Quan niệm dân gian về cô hồn, quỷ đói, tại sao phải cúng cô hồn?
Theo Master Phùng Phương, vong hồn không nơi nương tựa, không người thờ tự cúng bái thì dân gian gọi là ma quỷ, quỷ đói. Cũng theo quan niệm dân gian, dịp Rằm tháng 7 Âm lịch khi mở cửa quỷ môn quan cô hồn xá tội được thả tự do – thì cho đó là những vong ác nên bị giam cầm – vì thế người dân có tâm lý sợ hãi và làm lễ cúng cô hồn để họ không làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người trần.
Cả đạo Phật và đạo giáo đều nhắc tới khoảng thời gian mở cửa Quỷ môn quan – nhưng theo đạo Phật thì đó là quan điểm hướng thiện, là tha thứ, buông bỏ.
Theo đạo Giáo thì cho là tháng 7 cửa Quỷ môn quan mở ra cho những vong hồn có oan khuất, có việc chưa giải quyết xong ở cõi trần trở về giúp người thân hoàn thành nốt tâm nguyện dang dở của họ.
Dân gian hay dùng các từ ma cô, quỷ đói, vong hồn… nhưng quan điểm của Master Phùng Phương cho rằng khi ta gặp xui được qua khỏi thì nói “được quý nhân phù trợ”.
Quý nhân ở đây theo tâm linh là những vong linh mất – hay nói cách khác đó cũng là ma ở cõi âm phù trợ – còn ma cô, quỷ đói mà phá thì gọi là ma quỷ… chỉ khác thế thôi.
Việc cúng cô hồn khiến vong ác thay đổi để tiêu bớt hung họa. Cô hồn là những người chết không có người thân nhận dạng, trở thành những vong hồn cô đơn, vất vưởng, mộ không tên, miếu cô hồn, không ai cũng bái, nương tựa.
Cô hồn có hại người hay không chúng ta không khẳng định được vì đây chỉ là quan niệm dân gian. Nhưng con người mà hành xử và mang tâm xấu, không làm việc thiện, hoặc mưu mô toan tính hại người… thì gieo nhân nào sẽ gặt quả đó – đây là quy luật nhân quả không chỉ trong tháng 7 âm lịch mà cả những tháng khác trong năm…
Rằm tháng 7 cúng cô hồn dưới đất hay trên bàn, cúng chay hay mặn?
Nếu người dân muốn làm lễ cúng cô hồn, thì trong tất cả mọi việc cúng bái, cúng chay luôn được khuyến khích.
Nhưng cúng thần linh bản địa thì nên cúng đồ mặn.
Việc đặt mâm cúng cô hồn ở dưới đất hay trên bàn nhiều người không biết. Theo Đạo Giáo và Đạo Phật thì ngạ quỷ yếu ớt, tay chân không đầy đủ, nên đặt mâm cúng trên bàn khiến họ khó thụ hưởng hơn. Cho nên cúng cô hồn người ta thường trải bạt, để đồ vật cúng vào đó, giúp những cô hồn, ngạ quỷ khó khăn trong hoạt động cũng dễ dàng thụ hưởng.
Gần chùa có nên cúng cô hồn không?
Ở chùa có nhiều vong hơn, có cả nhà vong và các vong linh nghe tụng kinh, niệm Phật hàng ngày sẽ có nhiều chuyển hóa về mặt tâm linh. Các cụ xưa quan niệm những cây lưu niên lớn như cây đa, cây gạo… trồng trên chùa thường có nhiều vong linh trú ngụ. Vì vậy theo quan niệm dân gian nhà ở gần chùa càng cần cúng cô hồn. Lễ vật cũng nên sắp đầy đủ hơn.
Đồ cúng cô hồn có được ăn không, hay phải cho người khác?
Đồ cúng cô hồn ai ăn cũng được – Master Phùng Phương cho biết: “Tôi chưa thấy thầy nào của tôi nói kiêng kị, kể cả sư phụ phong thủy, những người trong tâm linh – nói người dân phải kiêng đồ cúng thí thực.
Nếu người trong nhà không muốn ăn thì có thể bố thí đồ cúng vong đó cho người kém may mắn, người qua đường lấy đi…”.
Nhưng thầy cúng và người chủ lễ (lên hương) thì không nên ăn mà hãy chia cho người khác.
Chưa cúng cô hồn xong đã bị giật đồ cúng có sao không?
