cong-nhan,-lao-dong-tha-thiet-duoc-tang-luong-toi-thieu-vung-nam-2024

Công nhân, lao động tha thiết được tăng lương tối thiểu vùng năm 2024

“Tiền lương tối thiểu vùng không tăng, tôi sẽ nghỉ việc rút BHXH 1 lần lấy vốn làm ăn”

Anh Nguyễn Duy Phương (25 tuổi) – Công nhân Công ty TNHH Hoya Glass Disk Việt Nam cho biết, thời gian qua do khủng hoảng kinh tế, nên đơn hàng của công ty giảm đi. Vì vậy, công ty cũng đã “động viên” công nhân viên viết đơn xin thôi việc.

May mắn không trong diện phải nghỉ việc nhưng anh Phương cũng đối mặt với muôn vàn khó khăn khi tiền lương tăng ca không còn, các khoản phụ cấp cũng cắt giảm nhiều.

tăng lương tối thiểu vùng năm 2024

Công nhân lao động mong muốn được tăng lương tối thiểu vùng năm 2024. Ảnh: (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội). NN

Hiện nay, tiền lương của anh Phương chỉ được gần 10 triệu đồng. Chi phí cho tiền ăn, tiền thuê nhà, chi phí nuôi con cái học hành… khiến anh không còn tích lũy.

Anh cho biết, vì khó khăn nên vợ chồng anh chị đã phải gửi con về quê. “Nếu để con ở đây mỗi tháng cũng phải mất thêm 5-6 triệu đồng/tháng. Gửi về quê thì có ông bà trông giúp chỉ cần gửi về cho ông bà 2-3 triệu nhờ ông bà trông cháu giúp thôi”, anh Phương tâm sự.

Anh Phương chia sẻ thêm, mong muốn lớn nhất lúc này của anh lúc này là được thuê nhà ở công nhân giá rẻ. Tiếp đó, mong muốn Chính phủ tiếp tục tăng lương tối thiểu vùng để bù đắp thu nhập cho công nhân lao động.

Theo Nghị định số 38, mức lương tối thiểu tháng đang được áp dụng từ 1/7/2022 đến hết ngày 30/12/2023 theo 4 vùng gồm: Vùng 1 là 4.680.000 đồng/tháng; vùng 2 là 4.160.000 đồng/tháng; vùng 3 là 3.640.000 đồng/tháng và vùng 4 là 3.250.000 đồng/tháng. Về mức lương tối thiểu giờ, vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ, vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.

“Tiền lương cơ bản của tôi chỉ được hơn 5.680.000 nghìn đồng (cao hơn 1 triệu so với mức lương tối thiểu vùng hiện nay) tuy nhiên mức lương cơ bản này thấp hơn so với các công ty khác. Nếu giờ lương tối thiểu mà tăng lên, nhiều khả năng công ty cũng sẽ phải tăng lương cơ bản thêm, chưa kể khoản đóng BHXH cho chúng tôi cũng tăng lên”, anh Phương nói.

Anh Phương cũng cho biết, nếu công việc không thuận lợi, thu nhập không tăng thì tới đây vợ chồng anh sẽ về quê (Phú Thọ) tìm việc. Anh Phương dự định nếu nghỉ việc anh sẽ rút BHXH 1 lần và lấy số tiền đó đầu tư làm ăn.

Cùng chung suy nghĩ như anh Phương, nhiều lao động cũng cho biết nếu kinh tế tiếp tục khó khăn, tiền lương không đủ sống thì sẽ nghỉ việc rồi rút BHXH 1 lần về quê làm việc.  

Dự kiến đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng vào khoảng 6%

Đại diện Tổng liên đoàn Lao động cho biết, tổ chức đại diện cho công nhân đã nắm bắt được tâm tư của người lao động. Đơn vị này sẽ cân nhắc tất cả các yếu tố trước khi đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 sao cho phù hợp. Trước đó, trong năm 2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38 về việc tăng lương tối thiểu vùng ngay từ ngày 1/7/2022 thay vì 1/1 hằng năm như quy định hiện hành. Mức tăng là 6%, kéo dài đến ngày 31/12/2023. Lần đầu tiên, quy định về mức lương tối thiểu theo giờ cũng đã được ban hành.

Theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nhờ việc tăng lương tối thiểu vùng, trong năm 2022, tiền lương bình quân của người lao động trong các doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tăng khoảng 6,2% so với năm 2021 (7,78 triệu đồng/tháng).

tăng lương tối thiểu vùng năm 2024

Đời sống của công nhân lao động đang rất khó khăn, nhu cầu được thuê nhà ở giá rẻ và tăng lương là 2 nhu cầu lớn nhất của công nhân. Ảnh: NN

Ông Lê Đình Quảng – Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tại Điều 91, Bộ Luật Lao động năm 2019 quy định cụ thể các tiêu chí để điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng.

Theo đó, mức tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế – xã hội. Mức lương tối thiểu được xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ.

Mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh dựa trên mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ; tương quan giữa mức lương tối thiểu và mức lương trên thị trường; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động; việc làm và thất nghiệp; năng suất lao động; khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quyết định và công bố mức lương tối thiểu trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia.

Khảo sát của một số chuyên gia cho biết, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 nếu có thì nên duy trì ở mức 6-8%. Tuy nhiên, đây chỉ là dự báo của các chuyên gia. Mức đề xuất cụ thể sẽ được đưa ra trong phiên họp sáng nay (ngày 8/8) của Hội đồng tiền lương Quốc gia. 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *