cu-dan-lo-lang-so-phan-can-ho,-nham-nho-nhung-vet-nut-truoc-ngay-xet-xu-ong-le-thanh-than

Cư dân lo lắng số phận căn hộ, nham nhở những vết nứt trước ngày xét xử ông Lê Thanh Thản

“Tôi phải tạm trú trong chính căn nhà của mình”

Vào tháng 5/2012, vợ chồng chị Lê Thị Dung (37 tuổi, trú tại tầng 11 tòa CT6C) dồn hết tiền tiết kiệm, vay mượn khắp nơi, gom cho đủ hơn 1 tỉ đồng để mua căn hộ rộng gần 63m2 tại dự án CT6 Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội, của ông Lê Thanh Thản. Sau bao năm vất vả tích cóp, ước mơ có được một căn nhà tại thủ đô của gia đình chị Dung dần thành hiện thực.

Cư dân lo lắng số phận căn hộ, nham nhở những vết nứt trước ngày xét xử

Căn hộ của gia đình chị Dung nhảm nhở những vết nứt toác. Ảnh: Gia Khiêm

Theo chị Dung, thời điểm đó, hai vợ chồng trẻ có số tiền tiết kiệm không nhiều. Chịu cảnh ở thuê khổ sở nên vay mượn người thân, bạn bè khoảng 80% để “liều” mua được nhà Hà Nội. Khi ấy, giá nhà ở đây rẻ hơn một chút so với khu vực nên với anh chị cũng như nhiều người thì đây là cả cơ hội.

“Mặc dù không được tiếp cận hồ sơ pháp lý, nhưng chúng tôi hoàn toàn tin tưởng lời quảng cáo từ chủ đầu tư. Họ cam kết căn hộ của mình đầy đủ giá trị pháp lý. Chúng tôi tin vào sự quản lý từ cơ quan chức năng sẽ không thể có sai phạm. Sau khi hoàn thiện thủ tục sẽ cấp sổ hồng cho người dân”, chị Dung kể lại.

Cư dân lo lắng số phận căn hộ, nham nhở những vết nứt trước ngày xét xử “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản. Clip: Gia Khiêm

Nhận bàn giao căn hộ, chị Dung đinh ninh vài tháng sau sẽ được cấp “sổ đỏ”, thế nhưng chờ mãi vẫn không thấy chủ đầu tư thông báo hoặc hướng dẫn thủ tục gì. Năm 2014, vì quá sốt ruột, chị Dung cùng nhiều cư dân sinh sống tại toà nhà chủ động mang hồ sơ lên Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội. Đến hẹn trả hồ sơ, văn phòng thông báo căn hộ của gia đình chị không thể cấp sổ vì xây dựng sai quy hoạch. Lúc này, vợ chồng chị mới biết sự thật, vô cùng suy sụp.

Đằng đẵng 11 năm, dù phải bỏ ra cả tỉ đồng nhưng gia đình chị Dung vẫn phải sống trong cảnh “nhà không sổ”. Vợ chồng luôn trong tâm trạng lo lắng, bất an, bởi số phận khối tài sản lớn nhất của gia đình không biết sẽ bị định đoạt ra sao.

Cư dân lo lắng số phận căn hộ, nham nhở những vết nứt trước ngày xét xử

Hiện trạng CT6 Kiến Hưng, ngày 8/8. Ảnh: Gia Khiêm

“Mãi đến năm 2019, vụ án được khởi tố, chúng tôi mới vỡ lẽ cả toà nhà 32 tầng xây dựng trái phép. Sau sự việc, CT6 bị rớt giá thảm hại do không có giá trị pháp lý kéo theo các toà chung cư bên cạnh cũng rớt giá dù giới thiệu trước đó đây là chung cư cao cấp, có cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại, môi trường sống văn minh, tiện ích… Rất nhiều người ‘bỏ nhà ra đi’, bán nhà hoặc cho thuê lại. Mọi thứ đều bị cắt giảm”, chị Dung chia sẻ với PV Dân Việt.

Chung cư chị Dung và gần 500 hộ dân sinh sống không đảm bảo hệ thống phòng cháy chữa cháy, tường xuống cấp, bong tróc nhưng cư dân không dám sửa chữa. Họ cũng không thể thực hiện giao dịch chuyển nhượng hay mua bán.

Cư dân lo lắng số phận căn hộ, nham nhở những vết nứt trước ngày xét xử

Phòng ngủ nhà chị Dung những vết nứt toác lớn khiến chị không khỏi lo lắng nhưng không dám sửa chữa vì chưa biết số phận căn hộ của mình sẽ thế nào. Ảnh: Gia Khiêm

Cư dân không được chấp thuận hộ khẩu đăng ký thường trú, thế hệ con cháu phải xin hộ khẩu ở quê, hoặc chấp nhận học trái tuyến, học trường tư thục ở xa, đắt đỏ.

“Không có sổ hồng ảnh hưởng rất nhiều. Như muốn vay mượn tiền để kinh doanh, làm ăn buôn bán nhưng không có số hồng để thế chấp. Như con tôi vẫn may mắn khi vẫn được nhập khẩu, đi học đúng tuyến. Tuy nhiên, các cháu sinh từ năm 2019 trở lại đây không được nhập khẩu. Coi như nhà mình có, nhưng vô thừa nhận”, chị Dung nói.

Tiếp lời chị Dung, anh Nguyễn Trọng Tuệ (cư dân tầng 8, kiêm ban đại diện cư dân) chua xót cho hay: “Do sai trái của ông Thản mà chúng tôi phải chịu đựng điều kiện sống khổ cực hơn 10 năm qua. Tôi phải tạm trú trong chính căn nhà của mình”. Nếu nhiều người chấp nhận bán rẻ hoặc cho thuê nhà, thì những “số phận” như chị Dung hay anh Tuệ quyết bám trụ, chờ “tia hy vọng cuối cùng” vào phiên tòa ngày 10/8 tới.

Nhà nứt toác nhưng không dám sửa vì chưa biết số phận căn hộ của mình

Chỉ vào những vết nứt lớn trong nhà có nơi rộng cả hơn 1 gang tay, chị Dung cho biết, cả gia đình 4 nhân khẩu không khỏi lo lắng. Một đêm mấy tháng trước, khi đang ngủ, tường phòng bỗng nứt toác, gạch vữa rơi trúng mặt một thành viên trong gia đình.

Sáng hôm sau, chị Dung kiểm tra, bóc lớp vữa, phát hiện một vết nứt to, chạy dọc bức tường. Phản ánh lên nhóm cư dân, chị nhận ra nhiều hộ gia đình khác cũng xuất hiện tình trạng mảng tường “rơi rụng” nhưng ít người muốn sửa sang. Vết nứt trong phòng ngủ nhà chị Dung ngày càng lan rộng ra phòng khách.

Cư dân lo lắng số phận căn hộ, nham nhở những vết nứt trước ngày xét xử

Cư dân lo lắng số phận căn hộ, nham nhở những vết nứt trước ngày xét xử

Hiện trạng khu vực hành lang không ít chỗ bị bong lớp vữa. Ảnh: Gia Khiêm

“Khoản tiền sửa chữa ước tính ít nhất 100 triệu đồng, tôi không đủ chi trả, cũng không biết sửa xong thì có giữ lại được căn nhà hay không”, chị nói và cho hay, nối liền ra ngoài hành lang, cạnh hệ thống phòng cháy chữa cháy “chắp vá” do chủ đầu tư bổ sung. Đó là một hệ thống hút khói hành lang trên trần nhà mà như chị Dung nói “không biết hoạt động nổi không mỗi khi có sự cố”.

Cùng tâm trạng trên, ông Trương Mạnh Thắng (73 tuổi, cán bộ về hưu) cho biết, cách đây không lâu, ông đã bỏ ra số tiền 100 triệu đồng để thuê thợ sửa chữa toàn bộ căn nhà 63m2 tầng 25 sau khi tường xuất hiện những vết nứt dài. Nhưng được vài năm căn hộ lại bắt đầu xuất hiện những vết nứt nhỏ chạy dài ở tường.

Trong câu chuyện với PV Dân Việt, ông kể, sau khi nghỉ hưu, con gái lấy chồng lập nghiệp ở Hà Nội nên vợ chồng ông quyết định bán mảnh đất ở Yên Bái gom góp mua một căn chung cư ở Hà Nội làm động lực cho con gái út.

Cư dân lo lắng số phận căn hộ, nham nhở những vết nứt trước ngày xét xử

Ông Trương Mạnh Thắng cầm giấy mời của toà gửi đến. Ảnh: Gia Khiêm

Năm 2007, khi CT6 Kiến Hưng bắt đầu làm móng, ông Thắng đóng 241 triệu đồng tiền “giữ chỗ”. Từ đó, ông nộp tiền theo tiến độ căn nhà, tổng hết 1,2 tỷ đồng.

Cuối năm 2012, công trình hoàn thành, bàn giao cho cư dân vào sinh sống. Sau năm 2019, ông Thắng vẫn không có sổ hồng, lại không có hộ khẩu, khiến cuộc sống đảo lộn hoàn toàn. Mọi sinh hoạt Đảng, lương hưu, bảo hiểm xã hội,… của ông đều ở Yên Bái. Đứa cháu ngoại 11 tuổi của ông Thắng bất đắc dĩ nhập hộ khẩu ở Yên Bái, học trái tuyến ở Hà Nội.

“Tôi bỏ tiền thật mua nhà, nhưng không có hộ khẩu. Không riêng tôi, 10 năm qua, bao nhiêu hộ dân đều không có hộ khẩu, không được hưởng chế độ, chính sách nào. Nhiều người chắt chiu cả cuộc đời, bán nhà ở quê, vay ngân hàng, vay người thân mới đủ tiền mua nhà ở Thủ đô nhưng để rồi ôm cay đắng trong lòng. Có những ông bà 80 tuổi mua nhà cho con ở Hà Nội chỉ vì tin tưởng chủ đầu tư. Nhưng khi người vợ qua đời, nhà tôi vẫn chưa được cấp sổ hồng”, ông Thắng bức xúc.

