Loại củ khiến nhiều người ngộ độc
Ấu tàu là loại củ nổi tiếng ở Hà Giang với đặc sản cháo ấu tàu được hầu hết mọi người biết đến. Tuy nhiên, loại củ này đã gây nên nhiều vụ ngộ độc nguy hiểm.
Mới đây, Bệnh viện đa khoa Mường Khương (Lào Cai) đã tiếp nhận 1 bệnh nhân (46 tuổi ở xã Lùng Vai, huyện Mường Khương, Lào Cai) bị ngộ độc củ ấu tàu.
Bệnh nhân được đưa đến viện cấp cứu trong tình trạng kích thích nhiều, da lạnh, vã mồ hôi, đau tức ngực, khó thở, huyết áp không đo được, đại tiện không tự chủ…
Người nhà cho biết, trước đó, bệnh nhân đã mua củ ấu tầu về, đập nát, ninh xương để ăn. Sau khi ăn canh củ ấu tầu 3 giờ, bệnh nhân có hiện tượng buồn nôn, tê bì vùng mặt lưỡi và miệng rồi lan ra toàn thân kèm theo co quắp chân, tay, vã mồ hôi tức ngực, khó thở, nôn liên tục… uống nên bị ngộ độc.
Các bác sĩ xác định bệnh nhân bị ngộ độc aconitin có trong củ ấu tầu. May mắn sau khi được các bác sĩ cấp cứu và điều trị tích cực, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định và được ra viện.
Trước đó, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cũng cấp cứu 1 bệnh nhân (nam, 65 tuổi, trú tại TP Hạ Long, Quảng Ninh) bị ngộ độc củ ấu tàu. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tê miệng, lưỡi, tay, chân, nóng rát vùng cổ, cảm giác loạn nhịp tim sau khi ăn canh có chứa khoảng 3-4 củ ấu tàu.
Theo bác sĩ Trần Công Cẩn, khoa Hồi sức tích cực chống độc (Bệnh viện Bãi Cháy), trong củ ấu tàu có thành phần aconitin có độc tính rất cao, có thể gây tử vong chỉ với một hàm lượng rất nhỏ.
“Khi bị ngộ độc của ấu tàu, bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng nôn, buồn nôn, tê môi, lưỡi, tay, chân hoặc toàn thân, cảm giác tức ngực, khó thở, loạn nhịp tim. Các triệu chứng nặng như co giật, ngừng thở, suy hô hấp, thậm chí ngừng tim, tử vong”.
Trung tâm Chống độc Bệnh viện, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng từng tiếp nhận 2 bệnh nhân (ở hải Dương) bị ngộ độc rượu ngâm củ ấu tàu. Đôi bạn này rủ nhau uống rượu ngâm củ ấu tàu, sau đó có biểu hiện vã mồ hôi, tức ngực, khó thở, loạn nhịp tim, hoa mắt, chóng mặt… trong đó 1 người bị tím tái, ngừng thở, phải sốc điện, đặt ống nội khí quản thở máy.
Thực tế không ít người dân sử dụng củ ấu tàu như một loại đặc sản, bài thuốc quý để chế biến món ăn hoặc ngâm rượu.
“Người dân không nên tự chế biến củ ấu tàu làm thức ăn hoặc ngâm rượu để uống nếu không biết cách loại bỏ độc tố. Khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc cần lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí, tuyệt đối không ở nhà để tự theo dõi hoặc điều trị theo các biện pháp dân gian”, bác sĩ Cẩn khuyến cáo.
Loại củ này chứa độc tố nguy hiểm thế nào?
Ấu tàu hay còn gọi là ấu tẩu, ô đầu, gấu tàu, tên khoa học là Aconitum fortunei Hemsl, thuộc họ Hoàng liên Ranunculaceae.
Loại củ này được xếp vào danh sách thuốc độc bảng A, nhưng cũng là một vị thuốc quý đứng thứ 4 trong “tứ đại danh dược” (sâm, nhung, quế, phụ) sau khi được bào chế cẩn thận.
Theo Đông y, củ ấu tàu có vị cay tê, tính rất nóng, rất độc, có tác dụng trợ dương bổ hoả, trừ phong hàn, táo thấp. Trong đông y, ô đầu được dùng để chữa các chứng phong tê, chân tay nhức mỏi, tê bại….
Tuy nhiên, trong thành phần của loại củ này chứa aconitin là một chất rất độc, một số người dùng đã bị ngộ độc.
Ngộ độc Aconitin trong loại củ này chủ yếu do uống quá liều thuốc nam, thuốc bắc có củ ấu tàu, uống nhầm thuốc dùng xoa bóp ngoài da để điều trị giảm đau do viêm dây thần kinh và bệnh thấp khớp hoặc ăn phải rễ cây này.
Ngộ độc củ ấu tàu còn do khi nấu cháo, nấu canh chế biến không đúng cách. Ngộ độc có thể xảy ra khi để da tiếp xúc lâu với lá ấu tàu.
Các bác sĩ cảnh báo, vì củ ấu tàu rất độc nên người dân tuyệt đối không tự ý sử dụng. Khi dùng các chế phẩm thuốc có thành phần là củ ấu tàu phải hết sức thận trọng và theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc có kinh nghiệm.
Không tự chế biến củ ấu tàu làm thức ăn nếu không biết cách chế biến để loại bỏ độc tố. Tuyệt đối không được uống rượu ngâm củ ấu tàu, sẽ bị ngộ độc dẫn đến tử vong;
Các loại rượu ngâm ấu tàu dùng để xoa bóp phải dán nhãn rõ ràng, cất giữ nơi an toàn, xa tầm tay trẻ em và để tránh nhầm lẫn khi sử dụng.