Pride Month – Tháng Tự hào dành cho cộng đồng LGBTTháng Sáu vốn được xem như LGBT+ P…

Pride Month – Tháng Tự hào dành cho cộng đồng LGBT

Pride Month – Tháng Tự hào dành cho cộng đồng LGBT
Tháng Sáu vốn được xem như LGBT+ Pride Month. Tại sao lại là Tháng Sáu? Bởi chính vào thời điểm này năm 1969 đã diễn ra cuộc đấu tranh Stonewall tại New York, là sự kiện khơi ngòi cho phong trào đòi quyền công dân cho cộng đồng LGBT. Ngày nay, người ta đã bớt đi cái nhìn kì thị đối với những người đồng tính, thế nhưng, mới chỉ cách đây vài thập kỉ thôi, LGBT còn bị đối xử tàn tệ, bị coi như một căn bệnh. Xin giới thiệu với các bạn Top 10 (theo mình) những cuốn sách viết về cộng đồng LGBT mà mình rất tâm đắc, để chúng ta bây giờ có thể hiểu được, trước đây họ đã bị xa lánh, kì thị như thế nào.
KỲ MỘT
Giovanni’s Room (tạm dịch: Căn phòng của Giovanni) – James Baldwin
Một cuốn sách siêu kinh điển mỗi khi người ta nhắc tới sách dành cho cộng đồng LGBT. Nếu bạn đã từng thích Moonlight, bộ phim đoạt Oscar 2016 cho hạng mục Phim xuất sắc nhất, bộ phim đã lấy đi nước mắt của bao người về một người da đen đồng tính lớn lên trong sự nghèo khó phải đương đầu với bạo lực học đường, sự giam cầm hay sử dụng chất kích thích thì chắc chắn bạn nên đọc Giovanni’s Room – một câu chuyện về tình yêu đầy dằn vặt giữa David – chàng trai vừa mới cầu hôn bạn gái và Giovanni, cậu nhân viên pha chế người Italia. Cuốn sách đã đem đến làn sóng mới mẻ cho văn học cũng như trong cộng đồng người đồng tính, đến nỗi sau này có một hiệu sách được đặt tên là Giovanni’s Room tại Philadelphia, Hoa Kỳ. Toàn bộ câu chuyện được kể lại dưới giọng của David, vào một đêm đã đưa tôi tới buổi sáng khủng khiếp nhất cuộc đời, trước khi Giovanni bị đưa đi xử tử.
The Price of Salt – Patricia Highsmith (ở Việt Nam được xuất bản dưới tên Carol)
Cuốn sách được xuất bản vào năm 1952, đã vấp phải vô số những lời gièm pha phản đối, vì đưa ra vấn đề gần như là cấm kị. Chính tác giả đã phải thay tên đổi họ khi viết sách để tránh những điều tiếng.
Khi ánh mắt của Therese và Carol chạm vào nhau tại trung tâm thương mại, Therese đã biết rằng mình sẽ mãi mãi đắm chìm trong đôi mắt màu xám quyến rũ như nước hồ mùa thu ấy mãi mãi. Ánh mắt buồn như chất chứa bao điều, tình yêu cũng như nỗi sợ hãi. “Em cảm thấy mình như đang đứng giữa sa mạc, hai tay vươn ra đón chờ cơn mưa mát lành chị mang đến.”Những lời nói như rút từ tâm can của Therese dành cho Carol khiến người ta chạnh lòng. Cô gái nhỏ sớm mồ côi, bị đưa vào cô nhi viện, đã đem lòng yêu thương một người phụ nữ giàu có, sắp li dị chồng. Therese – cô gái 19 tuổi tràn ngập những lo âu cần một người từng trải để bao dung và là chỗ dựa vững chắc; Carol – người phụ nữ đầy tổn thương sau biến cố gia đình cần một người yêu thương hết dạ. Họ đã tìm đến với nhau. Đánh đổi lấy nhiều thứ, giống như cái tên gốc của cuốn sách: The Price of Salt, để có được gia vị tình yêu ngọt ngào, họ phải trải qua những giọt nước mắt mặn đắng, nghiệt ngã của cuộc sống.
Maurice – E. M. Forster
Maurice của E. M. Forster là câu chuyện tình đồng tính diễn ra tại Anh quốc đầu thế kỷ 20. Cuốn sách gợi nhớ đến Thăm lại Brideshead của Evelyn Waugh, vẫn là những bộ cánh hào nhoáng xa hoa của giới quý tộc Anh, nhưng bên cạnh đó, Forster còn đem tới cho người đọc những khát khao trần trụi về xác thịt, điều mà hiếm thấy ở những cuốn tiểu thuyết cùng thời.
