Thực sự có “sâu mắt” hay không?
Chị Ánh Tuyết (Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) chia sẻ, thời gian gần đây chị hay cảm thấy ngứa, cộm mắt, nhiều khi phải dùng tay dụi mắt. Vì thế, xem một clip ở spa quảng cáo dịch vụ “bắt sâu”, giúp lấy hết bụi bẩn trong mắt, khiến mắt hết ngứa, tinh anh hơn, chị rất ham.
“Nhìn bát nước với những sợi đen vởn đục lấy ra, tôi rùng mình, không nghĩ mắt mình bẩn thế. Nhưng khi về nhà, mắt tôi khó chịu hơn, chảy nước mắt liên tục, đi khám bác sĩ phải kê kháng sinh vì viêm giác mạc”, chị Tuyết nói.
Xem clip trên tiktok quảng cáo bắt “sâu mắt”, BS Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương khẳng định là sản phẩm đồ họa, dựng hình có AI và kỹ thuật 3D hỗ trợ nên rất giống thao tác trên bệnh nhân. “Nếu có kiến thức về y học hay là bác sĩ mắt, bạn sẽ thấy hoàn toàn vô lý, phi khoa học, không có trong thực tế”, BS Cương nói.
BS Cương cũng cho biết, ông nhận được nhiều câu hỏi của người quen về dịch vụ này của các spa. Các spa quảng cáo chữa ngứa mắt, cộm mắt lâu ngày do sán ký sinh, bụi bẩn tích tụ lâu ngày, xác chết vi khuẩn tích tụ trong mắt… bằng cách “bắt sâu”.
Theo chuyên gia này, trong y học, không có khái niệm “sâu mắt”, không có bất cứ dịch vụ kỹ thuật nào để bắt “sâu mắt”.
“Trong y học, có các kỹ thuật nặn tuyến sụn mi để giải phóng cặn bã, bã nhờn. Với sạn vôi hoặc nang ký sinh trùng có thể dùng kim nhể hoặc gắp ra, nhưng không có chuyện nạo như… gọt mướp”, BS Cương nói.
Trên thực tế, rất nhiều người bị hiện tượng ngứa mắt, khô mắt. Nguyên nhân do các đầu mụn li ti như tấm nổi lên bờ mi nhiều, chất bã ở lỗ tuyến đông vón làm tắc ống tuyến gây viêm, ngứa.
“Nếu đi khám, bạn sẽ thấy bác sĩ nhãn khoa ngoài yêu cầu dùng thuốc, thì còn dặn bệnh nhân sử dụng băng gạc sạch để chườm ấm, rồi mát-xa tuyến, có tác dụng làm chất bã ở bờ mi bong ra, làm sạch mắt sẽ giảm hiện tượng này”, BS Cương thông tin.
Các video dựng hình các tác động mạnh trên mắt, nạo sồn sột, gắp giun ra khỏi mắt… đều là phi thực tế, mập mờ làm người tiêu dùng dễ móc hầu bao chi trả cho những dịch vụ tưởng tượng.
Sâu mắt là thủ thuật đánh lừa
Cùng quan điểm này, BS Đỗ Minh Đức, khoa Khúc xạ, BV Mắt Hitec cho biết, trong y khoa không có khái niệm bắt “sâu mắt”.
Theo BS này, dung dịch, loại thuốc các spa đang dùng để bắt sâu mắt thực ra là tinh dầu của một số loại lá cây như lá trầu không, lá tía tô, hạt mùi kèm theo chất phụ gia tạo mùi khác không rõ nguồn gốc.
“Khi nhỏ vào mắt kích thích mắt tiết ra lớp sợi tơ huyết, kết dính với các chất phụ gia, sắc tố của lá cây tạo ra hình ảnh con “sâu mắt” mà các spa quảng cáo”, BS Đức nói.
Nhiều người hớn hở chi 200 nghìn bắt ra cả bát sâu, nhưng không lường được những rủi ro nghiêm trọng có thể xảy ra.
“Bình thường giác mạc có màng phim nước mắt, khi nhỏ thuốc gây phá vỡ màng phim, từ đó gây viêm giác mạc, khô mắt, thậm chí trầy xước gây viêm loét giác mặc, điều trị nan giải, thậm chí để lại sẹo giác mạc vĩnh viễn”, BS Đức thông tin.
BS Hoàng Cương cũng khẳng định, việc tác động vào vùng giác mạc thô bạo gây nguy cơ nhiễm trùng, sẹo giác mạc là rất lớn.
Vì thế, khi thấy ngứa mắt, khô mắt, việc cần làm là rửa mặt, tẩy trang kỹ vùng mắt, chườm ấm, sử dụng nước muối sinh lý nhỏ mắt.
Trong trường hợp không thấy hiệu quả, cần đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt. Có những bệnh nhân có sạn vôi kết mạc sẽ được loại bỏ bằng kim, pince hoặc dung dịch EDTA lắng đọng nhiều canxi trên bề mặt kết mạc.
Massage và chườm ấm tuyến sụn mi để các lỗ tuyến mở rộng hơn, đào thải các mỡ xấu trong lòng tuyến ra ngoài.
“Các tác động trên mắt, kể cả làm đẹp hay mat-xa, đều nên có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa”, BS Cương cảnh báo.