Tại sao x lại là ẩn số phổ biến nhất trong toán học?
Link gốc: https://qr.ae/pNKpdv
____________________________________________________
Trả lời: Satya Prakash Gupta, IIT Indore
Bởi vì bạn không thể phát âm “sh” trong tiếng Tây Ban Nha.
Ả Rập là một ngôn ngữ có tính logic cao, mọi phần của một câu đều có sự chính xác và bao hàm nhiều thông tin. Đó là một trong những lí do vì sao nền móng của toán học, khoa học và kĩ thuật đều được tạo nên bởi người Ba Tư, Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong đó bao gồm cả một hệ thống nhỏ trong tiếng Ả Rập có tên gọi là al-jabr. Al-jabr có thể dịch thô ra thành “hệ thống kết hợp những phần khác nhau”, sau này được chuyển sang tiếng Anh thành algebra (đại số).
Những văn bản Ả Rập mang theo tri thức toán học cuối cùng cũng đặt chân tới châu Âu – hay Tây Ban Nha – vào thế kỉ 11 và 12. Việc chúng được đưa đến đây đã tạo ra một sự quan tâm đặc biệt đến việc dịch những kiến thức này sang một ngôn ngữ Châu Âu.
Nhưng rồi những vấn đề đã xảy đến. Một trong số đó là có nhiều âm trong tiếng Ả Rập mà thanh quản của người Châu Âu không thể phát âm được nếu không luyện tập nhiều. Đồng thời, những âm đó cũng không thể biểu thị được bằng các chữ cái có mặt trong ngôn ngữ Châu Âu.
Ví dụ như chữ cái SHeen ( ش ) có cách phát âm khiến chúng ta nghĩ tới SH – “sh”. Đây cũng là chữ cái đầu tiên trong từ shalan (ش ء), có nghĩa là “điều gì đó” giống như từ “something” trong tiếng Anh – một điều gì đó không xác định, một điều chưa biết.
Trong tiếng Ả Rập, chúng ta có thể làm rõ từ này bằng cách thêm kí tự “al” để nó trở thành al-shalan ( اآشء ) – điều chưa biết. Và đây là một từ ngữ xuất hiện xuyên suốt trong toán học từ buổi đầu, chẳng hạn như trong một văn bản gốc từ thế kỉ 10 dưới đây.
Vấn đề của những học giả Tây Ban Nha thời Trung cổ – những người được giao cho nhiệm vụ dịch thuật tài liệu này – là chữ cái SHeen và từ shalan không thể dịch được sang tiếng Tây Ban Nha bởi vì tiếng Tây Ban Nha không có chữ SH hay âm “sh”. Vậy nên theo quy ước, họ mượn chữ CK và âm “ck” từ chữ Kai ( ϗ ) trong tiếng Hy Lạp cổ điển.
Về sau khi tài liệu này được dịch ra một ngôn ngữ châu Âu phổ biến, hay tiếng Latin, họ đơn giản là thay chữ Kai ( ϗ ) của tiếng Hy Lạp bằng chữ cái Latin X. Và khi tài liệu này đã được dịch sang tiếng Latin, nó đã tạo nên nền móng cho những cuốn sách giáo khoa toán học trong gần 600 năm.
Nguồn: https://youtu.be/YX_OxBfsvbk
https://blogs.unimelb.edu.au/sciencecommunication/2012/08/13/why-x-is-the-unknown/
_________________________________________
Trả lời: David Joyce, Ph.D. Mathematics, University of Pennsylvania (1979)
Khi những kí hiệu đại số được phát triển vào những năm 1500, các học giả khác nhau sử dụng những kí hiệu khác nhau để biểu thị cho các giá trị chưa biết. Có rất nhiều người đã đóng góp vào các kí hiệu này, nên không thể nói cụ thể rằng người phát minh ra chúng là ai.
Một trong những người nổi bật và có sức ảnh hưởng lớn nhất trong việc phổ biến các kí hiệu dùng trong đại số là François Viete (1540–1603). Đa phần những kí hiệu chúng ta sử dụng trong đại số ngày nay là những kí hiệu mà ông từng sử dụng. Viete cũng dùng những chữ cái nguyên âm cho những ẩn số chưa biết và những chữ cái phụ âm cho những giá trị đã biết (hằng số).
Chúng ta vẫn sử dụng những nguyên âm và phụ âm của Viete, nhưng René Descartes là một tác giả rất có ảnh hưởng trong thế kỉ 17. Trong công trình năm 1637 của ông, La géométrie, Descartes đã sử dụng những kí tự ở cuối bảng chữ cái để làm biến số, và những kí tự ở đầu bảng chữ cái làm hằng số. Cụ thể hơn, ông dùng kí tự x làm biến độc lập và y làm biến phụ thuộc – đây là những kí tự chúng ta dùng làm tọa độ tiêu chuẩn cho mặt phẳng. Quy ước của Descartes trở nên phổ biến hơn cả.