“Hồi nhỏ nghe bố mẹ tôi nói chưa thắp hương đã ăn… là “phải tội” – lúc đó tôi không hiểu “phải tội” là gì. Lớn lên mới hiểu đó là bố mẹ dọa để con cái khỏi ăn vụng đồ cúng. Tội – là gì, cho là mạo phạm với sự thành kính với người đang lễ”.
Thực ra khi lên hương rồi thì các vong linh không ăn uống trực tiếp được qua đường miệng, mà chỉ dùng hương để đồ cúng theo khói hương cho các vong linh hưởng.
Master Phùng Phương cũng cho biết, nếu gia chủ chưa cúng xong mà người khác đã giật đồ của các cô hồn, chưa cúng xong, bày lễ lên đã ăn vụng – theo dân gian là “phải tội” gì, gánh hậu quả gì thì không rõ. Do đó ở nơi có tục giật đồ cúng thì gia chủ không nên cúng đồ cúng có giá trị cho cô hồn bên ngoài – vì gián tiếp làm người khác giật đồ.
Đồ ăn kiêng gì?
Các thầy cúng thì kiêng cá chép, ba ba, rùa rắn, chó mèo, trâu vịt… trước khi vào lễ cúng.
Người dân cũng chỉ cần kiêng cá chép, ba ba, rùa rắn, chó mèo, trâu… và các loại rượu ngâm động vật (như cao động vật) thì cũng không nên dùng trước khi vào cúng lễ này.
Rằm tháng 7 cúng cô hồn thắp mấy nén hương, mấy ngọn nến, cúng buổi nào?
Cúng cô hồn dùng 3-5 nén hương.
Không nên thắp đèn, mà chỉ cần thắp 2 ngọn nến trong mâm cúng cô hồn.
Thời gian cúng cô hồn sớm nhất cũng phải từ 14 giờ, chậm nhất là 19 giờ (lúc chập choạng là tốt nhất), khi đó các cô hồn sẽ thụ hưởng được.
Tuy không phải là đại kị, nhưng đạo Phật có quan điểm nếu cúng quá tối muộn thì cô hồn không ăn được.
Không nên cúng cô hồn buổi sáng, hay lúc 12 giờ trưa, cũng không có lễ nào cúng qua 12 giờ trưa.
Xây nhà không có chỗ cúng Rằm tháng 7 âm thì có thể mang đồ mã ra mộ cúng được không?
Nếu phần mộ gia đình thì có thể làm 1 lễ và cúng cũng được.
Nhưng theo tôi gia chủ nên cho thợ xây dừng việc 1-2 giờ, bày biện lễ và lên hương cúng Rằm đơn giản trong khu đất nhà mình.
Riêng cúng thí thực cô hồn bên ngoài là được, không nhất thiết phải mang lên tận mộ ông bà để cúng.
Không dùng hương mà chỉ dùng nến thắp mâm cúng cô hồn dịp Rằm tháng 7 âm được không?
Hương và nến là 2 vật phẩm có ý nghĩa khác nhau. Nến không giúp vong linh thụ hưởng được đồ cúng – mà phải lên hương thì vong linh mới được thụ hưởng phần lễ.
Quan trọng là thắp 3 nén hương trong mâm lễ. Có thể cắm hương xung quanh cũng không sao.
Tóm lại là những kiêng kị trong dân gian nhiều thứ không có cơ sở, tới ngày nay có cái còn phù hợp, có cái không còn phù hợp. Ai tin thì theo cho tâm an, miễn không ảnh hưởng quá nhiều tới tài chính, thuần phong, mỹ tục cuộc sống… Nếu ảnh hưởng thì nên xem xét lại.
Ví dụ kiêng sửa nhà, động thổ tháng 7 giờ không đúng, bởi chọn thời điểm tốt, hợp với gia chủ thì vẫn làm được. Hay thuê nhà hết hợp đồng vào tháng 7 âm lịch thì nhất định phải chuyển đi chứ không thể nấn ná ở lại cả tháng 7 âm lịch cũng không đúng. Theo phong thủy, quan trọng là chọn ngày tốt, giờ lành để làm.
Người dân nên có minh định, gạn đục khơi trong. Đã là niềm tin, tín ngưỡng thì cứ cho có là có, nhưng cần chọn lựa phù hợp với bản thân, gia đình… và hướng tới nhân sinh quan đúng.