Trước đây, khái niệm “bỏ phố về quê” chỉ dành cho người nghỉ hưu, muốn tận hưởng cuộc sống an nhàn, phát triển dự án khởi nghiệp nông thôn… Đến vài năm trở lại đây, rời phố đã trở thành xu hướng của lớp nhân sự trẻ.
Đặc biệt, kể từ sau đại dịch Covid-19, đối diện với áp lực đào thải, thách thức mất việc, lối sống này như một hướng mới mở ra với lực lượng lao động trẻ, bất chấp cơ hội, mức lương ở thành phố cao hơn hẳn.
Nhân sự trẻ từ chối thu nhập cao
Chị Trần Tường Vy (28 tuổi, biên – phiên dịch tiếng Trung tại Lâm Đồng) kể, trước đây chị từng làm việc cho một công ty nước ngoài với mức thu nhập lên đến 2000 USD/tháng. Tất nhiên, người sử dụng lao động đòi hỏi nhân sự dốc công sức một cách tương xứng.
Dù danh nghĩa là làm việc giờ hành chính 8 tiếng/ngày nhưng thường nhất, Vy đều phải tăng ca, nếu không ngồi làm ở văn phòng thì cũng mang việc về nhà làm đến 1-2h sáng… Áp lực lớn khiến Vy mắc hội chứng burn-out (căng thẳng kéo dài), rụng tóc và khóc lóc không kiểm soát. Cô gái nhanh chóng phải tìm đến bác sĩ tâm lý để điều trị.
“Tôi đã không còn thời gian và tâm trí gặp gỡ bạn bè, thường xuyên bỏ bữa, thiếu ngủ triền miên, nhận áp lực từ công việc và cấp trên rất nhiều… Cuối cùng, tôi quyết định bỏ tất cả, trở về quê để cân bằng lại cuộc sống”, Vy nói.
Cũng vừa nghỉ việc tại TPHCM và về quê vào đầu năm 2023, chị Uyển Hồng (26 tuổi) chia sẻ, chị sở hữu mức lương 15 triệu/tháng, tuy nhiên vì chi phí sinh hoạt, thuê nhà, ăn uống ở thành phố quá đắt đỏ nên gần như chị không có khoản tiết kiệm nào.
“Về quê, không tốn tiền thuê nhà, ăn uống cũng rẻ, lương 5-6 triệu tôi vẫn có dư. Chưa kể đi làm ít áp lực hơn, có thời gian nấu ăn, tập thể dục, gặp gỡ bạn bè và được ở gần chăm sóc bố mẹ”, Hồng nói.
Chị Như Ngôi (26 tuổi, quê ở Ninh Thuận) cũng chọn cách về quê và quay lại làm kế toán cho một công ty gia đình hơn 2 năm nay. Dẫu thu nhập thấp nhưng cuộc sống gần gia đình khiến Ngôi cảm thấy hạnh phúc và khỏe khoắn về mặt tinh thần.
“Tôi nghĩ mình là một người biết sống vừa đủ. Ở thành phố lớn quá xô bồ, môi trường làm việc cạnh tranh khắc nghiệt. Đi làm mỗi ngày tôi đều căng thẳng, về nhà không còn thời gian tâm trạng để chăm chút bản thân, đầu bù tóc rối khiến tự chán ghét bản thân”, Ngôi nói.
Tưởng như mơ nhưng không hề dễ dàng
Một cuộc nghiên cứu tại Trung Quốc vào năm 2023 cho thấy, hầu hết người trẻ trong tình trạng thất nghiệp, đang tìm kiếm việc làm mới thì điều họ nghĩ tới đầu tiên là quay trở về gia đình.
Xu hướng bỏ phố về quê “nuôi cá và trồng thêm rau” xuất hiện ngày càng nhiều khi cuộc sống trở nên áp lực. Khảo sát qua mạng xã hội có hàng loạt các kênh chia sẻ câu chuyện về quê như An Đen, Bếp bên sườn đồi, Út về vườn… thu hút hàng triệu lượt theo dõi.
Tất nhiên, sau tưởng tượng đầy tính lãng mạn đó, để sở hữu cuộc sống phát triển, ổn định ở quê nhà, người lao động trẻ cũng đối diện vô vàn khó khăn.
Tường Vy cho biết, trước khi có công việc biên dịch từ xa với thu nhập 10 triệu/tháng, chị vướng vô vàn khó khăn vì chưa sắp xếp kỹ lưỡng công việc. Một thời gian sau khi về quê, Vy không thể tìm được công việc đúng chuyên môn. Thậm chí, khi thông báo mở lớp dạy tiếng Trung, vì chưa đủ uy tín và tên tuổi nên 6 tháng ròng không có học viên nào đăng ký.
“Bố mẹ thì nóng lòng, họ hàng, láng giềng cũng thường xuyên thăm hỏi, cho rằng tôi là kẻ thất nghiệp, vô dụng. May mắn sức khỏe và gia đình là hai yếu tố quan trọng giúp tôi vực dậy khi gặp khó khăn tài chính, bất an cũng như nghi ngờ về quyết định của bản thân”, Tường Vy nói.
Vì môi trường sống ở thành phố và quê khác nhau từ nhịp sống, cơ hội việc làm, mức lương… nên giới trẻ nếu không chuẩn bị tâm lý và có kế hoạch rõ ràng thì không thể trụ được và buộc phải quay lại thành phố tìm việc.
Như Ngôi cho biết, trước khi về quê, chị đã lường trước mọi thứ như áp lực từ gia đình, thu nhập, thay đổi môi trường sống… để sẵn sàng phương án đối diện.
Như Ngôi đã tham gia phỏng vấn tuyển dụng trước một số vị trí công việc ở quê nhà. Và sau khi nhận được lời mời làm việc cô mới nói chuyện với gia đình và quyết định quay về.