Năm 1909, Maurice Hall được ngôi trường Cambridge danh giá đón vào theo học. Anh nhanh chóng kết thân với Lord Risley và Clive Durham, những nam sinh con nhà trâm anh thế phiệt, đẹp trai, tài năng. Chẳng mấy chốc bộ ba trở nên ngày càng tình thương mến thương và cũng là lúc Maurice nhận ra tình cảm Clive dành cho anh không giống tình anh em bình thường. Anh đã chặt đứt luôn hy vọng tỏ tình của Clive. Vì định kiến xã hội thời ấy coi đồng tính là căn bệnh ghê tởm, Maurice chẳng tiếc lời mắng nhiếc Clive, nhưng cuối cùng gậy ông đập lưng ông, chính Maurice nhận ra mình đã rơi vào lưới tình của Clive lúc nào không hay. Họ hẹn hò với nhau, trao nhau yêu thương nồng thắm nhưng vẫn kiên định không quan hệ xác thịt. Clive cho rằng anh còn cả một tương lai xán lạn phía trước, địa vị xã hội của anh sẽ lung lay nếu dấn thân vào trò chơi mạo hiểm này. Chính Clive là người lôi kéo Maurice vào trò chơi không đường lui này, nhưng cũng chính anh là người bỏ rơi Maurice. Tình cảm của Clive và Maurice chỉ là phút bồng bột nhất thời của tuổi trẻ nông nổi hay là nỗi niềm day dứt của những kẻ không dám sải cánh vượt qua định kiến? Chẳng ai có thể trả lời cho họ, người đọc chỉ có thể cảm nhận không khí của những chiều hè ngập nắng, trong cái oi ả, họ trao nhau ánh nhìn tình tứ và cảm thấy hạnh phúc khi ở bên nhau.
Arrête avec tes mensonges – Philippe Besson (được dịch tại Việt Nam với cái tên Đừng tự dối mình)
Cha đẻ của Trăm năm cô đơn, G. M. Márquez đã từng nói “những kẻ hèn nhát chẳng bao giờ đặt chân tới được vương quốc của tình yêu, một vương quốc phũ phàng và cay nghiệt.” Người ta biết thế là không nên, nhưng như thiêu thân lao vào lửa, họ vẫn giữ một chấp niệm ái tình, dù bao nhiêu năm vẫn không thay đổi. “Tôi nhận ra chờ đợi gây tổn thương. Bởi vì chờ đợi nghĩa là từ chối thừa nhận mình thua cuộc, từ chối tin rằng không có ngày mai, rằng chuyện sẽ không tiếp diễn nữa.” Cuốn sách như một cuốn tự truyện về tình yêu đầu đời của tác giả và chàng thanh niên Thomas. Họ gặp nhau tại trường trung học, khi cả hai đều đang ở lứa tuổi hoa dạng niên hoa đẹp nhất đời người. Chỉ với vỏn vẹn 200 trang sách, Phillippe Besson đã vẽ ra cả một trời kí ức vừa hạnh phúc vừa buồn đau cùng những giằng xé, nghĩ suy của Philippe khi anh yêu đắm say Thomas nhưng luôn tự hỏi cậu ấy có yêu anh, cũng say đắm nồng nàn như thế không. Bữa tiệc nào cũng sẽ tàn, họ chia tay nhau khi không thể vượt qua rào cản xã hội. Philippe học tiếp lên cao, còn Thomas ở lại quê nhà, lấy vợ sinh con. Cuộc đời họ cứ thế gặp nhau một lần rồi cách xa nhau mãi mãi. “Mình chỉ muốn nói với cậu rằng mình đã hạnh phúc trong những tháng ngày chúng ta bên nhau, rằng mình chưa bao giờ hạnh phúc như thế, và mình biết mình sẽ chẳng bao giờ hạnh phúc như vậy nữa.”
City of Night – John Rechy (tạm dịch Thành phố của Đêm)
Một chàng trai trẻ nổi hứng đi du lịch khắp mọi miền nước Mĩ, từ New York đến Los Angeles, San Francisco… Mỗi nơi anh đến đều mang lại cho anh những kỉ niệm không thể nào quên, về những người anh gặp, một người đàn ông lớn tuổi, một người đam mê bạo dâm-khổ dâm, một ông lão chết dí trên giường. Đám người kì quặc lại khiến anh nhìn nhận về bản chất của tình dục, dù bạn là ai thì bạn cũng xứng đáng được yêu thương. Tác giả của Một con người, cuốn sách rất hay viết về đề tài đồng tính, về bản ngã của con người, Christopher Isherwood đã nhận định không một cuốn sách nào trong thập kỉ này có thể hoàn hảo, ấn tượng như cuốn sách của John Rechy vậy.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *