de-xuat-dua-benh-vien-trung-uong-ve-thu-do-quan-ly:-nhieu-diem-khong-hop-ly

Đề xuất đưa bệnh viện Trung ương về Thủ đô quản lý: Nhiều điểm không hợp lý

Ngày 3/8, chia sẻ với báo Dân Việt, PGS.TS Vũ Xuân Phú – Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, Bộ Y tế đã tổ chức lấy ý kiến của các bệnh viện (BV) Trung ương và tổ chức nguyên 1 cuộc họp để thảo luận về việc Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề cập việc chuyển các BV Trung ương Bộ Y tế quản lý về Hà Nội.

Cần xem xét phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam

Theo PGS Phú, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập là định hướng đúng, đặc biệt là phát triển ngành y tế. 

Tuy nhiên, việc triển khai các vấn đề cụ thể trong định hướng Nghị quyết 19 cần đề cập xem việc triển khai thế nào cho phù hợp và hiệu quả.

“Tôi đồng ý có thể tham khảo các mô hình quản lý sự nghiệp ngành y tế của các nước trong khu vực. Nhưng tham khảo là 1 chuyện còn việc vận dụng phù hợp với tình hình thực tiễn lại là chuyện khác.

Chúng ta cần xem xét về cơ cấu dân số, mô hình bệnh tật của Việt Nam cũng như hệ thống y tế của Việt Nam từ cơ sở đến trung ương, cách tiếp cận dịch vụ y tế của người dân ra sao để có những phân tích thấu đáo và vận dụng cho phù hợp với hệ thống y tế của chúng ta”, PGS Phú Nhấn mạnh.

Đề xuất đưa bệnh viện Trung ương về Thủ đô quản lý: Nhiều điểm không hợp lý - Ảnh 1.

PGS.TS Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương: “Với vị trí địa lý và mô hình tổ chức của các BV tuyến Trung ương như hiện nay, chúng tôi thấy hoàn toàn phù hợp”. Ảnh CTV

Theo PGS Phú, hiện nay, Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đề cập đến việc “di dời” các BV Trung ương do Bộ Y tế quản lý về Hà Nội mới chỉ đơn thuần tính đến việc tiếp cận dịch vụ, về vị trí địa lý chứ chưa tính đến khía cạnh khác. Nôm na là BV Trung ương nào nằm trên địa bàn Hà Nội phải do ngành y tế Hà Nội quản lý.

PGS Phú phân tích, BV Trung ương nằm trên địa bàn tỉnh là tương đối nhiều nhưng nhiều nhất vẫn là Hà Nội và TP HCM, rồi đến Quảng Nam, Đà Nẵng, Thái Nguyên… Nếu nói về việc tiếp cận dịch vụ mang tính chất địa lý thì phải khẳng định dù BV Trung ương nằm ở tỉnh nào vẫn đón bệnh nhân ở cả 64 tỉnh thành đến khám chữa bệnh. 

Đặc biệt là các trường hợp cấp cứu thì bất kể cơ sở y tế nào đều phải tiếp nhận, điều trị, không phân biệt vùng miền, không phân biệt có BHYT hay không, thậm chí không cần biết có tiền hay không…

“Tôi đồng ý với chủ trương chuyển các BV ra vùng ven đô để bớt chật chội, ô nhiễm nhưng việc chuyển các BV Trung ương về UBND TP.Hà Nội quản lý theo địa bàn cần phải xem xét Luật Khám chữa bệnh, quy định về chức năng, nhiệm vụ của các BV nói chung và BV Trung ương nói riêng. Nếu đưa BV Trung ương về Hà Nội quản lý là rất mâu thuẫn với Luật Khám chữa bệnh”, ông Phú nhấn mạnh 

PGS Phú phân tích, trong quy chế tổ chức và điều hành bệnh viện thì BV Trung ương do Bộ Y tế phê duyệt, BV tuyến tỉnh do UBND tỉnh phê duyệt. Vai trò của tuyến và hạng BV được quy định trong Luật Khám chữa bệnh rất quan trọng trong việc phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Đề xuất đưa bệnh viện Trung ương về Thủ đô quản lý: Nhiều điểm không hợp lý - Ảnh 2.

Bệnh viện Trung ương không chỉ thực hiện việc khám chữa bệnh mà còn làm nhiều việc khác như chuyển giao kỹ thuật, chỉ đạo tuyến cho BV tuyến dưới (Một buổi chỉ đạo tuyến của BV Phổi Trung ương. Ảnh BVCC)

Bệnh viện Trung ương có nhiều nhiệm vụ, không chỉ khám chữa bệnh

Về tổ chức mạng lưới, hầu hết các BV chuyên khoa đều có ở tuyến Trung ương và tuyến tỉnh, TP. Ví dụ BV Phổi Trung ương – BV Lao và Phổi Hà Nội, BV Phụ sản Trung ương – BV Phụ sản Hà Nội… Riêng BV Phổi có 49 BV tuyến tỉnh và 3 BV Trung ương. 

BV Trung ương có vai trò thể hiện chuyên khoa mũi nhọn, đầu ngày, tập trung chuyên gia, kỹ thuật, tập trung về mặt pháp lý, thương hiệu, vị thế để đối ngoại. 

Các BV tuyến Trung ương ngoài việc khám chữa bệnh còn có chức năng nữa là tham mưu cho Bộ Y tế xây dựng các chính sách cũng như danh mục kỹ thuật dịch vụ y tế áp dụng trên hệ thống y tế trên toàn quốc không chỉ vì bất cứ BV Trung ương, tỉnh hay huyện nào. 

Vai trò của BV đầu ngành có nhiều điểm khác so với các bệnh viện tỉnh, thành phố. BV Trung ương còn thực hiện nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công nghệ, chỉ đạo tuyến và đào tạo, chuyển giao công nghệ xuống tuyến dưới. Điều này liên quan đến cơ sở pháp lý, khả năng, trình độ để đảm nhiệm vị trí quan trọng này.

Đề xuất đưa bệnh viện Trung ương về Thủ đô quản lý: Nhiều điểm không hợp lý - Ảnh 3.

Bộ Y tế và các BV tuyến Trung ương còn có khả năng huy động và hỗ trợ, tổng hợp các nguồn lực để ứng phó với các tình huống khẩn cấp như dịch Covid-19 vừa qua. (Điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh Gia Khiêm)

Việc nữa liên quan đến vị thế đối ngoại. Đối ngoại ở đây không chỉ là giao lưu, bắt tay mà còn là thu hút nguồn lực quốc tế về Việt Nam, đầu tư vào các lĩnh vực y tế khác nhau, tiếp nhận các thành tựu khoa học của thế giới, có thẩm quyền kêu gọi các nguồn lực hợp tác quốc tế. 

Để làm được điều này cũng yêu cầu cơ sở y tế phải có cơ sở vật chất, thiết bị tiên tiến và con người có trình độ cao.

Ngoài ra, Bộ Y tế và các BV tuyến Trung ương còn có khả năng huy động và hỗ trợ, tổng hợp các nguồn lực để ứng phó với các tình huống khẩn cấp như dịch Covid-19 vừa qua. 

Trong đợt dịch vừa qua, vai trò của Bộ Y tế và các BV tuyến Trung ương trong việc phòng chống dịch là rất quan trọng. Nếu là Sở Y tế tỉnh, TP thì không thể huy động, điều hành để khống chế đợt dịch bùng phát dữ dội như vừa rồi.

Liên quan đến ngân sách hoạt động, nếu BV Trung ương do Hà Nội quản lý thì ngân sách hoạt động lấy từ từ Ngân sách Trung ương hay Hà Nội?

Về năng lực quản lý, hiện nay Sở Y tế Hà Nội chỉ có số cán bộ tương đương với 1 Vụ, Cục của Bộ Y tế, đang quản lý 42 BV tuyến thành phố và hàng trăm các trung tâm, phòng khám tư nhân khác. Riêng quản lý 42 bệnh viện và quản lý hành nghề tư nhân Hà Nội cũng đã quá tải. Nếu thêm 40 BV Trung ương nằm trên địa bàn nữa thì thực sự quá khả năng quản lý nhà nước của Hà Nội.

“Với vị trí địa lý và mô hình tổ chức của các BV tuyến Trung ương như hiện nay, chúng tôi thấy hoàn toàn phù hợp. Nên chăng chúng ta có thể điều chỉnh y tế chuyên sâu, y tế khu vực để cho người dân ở xa khó có thể tiếp cận dịch vụ kỹ thuật cao có thể tiếp cận dễ dàng hơn”, PGS Phu nhấn mạnh. 

Trước đó, Bộ Y tế đã có buổi làm việc với lãnh đạo các BV trực thuộc Bộ trên địa bàn Hà Nội về công tác khám chữa bệnh và việc sắp xếp các BV trực thuộc Bộ theo dự thảo Luật Thủ đô.

Lãnh đạo các BV chuyên khoa, đầu ngành đều thống nhất kiến nghị tiếp tục do Bộ Y tế quản lý.

Theo các đại biểu, nếu chuyển các BV Trung ương về Hà Nội quản lý cũng sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực tới khả năng điều phối nhanh của Bộ Y tế trong trường hợp khẩn cấp về y tế, thay vì có thể nhanh chóng điều động nguồn lực sẵn có của mình, Bộ Y tế sẽ phải tham vấn với UBND Hà Nội để huy động các nguồn lực y tế của Hà Nội nhằm hỗ trợ các địa phương khác.

Cùng đó, khi chuyển các BV chuyên khoa, đầu ngành do Bộ Y tế đang quản lý về Hà Nội sẽ gây một số tác động không chỉ tác động đến hệ thống y tế chung cả nước mà còn tác động trực tiếp tới hệ thống y tế Hà Nội.

Việc gia tăng nhanh chóng số giường bệnh chăm sóc chuyên sâu tuyến cuối có thể làm hệ thống Y tế Hà Nội mất cân đối (do tỷ trọng giường bệnh chuyên sâu trên tổng giường bệnh cao) và có nguy cơ dư thừa cung dịch vụ chăm sóc chuyên sâu so với dân số phục vụ và điều này không phù hợp với mục tiêu xây dựng hệ thống Y tế Thủ đô phát triển hiện đại và phù hợp với quy mô dân số.

Con số 30 BV chuyên khoa, đầu ngành do Bộ Y tế quản lý rất ít so với tổng số 1.500 BV trên toàn quốc. Như vậy Bộ Y tế chỉ quản lý 2% số BV trong cả nước, trong khi hiện nay Hà Nội quản lý hơn 100 BV công và tư cùng với hơn 4.000 phòng khám. Chưa kể quản lý hàng ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh dược, trang thiết bị, các cơ sở y tế khối dự phòng, kiểm nghiệm…

Do đó, việc tăng thêm nhiều cơ sở y tế với quy mô tương đối lớn có thể làm phức tạp hơn vấn đề quản trị hệ thống Y tế Thủ đô, vốn đã có số lượng cơ sở y tế (cả công lập và tư nhân) rất lớn, thậm chí số bệnh viện hiện có của Hà Nội còn lớn hơn tổng số bệnh viện của Bộ Y tế trên cả nước.

Đặc biệt, trong bối cảnh Hà Nội cũng đã có hệ thống các BV chuyên khoa tương tự (như BV Tim, BV Lao và Bệnh phổi, BV Ung bướu, BV Da liễu, BV Mắt, BV Y học cổ truyền…), việc đưa các BVchuyên khoa của Bộ Y tế sẽ cần cân nhắc kỹ vì sẽ có sự chồng chéo rất lớn mà rất khó giải quyết.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *