Tin từ Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cho biết, thời gian qua, bệnh viện đã điều trị nhiều ca bệnh rối loạn chức năng sàn chậu, căn bệnh “chuyên biệt” của phụ nữ, giúp chị em tìm lại tự tin và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bác sĩ Dương Xuân Hiệp – Trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, sàn chậu nữ là vùng bao gồm tất cả các cấu trúc nằm bên trong khung xương chậu: từ khớp mu đến xương cụt, từ thành chậu bên này sang thành chậu bên kia và được hình thành từ nhiều khối cân, cơ đan xen nhau.
Sàn chậu nữ gồm 3 cơ quan: hệ thống tiết niệu dưới (bàng quang, niệu đạo), hệ thống sinh dục (tử cung, âm đạo), hệ thống tiêu hóa dưới (trực tràng, hậu môn).
Cơ sàn chậu suy yếu dần theo tuổi, số lần mang thai và sinh đẻ. Với những phụ nữ ở tuổi mãn kinh, tình trạng thiếu nội tiết cũng là một nguyên nhân gây rối loạn chức năng sàn chậu hoặc những phụ nữ béo phì, ho mãn tính, táo bón mãn tính cũng có nguy cơ rối loạn sàn chậu.
“Rối loạn chức năng sàn chậu không đe dọa trực tiếp tính mạng nhưng ảnh hưởng đến chất lượng sống của người bệnh thông qua các biểu hiện như: tiểu tiện và đại tiện không tự chủ, táo bón, nhiễm khuẩn niệu, rối loạn chức năng tình dục, …. “, bác sĩ Hiệp cho biết.
Theo thống kê của hội Sàn chậu học TP.HCM, có khoảng 50% phụ nữ trên 40 tuổi bị rối loạn chức năng sàn chậu với biểu hiện són tiểu; 40% phụ nữ trên 50 tuổi bị rối loạn chức năng sàn chậu với triệu chứng sa tử cung, sa bàng quang và sa trực tràng.
Ngoài ra còn có những biểu hiện khác như rối loạn tình dục, đau vùng thắt lưng chậu, đau vùng bụng dưới, vùng âm hộ.
Bác sĩ Hiệp chia sẻ, trước đây, để điều trị rối loạn chức năng sàn chậu, các bác sĩ thường sử dụng vòng nâng nếu bị sa tạng chậu, són tiểu hoặc phẫu thuật khi các phương pháp điều trị nội khoa hay điều trị bảo tồn không mang lại kết quả.
“Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân lo ngại khi phải phẫu thuật nên thường né tránh và thường chỉ đến viện khi tình trạng bệnh ở mức độ nặng hay có biến chứng.
Tuỳ vào mức độ bệnh sẽ có phương pháp điều trị phù hợp. Ở giai đoạn nhẹ (độ I,II), bệnh nhân được điều trị nội khoa bằng tập phục hồi chức năng.
Tuy nhiên tình trạng cải thiện sẽ chậm. Khi tiến triển giai đoạn nặng (độ III, IV) thì phương pháp điều trị duy nhất là phải thực hiện phẫu thuật”, bác sĩ Hiệp nói.
Hiện nay, phương pháp phẫu thuật nội soi điều trị các rối loạn chức năng sàn chậu đã mang lại kết quả tốt, giúp cho rất nhiều phụ nữ tự tin hơn trong cuộc sống.
“Phương pháp phẫu thuật nội soi điều trị rối loạn chức năng sàn chậu tương đối khó và phức tạp do vị trí giải phẫu vùng sàn chậu có nhiều cơ quan, mạch máu lớn.
Phẫu thuật viên phải giàu kinh nghiệm, trình độ cao để kiểm soát các tai biến như chảy máu, thủng ruột, tổn thương bàng quang, niệu quản…
Phẫu thuật nội soi mang lại hiệu quả tốt nhất vì khắc phục được các nhược điểm của mổ mở, tỉ lệ tái phát thấp, bảo tồn được tử cung, ít đau, phục hồi nhanh sau phẫu thuật, tính thẩm mỹ cao”, bác sĩ Hiệp chia sẻ thêm.
Bác sĩ Hiệp cũng khuyến cáo, khi có gặp các trở ngại ro bị rối loạn chức năng sàn chậu, chị em không nên ngại ngần mà né tránh thăm khám và điều trị.
Việc thăm khám và điều trị sớm sẽ giúp chị em nhanh chóng khỏi bệnh, tránh những biến chứng đáng tiếc và quan trọng là tìm lại sự tự tin, hạnh phúc trong cuộc sống.