Anh Nguyễn Trọng Tuệ cho biết, trong trường hợp không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các bị hại mong muốn ông Lê Thanh Thản và Công ty Bemes (chủ đầu tư dự án) phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại thỏa đáng.

“Chúng tôi hy vọng tòa không tách yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của cư dân chúng tôi thành vụ án dân sự riêng mà cần được giải quyết triệt để ngay trong bản án hình sự. Hơn một thập niên qua sống quá khổ rồi. Chúng tôi không muốn đeo đuổi một vụ kiện dân sự nào thêm 10 năm nữa”, anh Tuệ nói.

Ngày 10/8, TAND Hà Nội dự kiến sẽ mở phiên xét xử chủ tịch 73 tuổi của tập đoàn Mường Thanh là bị cáo Lê Thanh Thản, về tội Lừa dối khách hàng, theo khoản 2 Điều 198 Bộ luật Hình sự. Cùng ra tòa, 4 cựu cán bộ phường Kiến Hưng và quận Hà Đông bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Cáo trạng xác định, ông Thản nắm 90% cổ phần và là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Bemes. Năm 2000, Bemes ký hợp đồng thuê đất với Sở địa chính Hà Tây cũ để xây dựng nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng. Sau khi thay đổi chủ trương, năm 2008 Bemes được UBND tỉnh Hà Tây phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 dự án CT6 Kiến Hưng tại phường Kiến Hưng, Hà Đông.

Theo quy hoạch, trên 17.000 m2 đang quản lý, công ty của ông Thản được xây nhà cao 31 tầng, hai tầng hầm trên phần đất hơn 5.500 m2. Trong đó tầng 2-4 là trung tâm thương mại, tầng 5-31 tách thành hai toà tháp chung cư cao cấp và khách sạn.

Khối nhà thấp tầng trên diện tích hơn 1.000 m2, Bemes được xây 15 căn nhà cao 3 tầng. Giữa năm 2010, Công ty Bemes nhiều lần xin điều chỉnh một số quy hoạch nhưng không được nhà chức trách đồng ý.

VKS cáo buộc ông Thản sau đó vẫn chỉ đạo thi công sai quy hoạch, xây dựng vào chỉ giới đường đỏ khiến “vi phạm nghiêm trọng quy hoạch xây dựng”.

Với khu nhà cao tầng, ông tăng diện tích tầng hầm từ 5.762 lên 6.817 m2, toà tháp A tăng từ 1.108 lên 2.428 m2, tháp B từ 1.099 lên 1.928 m2 và giảm một tầng hầm, thêm một tầng penhouse; bỏ xây nhà trẻ 718 m2.

Toà tháp B thay đổi từ chức năng khách sạn thành căn hộ ở; xây dựng 495 phòng khách sạn thành 1.582 căn hộ. Ông chỉ đạo xây thêm một toà CT6C không nằm trong phê duyệt với 438 căn hộ.

Khối nhà thấp tầng diện tích được phê duyệt là hơn 1.600 m2 để xây 15 căn hộ cao 3 tầng. Tuy nhiên, ông Thản đã chỉ đạo xây dựng trên hơn 2.800 m2 với 38 căn hộ cao tầng. Hơn nữa, toàn phần diện tích quy hoạch xây dựng nhà trẻ đã chuyển đổi thành các căn hộ thấp tầng, theo cáo buộc.

Từ tháng 3/2011, ông Thản bị cáo buộc chỉ đạo cấp dưới quảng cáo, “đưa thông tin gian dối về tính pháp lý của dự án để bán các căn hộ xây dựng trái pháp luật”. Việc này nhằm mục đích để khách hàng tin tưởng ký hợp đồng mua bán căn hộ với Bemes, nộp tiền theo tiến độ thi công, theo cáo trạng.

Trên hợp đồng mua bán căn hộ, ông Thản với danh nghĩa là Tổng giám đốc đã trực tiếp ký với khách hàng. Ông cam kết hồ sơ dự án đã được phê duyệt, thiết kế tuân thủ đúng quy định về xây dựng và sẽ hỗ trợ bên mua làm thủ tục cấp sổ đỏ.

Theo cáo trạng, dự án CT6 Kiến Hưng có 1.620 căn hộ. Sau khi bán nhà cho khách hàng, Công ty Bemes cùng phối hợp thực hiện và đã được Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cấp sổ đỏ cho 916 căn hộ chung cư, 18 nhà thấp tầng. Còn lại 483 căn hộ của toà tháp CT6C và 82 căn hộ khác chưa được cấp sổ. Việc không được cấp sổ hồng nay không đơn giản chỉ đem lại cho cư dân cảm giác bất an, mà con cái họ cũng bị ảnh hưởng quyền lợi.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *