Lao động lo ngại bị “siết” rút BHXH 1 lần
Là mẹ đơn thân, chị Nguyễn Thị Nhâm (41 tuổi) Công nhân Công ty Canon (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội) phải gửi 2 con ở quê (Hải Dương) cho ông bà nội trông để lên Hà Nội làm công nhân.
Chị Nhâm cho biết thời gian này công ty khó khăn, tiền lương tuy không giảm nhưng đơn hàng không nhiều nên thu nhập không cao chỉ tầm hơn 6 triệu/tháng.
“Tôi cũng mới nghe tới thông tin về việc sửa đổi luật BHXH. Khả năng tới đây sẽ khó rút BHXH 1 lần hoặc được rút BHXH thì rút rất ít vì thế tôi cũng tính, tới đây nếu hết hạn hợp đồng tôi sẽ rút BHXH 1 lần lấy 1 khoản tiền về quê làm ăn vì bố mẹ tôi đang giục tôi về quê trông các con rồi”, chị Nhâm nói.
Chia sẻ thêm với PV Báo Dân Việt, chị Nhâm cho biết nếu được cắm sổ BHXH để vay vốn thì chị sẽ cắm sổ vay vốn làm ăn. Tuy nhiên, số tiền vay phải được 40-50 triệu đồng thì mới đủ tiền để đầu tư làm ăn, ít quá không thấm vào đâu. Mong muốn là vậy, nhưng bản thân chị không biết liệu có được không.
Theo tính toán, chị Nhâm đã đi làm ở 2 công ty, đóng BHXH được 12 năm. Luật BHXH quy định số tiền lao động hưởng khi rút BHXH 1 lần dựa trên số năm tham gia BHXH. Theo đó mỗi năm đóng BHXH lao động được tính 2 tháng tiền lương cơ bản. Tiền lương cơ bản của chị Nhâm dao động trong khoảng 5- 6 triệu đồng/tháng. Như vậy, nếu rút bảo hiểm xã hội 1 lần chị có thể được nhận từ 120-150 triệu đồng.
“Đây là số tiền không hề nhỏ với tôi. Theo tính toán của tôi số tiền này có thể đủ để mở quán kinh doanh buôn bán nhỏ, hoặc cũng có thể bỏ vào sổ tiết kiệm cùng với số tiền tích lũy được lấy lãi. Tính ra có khi còn lời hơn cả việc chờ tới già để hưởng lương hưu”, chị Nhâm kể.
Chị Nhâm cũng cho biết thêm, vì nghe nói Dự thảo Luật BHXH sắp tới sẽ “siết” lại việc rút BHXH 1 lần nên nhiều lao động là bạn chị cũng đang cân nhắc khả năng sẽ nghỉ việc rút BHXH 1 lần trước khi quá muộn.
“Tôi ủng hộ việc không cho rút BHXH 1 lần. Đúng ra chúng ta phải làm điều này từ lâu rồi, giờ mới làm là hơi muộn. Cơ quan soạn thảo cần truyền thông kỹ để người dân, lao động đồng thuận”.
Ông Nguyễn Minh Huân – Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH
Luật sư Vũ Ngọc Hà, Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật công đoàn (Liên đoàn lao động Đồng Nai), cho biết khi dự thảo Luật BHXH sửa đổi lấy ý kiến cũng là lúc trung tâm nhận nhiều cuộc gọi hỏi về rút BHXH 1 lần. Số lượng công nhân thắc mắc về BHXH một lần giai đoạn này chiếm hơn 50% tổng số cuộc gọi mà đơn vị nhận được.
“Có tình trạng công nhân chủ động nghỉ việc để rút BHXH một lần là muốn hưởng chạy luật.”, luật sư Hà nhận định. Khi tiếp nhận cuộc gọi, nhân viên trung tâm đều tìm hiểu hoàn cảnh lao động, hướng đến lương hưu hoặc giới thiệu những nơi có thể vay vốn lãi suất thấp nếu cần tiền. Tuy vậy, lao động không quan tâm. Nhiều người có thâm niên từ 10 năm trở lên, lương cơ bản rất cao, lên đến vị trí quản lý vẫn muốn nghỉ để rút BHXH 1 lần. Theo tính toán có lao động có thể nhận được 150-200 triệu đồng tiền rút BHXH 1 lần.
2 phương án rút BHXH 1 lần gây tranh cãi
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội đang được lấy ý kiến đã đưa ra hai phương án rút BHXH một lần. Phương án một, chỉ nhóm tham gia trước khi luật có hiệu lực (trước 1/1/2025) mới được rút. Nhóm đóng sau thời điểm này không được rút, trừ người đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư; mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Phương án hai, không phân biệt thời gian đóng, tất cả lao động đóng dưới 20 năm, sau một năm không tham gia hệ thống đều được rút nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí, tử tuất. Số năm còn lại được bảo lưu hưởng chế độ. Phương án này không giới hạn số lần lao động được rút.
Ông Đào Ngọc Dung – Bộ Trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, hiện 72% số người rút BHXH 1 lần nằm ở khu vực phía Nam. Điều tra ban đầu cho thấy đa phần lao động rút vì hoàn cảnh khó khăn. Bởi vậy, để cân bằng giữa thực tiễn và tính nhân văn trong chính sách cũng như mục tiêu trong Nghị quyết của Quốc hội và đảm bảo nền an sinh, ban soạn thảo nghiêng về thực hiện theo phương án 2.
“Tuy vậy, đây cũng chỉ là phương án trước mắt, chưa phải phương án trọn vẹn nhất. Chúng tôi cũng đã tính toán phương án khác kèm theo. Ví dụ giải pháp về tín dụng, chúng tôi đã làm việc với ngành ngân hàng rồi nhưng vẫn chưa đi đến tận cùng vấn đề được, cần tiếp tục nghiên cứu”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.