VỀ SỰ HÀO PHÓNG CỦA NGUYỄN ÁNH

(Góc sáng của ngài Nguyễn Ánh)

Tháng 05 năm Kỷ Dậu (1789) Xiêm La bị hạn và đói, xin đong gạo ở nước ta. Vua ra lệnh cho hơn 8.800 phương gạo, bằng 200 xe của Xiêm (oxcarts).

ĐNTL chép là Xiêm La qua xin gạo, nhưng thực tế thì đây là yêu cầu chính thức của một thượng sư (Vì giai đoạn này Gia Định vẫn là chư hầu của Xiêm theo quy chế cây vàng cây bạc).

Trong mùa hạ cùng năm Kỷ Dậu: “Nguyễn Ánh sai cai cơ Nguyễn Đình Đắc đi dò tình hình Bắc Hà, vua nghe tin người Thanh đem quân Lưỡng Quảng vì nhà Lê mà đánh giặc Tây Sơn, bèn sai sứ thần là bọn Phan Văn Trọng và Lâm Đề mang thư sang Thanh và đem 50 vạn cân gạo giúp lương cho quân. Gặp bão đắm cả ở biển lâu không nghe tin tức”

Sử Nguyễn chép về tình trạng dân Gia Định thì cứ đôi khi giàu, đôi khi đói do giặc Tây Sơn cướp phá, tuy nhiên lọc sự kiện, ta thấy tình trạng dân chúng miền Nam trong rất gần năm Nguyễn Ánh cống gạo sang cho cả Xiêm và Thanh thì vốn rất khó khăn:

“Năm ấy (1790) gạo cao dân đói, tha nửa số thóc thị nạp (Thị nạp: Số thóc cho nhà nước nhờ cậy vào dân nộp để nuôi quân) cho dân bốn dinh, lại phát thóc gạo bán và cho vay. (Hai dinh Trấn Định và Vĩnh Trấn mỗi dinh bán cho dân 5.500 hộc thóc, đạo Long Xuyên cho vay 500 hộc thóc phủ Ba Xắc bán 300 phương gạo). Duy ở Phú Quốc đói lắm, phát chẩn cho 500 hộc thóc.”

Đối với Xiêm và Thanh thì hào phóng tặng đến 200 xe lương, 50 vạn cân gạo, còn dân trong nước lúc bấy giờ thì “tha một nửa thóc nuôi quân” (Mất mùa thì còn thóc đâu mà đưa) rồi “bán gạo”, “cho vay” gạo, may được Phú Quốc đói lắm mới được phát chẩn.

Việc khó khăn cùng cực của dân Gia Định dưới thời Nguyễn Ánh được ghi nhận lại từ chính cả những tay giáo sĩ phe Nguyễn Ánh và thậm chí cả ….Nguyễn Ánh:

“… Ông ta (Nguyễn Ánh) bắt dân đóng thuế và làm phu dịch nặng nề, và lúc này, dân chúng bị nạn đói đe dọa nên họ có vẻ mong quân Tây Sơn đến. Trong tình trạng hiện thời, nếu chúng (Tây Sơn) quả quyết đến tấn công, thì nhà vua khó có thể đương đầu lại được…” – Thư gửi cho M. Létondal ngày 14/9/1791

“Hai năm vừa qua, mọi người đều phải đi làm việc công ích, và [người ta] không bận tâm với bất kì điều gì khác ngoài việc tìm cách để sống sót, đau khổ đã trở nên đến cực điểm”

ĐNTL: Nguyễn Ánh nhỡ mồm : “Đạo trị nước, trước hết phải cho đủ ăn. Nếu thóc nhiều của thừa thì việc gì chẳng nên ? Bốn dinh Gia Định đất đai rất rộng. Trước kia việc quân chưa xong, đói kém xảy ra luôn, đến nỗi ruộng vườn bỏ hoang, dân chưa ra sức việc nông, của nước lương quân còn chưa đầy đủ …

Thực ra để suy luận tới việc này vốn chẳng có gì khó, ngay cả khu vực Thanh – Nghệ, Bắc Hà bấy giờ Nguyễn Huệ cho người xây dựng kinh đô Nghệ An tàng tàng 4 năm chưa xong mà các tay giáo sĩ còn bảo rằng dân chịu không nổi thì thử hỏi việc xây cái thành Phiên An, liên tục xây các đồn điền, cứ điểm, trồng mía, làm đường để đi bán đổi vũ khí, rồi vét quân choảng nhau liên tục với tình trạng dân đinh Gia Định lúc ấy thì dân tình nó phải cơ cực đến cỡ nào?

Nhưng dẫu sao, ta vẫn phải khen rằng, ngài Gia Long là một con người rất hào sảng, hết tình vì gia tộc, sảng khoái với nước ngoài. Đấy quả là điều đáng quý.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *