Món ăn độc lạ ở Tây Nguyên: Ẩm thực chứa đựng những tinh hoa của núi rừng
Nói đến ẩm thực Tây Nguyên, du khách sẽ dễ dãng nghĩ ngay những món dân giã với cách chế biến độc đáo đậm chất miền núi, đồng thời đi kèm với các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc.
Khác với những địa phương khác, điểm đặc biệt khiến nhiều du khách tò mò về văn hóa ẩm thực Tây Nguyên là cách chế biến món ăn. Người Tây Nguyên thường sử dụng các vật dụng như ống tre, nứa, bương, vầu, lá chuối, bếp than củi,… để tạo ra món ăn.
Dù các món ăn được biến tấu theo cách nào thì người Tây Nguyên cũng ít có quy định cụ thể, các tỷ lệ chi tiết về nguyên liệu hay thời gian nấu. Thật khó để thể tìm kiếm những tài liệu ghi chép công thức nấu ăn của người Tây Nguyên. Việc chế biến món ăn gần như chỉ dựa vào kinh nghiệm, phong tục truyền thông hay sự chỉ dạy trực tiếp từ gia đình.
Món ăn độc lạ ở Tây Nguyên: Canh thụt
Canh thụt là món ăn rất đặc biệt có nguồn gốc từ người M’Nông. Đây là một trong những đặc sản mang đậm hương vị và thể hiện bản sắc văn hóa của đông bào Tây Nguyên.
Theo người dân ở đây, canh thụt được nấu từ cà đắng, nấm mối và cá trê hoặc lươn. Cách chế biến món canh thụt không cần quá cầu kỳ. Cá trê làm sạch ruột, ướp muối cùng hạt cà ri. Người ta dùng thanh tre xiên vào giữa cá và đem nướng trên bếp than. Khi cá trê dậy mùi thơm và chín thì được róc bỏ xương, lấy phần thịt.
Người M’Nông không nấu canh thụt trên nồi mà thay vào đó là bằng chiếc ống lồ ô dài khoảng 50cm cho thêm một ít nước và đặt lên bếp lửa. Nước sôi cho cà đắng vào ống và tiếp tục nấu khoảng 5 phút thì cho thêm nấm mối. Khi cà và nấm chín thì cho cá vào rồi thêm gia vị để món canh thụt thêm đậm đà.
Sau khi nấu chín trên bếp, họ dùng một thanh tre thụt vào ống lồ ô liên tục cho đến khi các nguyên liệu nát nhuyễn và hòa trộn vào nhau. Bởi vậy cái tên canh thụt ra đời.
Món ăn độc lạ ở Tây Nguyên: Phở khô
Phở được xem là món ăn truyền thống và nổi tiếng của người Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều người nhắc đến phở sẽ nghĩ ngay bát phở thơm dậy mùi nước phở, thịt bò và hành lá, thế nhưng với phở khô Tây Nguyên thì cách chế biến và ăn rất độc đáo.
Phở khô Tây Nguyên hay còn được gọi là phở hai tô bởi phần sợi phở cùng các loại thức ăn kèm sẽ được sắp riêng và kèm một tô nước riêng. Đây là món ăn lạ miệng nổi tiếng của người Gia Lai. Du khách sẽ thưởng thức phở riêng rồi mới húp nước lèo, ăn kèm rau sống các loại và tương ớt hoặc tương đen tùy ý mỗi người.
Món ăn độc lạ ở Tây Nguyên: Gỏi lá
Đến Tây Nguyên mà chưa thưởng thức món gỏi lá của người Kon Tum thì sẽ là một thiếu sót lớn. Với một nơi núi rừng kỳ vĩ như Tây Nguyên thì các loại cây rừng được tận dụng cho nhiều mục đích khác nhau, nhất là trong nấu ăn.
Món gỏi lá của người Kon Tum được ví như tinh hoa ẩm thực Tây Nguyên. Đây không chỉ đơn giản là một món ăn mà còn là tác phẩm nghệ thuật được tạo nên bởi những con người chân chất, mộc mạc của núi rừng Tây Nguyên.
Gỏi lá là sự kết hợp của hơn 40 loại lá rừng khác nhau ăn kèm với thịt lợn được nuôi thả rông, tôm đất rang muối cùng bì lợn và các gia vị riêng của người miền núi. Khi ăn miếng gỏi lá này, du khách sẽ cảm nhận được từng vị như mùi thơm, bùi, hăng của 40 loại rau rừng cùng với vị ngọt, tươi đến mềm môi của thịt lợn và tôm đất, cùng vị ngầy ngậy của bì lợn tất cả hòa trộn tạo nên món gỏi lá có một không hai.
Rất nhiều du khách đã ngỡ ngàng khi biết, có những loại lá hiếm, phải vào tận sâu trong rừng mới tìm thấy như mật gấu, từ đại bi, lá bứa, xầm xương, me rừng, chòi mòi… Bên cạnh đó cũng là những loại lá quen thuộc với cả người vùng đồng bằng như tía tô, bạc hà, đinh lăng, diếp cá, hành lá, rau má, kinh giới, lá sung… tạo nên món gỏi lá này.
Món ăn đặc sản Tây Nguyên này có thể thưởng thức quanh năm nhưng vào mùa mưa hay mùa khô lại có sự khác biệt về số lượng lá. Việc hái lá không đơn giản, bởi người dân phải băng vào rừng, đôi khi sẽ gặp rắn rết, trơn trượt và phải có kinh nghiệm không hái phải những cây lá độc… ảnh hưởng tới sức khỏe thực khách.
Điều thú vị hơn với du khách đó là ăn gỏi lá cũng phải đúng kiểu, tức là du khách phải gói đúng trình tự, lá to gói bên ngoài, cuộn thành hình phễu rồi cho các nguyên liệu khác vào bên trong. Thực khách chấm vào bát nước chấm màu vàng ươm, sền sệt khiến du khách ăn một lại muốn ăn hai.
Món ăn độc lạ ở Tây Nguyên: Gà nướng sa lửa Bản Đôn
Gà nướng thì ở đâu cũng có nhưng có thể nói ngon và nổi tiếng nhất thì phải kể đến đó là món gà nướng sa lửa ở Bản Đôn. Gà được người dân nuôi 100% từ nguồn thức ăn tự nhiên theo hình thức nuôi thả nên rất chắc thịt, tẩm ướp gia vị theo kinh nghiệm của người dân địa phương. Gà được nướng chín vàng hòa quyện với hương thơm của lá chanh, tiêu và một số hương vị đặc biệt của người đồng bào Tây Nguyên, khiến du khách chỉ cần cắn một miếng đã cảm thấy vị thơm của miếng da vàng ruộm, vị ngậy, ngọt của thịt gà săn chắc.
Món ăn độc lạ ở Tây Nguyên: Sâu muồng
Ở Tây Nguyên một trong những món ăn không chỉ độc đáo mà còn gây hoảng hốt cho du khách khi lần đầu nhìn đồng bào dân tộc chế biến hay đi lấy nguyên liệu đó về nấu. Nguyên liệu này khiến nhiều du khách hoảng hốt, đó chính là sâu muồng.
Theo người dân nơi đây, sâu muồng sống ở cây muồng và mọc khá nhiều ở các rẫy cà phê, tiêu và khu vực hai bên đường vùng đất đỏ bazan. Vào mùa mưa, sâu muồng sinh sôi nảy nở rất nhiều và đây cũng là mùa người dân Tây Nguyên đi bắt sâu muồng.
Sâu muồng được ví như “tôm rừng” của Tây Nguyên, có màu xanh lá cây. Sau khi bắt về, người dân bỏ thêm lá cho sâu ăn và chờ nửa ngày để tiến hóa thành nhộng sâu muồng. Con nhộng được đem rửa sạch, rang trên chảo nóng già. Họ bỏ thêm hành tỏi cho thơm và có thể thêm ớt, lá chanh thái nhỏ để món ăn thêm dậy mùi. Món sâu muồng ăn có vị béo ngậy, lạ lạ.
Có thể nói, sâu muồng là một món đặc sản hấp dẫn trong nét văn hóa ẩm thực của người Tây Nguyên.
Món ăn độc lạ ở Tây Nguyên: Ve sầu
Một trong những món ẩm thực nữa, rất độc đáo, lạ miệng nhưng cũng gây sợ hãi cho nhiều du khách khi đến Tây Nguyên, đó chính là món ẩm thực ve sầu.
Nếu du khách cảm thấy bực bội với tiếng ve kêu ran những ngày hè oi bức thì tại Tây Nguyên, đây lại là một đặc sản hấp dẫn. Khi ấu trùng ve bắt đầu có hiện tượng lột xác để phát triển thành con trưởng thành thì sẽ là lúc được người dân bắt về làm thức ăn.
Ve bỏ hết cánh, chân và làm sạch ruột rồi nhét hạt lạc vào trong bụng. Chiên sơ trên chảo rồi đảo nhanh và nêm gia vị vừa ăn. Sau khi thấy ve chuyển sang màu vàng ruộm thì cho ra đĩa. Vị béo ngậy hoà quyện với vị bùi bùi từ hạt lạc khiến bất kỳ du khách nào thưởng thức cũng phải nhớ mãi không quên.