ở cấp xã nói trên”.
Khảo sát thực tiễn của Bộ LĐTBXH cũng cho thấy, hầu hết cán bộ không chuyên trách cấp xã đều có nhu cầu được tham gia cả 5 chế độ BHXH bắt buộc. Trước thực trạng đó, nhóm soạn thảo đã tiếp thu ý kiến và bổ sung thêm 2 chế độ là chế độ ốm đau và thai sản mà không phải đóng thêm chi phí bảo hiểm xã hội cho nhóm cán bộ hoạt động không chuyên trách cấp xã phường.
Theo Bộ LĐTBXH, việc tăng thêm 2 chế độ ốm đau và thai sản đáp ứng được nguyện vọng của các cán bộ không chuyên trách cấp xã; gia tăng thêm sự bảo vệ đối với người lao động khi không may ốm đau hoặc gặp phải sự kiện bảo hiểm (mang thai, sinh con…).
Ông Nguyễn Duy Cường – Vụ phó Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH) cho biết, khi được tham gia và thụ hưởng thêm các quyền lợi BHXH, người lao động sẽ yên tâm gắn bó hơn với công việc, từ đó nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc.
Phương án này còn tạo ra những tác động tích cực đối với nữ giới. Bởi ốm đau, thai sản là 2 chế độ rất quan trọng đối với phụ nữ để đảm bảo thực hiện quyền, thiên chức làm mẹ của mình.
“Đặc biệt, việc đóng BHXH vào quỹ ốm đau và thai sản hoàn toàn thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động nên cán bộ không chuyên trách cấp xã sẽ được hưởng thêm 2 chế độ này mà không phải đóng thêm chi phí. Ở đây, người sử dụng lao động là nhà nước nên chi phí đóng thêm sẽ do ngân sách nhà nước chi trả, lao động không phải bỏ tiền thêm”, ông Cường nói.