Một số trường hợp trớ trêu của các nước sau khi chiến tranh với nhau mà đi quay lại hợp tác trong lịch sử là gì?
Answer: John Cate, chuyên gia Quan hệ Công chúng tự do, Mount Airy, North Carolina, Mỹ.
(Người dịch: dù câu hỏi không hay nhưng câu trả lời cũng khá đáng để cân nhắc đến trong tình hình tương lai của hai quốc gia. Mình vẫn dịch nó để chúng ta có thêm bài học, rằng có những mục tiêu tương lai cần hướng đến, không phải chia rẽ nhau vì khác biệt lý tưởng)
Source: https://qr.ae/pNKGpB
{———————————————————-}
Không có cái gì trớ trêu thật sự trong chuyện này hết. Nước Mỹ trong lịch sử của mình đã từng chiến tranh với Anh (hai lần), Pháp, Mexico, Tây Ban Nha, Đức (hai lần), Áo, Hungary, Nhật Bản và Ý. Bây giờ, nước Mỹ đã có quan hệ ngoại giao tốt và thậm chí là liên minh với từng nước đã được kể trên đây. Chẳng trớ trêu gì khi mà kẻ thù ngày xưa nay lại cùng mình hợp tác vì một lợi ích chung cho cả đôi bên.
Việt Nam có khả năng sẽ trở thành đồng minh của Mỹ (mà thực tế đã là vậy rồi – de facto) và không có gì lạ lẫm về chuyện này nữa. Các quốc gia liên minh với nhau nhằm chia sẻ cho nhau những lợi ích nhất định trong một khoảng thời gian nào đó. Trong trường hợp của Việt Nam, đất nước này ngay từ đầu không hề muốn trở thành kẻ thù của nước Mỹ, mà đây lại là một lựa chọn do nước Mỹ chúng tôi đã thực hiện bằng cách can thiệp vào cuộc nội chiến rồi liên thủ với bên phe phản đối chính sách Cộng Sản. Thực tế trong suốt bề dày lịch sử của mình Việt Nam chưa từng khao khát điều gì ngoài mối quan hệ thân hữu với các nước khác. Họ, người Việt Nam, chỉ muốn chủ quyền quốc gia mình được tôn trọng.
Thời điểm hiện tại, người Việt Nam xem Trung Quốc là mối đe dọa đến chủ quyền quốc gia của mình trong khi đó Hoa Kì không còn quan tâm đến các chính sách đối nội của Việt Nam. Mỹ xem Việt Nam như một đối tác thương mại và một đồng minh tiềm năng cho phần quan trọng bậc nhất thế giới: Thái Bình Dương. Chính vì vậy, mục tiêu địa chính trị của Mỹ và Việt Nam vốn đối đầu vào giữa thế kỉ 20 nay lại hòa quyện vào nhau.
Việt Nam là một quốc gia lâu đời và đáng tự hào. Quốc gia này dang hai cánh tay ra: một cánh tay thân thiện với Thế Giới, một tay còn lại thì cầm dao tự vệ để đề phòng bị tấn công. Nếu là tôi thì tôi sẽ chọn bắt lấy bàn tay thân hữu và tôn trọng quyền của Việt Nam tự chọn con đường cho riêng mình.
Bình luận của Bob Keeter, 12 upvotes kể cả John Cate
Tôi có người bạn đã từng là người tị nạn Việt Nam. Cha anh ấy đã từng phải vào trại cải tạo dành cho các sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa. Gia đình họ vượt biên bằng đường bộ thông qua Cam-pu-chia và Thái Lan. Khi anh bạn đến Mỹ năm 12 tuổi, anh nói tiếng Việt và Pháp. Cuối cùng anh bạn tôi đã giành được suất vào Học viện Không Quân Hoa Kì và bây giờ đã nghỉ hưu. Giờ bạn tôi đã trở thành chủ trì một chương trình trao đổi học thuật với Việt Nam và rất được hưởng ứng ở quốc gia này.
Nước Mỹ có một truyền thống vượt qua các vấn đề với nhiều quốc gia mà chúng tôi đã chiến đấu. May mắn thay các nước phương Tây hiện nay đa phần đã đều đi theo nguyên lý này. Không giống như một số nền văn hóa khác cứ tiếp tục chiến tranh với nhau từ một cuộc chiến đã xảy ra 1500 năm về trước rồi đi truyền bá sự cay nghiệt thù hằn đến hàng chục thế hệ sau.
Việt Nam là một đất nước khá thực tế và thực dụng. Họ có hệ thống chính phủ rất khác biệt so với Hoa Kì nhưng đều có điểm chung đó chính là quyết tâm vì người dân của mình. Họ hoàn toàn hiểu rằng họ có đường biên giới dài với Trung Hoa đế quốc, nên dù cho có chung hệ thống chính trị với Trung Quốc thì giữ vững quyền cai trị quốc gia nhỏ hơn của mình thì … vẫn vui. Việt Nam đã chiến đấu với người hàng xóm Trung Quốc, dù ngắn ngủi, nhưng đẫm máu vô cùng vào năm 1979. Họ biết rằng họ cần một người bạn mạnh mẽ hơn. Vào năm 1979 thì đó là Liên Bang Soviet, còn bây giờ thì Soviet không còn tồn tại nữa. Nếu không vì lý do nào hơn vậy, song song với nhu cầu kết bạn ở Đông Nam Á, sẽ lợi thế hơn cho tất cả khi nhân dân Hoa Kì và Việt Nam hòa giải những sự khác biệt của nhau. Và đó chính là điều đã diễn ra.