Clip: Người phụ nữ hơn 40 năm “câu xác chết” trên dòng Lam.
Chuyện về người “cướp cơm” Hà Bá
Tuổi thơ của bà Nguyễn Thị Nguyệt không mấy êm đềm như bao đứa trẻ khác. Sinh ra trong một gia đình có tới 12 anh chị em, mẹ mất sớm, cha đi bước nữa, chị cả nên trở thành trụ cột chèo chống chăm lo cho các em.
Tuổi thơ của bà Nguyệt lênh đênh trên sông nước, gắn với những mẻ lưới, cần câu. Nhọc nhằn, gian khổ đều đổ dồn lên người chị tội nghiệp, cũng mong các em khôn lớn nên người. Giật mình nhìn lại, người con gái xóm vạn chài quên lấy chồng. Nghĩ về thân phận côi cút, bà xin đứa con để đến lúc về già có nơi nương tựa.
Nghề sông nước phụ thuộc vào “mưa thuận gió hòa”, được cha mẹ truyền lại cho cái nghề để kiếm sống nuôi thân. Ấn tượng mà chúng tôi lần đầu gặp bà Nguyệt, chất giọng Hà Tĩnh nằng nặng, cách nói chuyện thật thà chất phác, nụ cười tươi, khuôn mặt nhân hậu, dáng người thấp đậm, khỏe khoắn.
Khi chúng tôi gợi ý duyên đến với nghề vớt xác chết, bà Nguyệt trầm tư kể: “Bà cũng không nhớ rõ năm nào, trong một lần đang thả lưới trên sông Lam, nghe tin có chú bộ đội hải quân bị lật thuyền thúng khi làm nhiệm vụ, xác không biết trôi ở đâu. Lúc đó bà cũng lên xem, cũng lấy đồ nghề đánh cá tìm kiếm xác, thế là bà đã tìm thấy được xác chú bộ đội, khâm liệm xong đơn vị đưa thi thể về quê mai táng.
Dòng sông Lam mỗi năm là điểm đến trút giận bao nhiêu ưu phiền của người đời, kết thúc cuộc đời là dòng nước thì chính họ lại được người làm sông nước cứu vớt. Nhiều xác chết trôi dạt ở sông Lam được bà Nguyệt tìm thấy.
Tiếng lành đồn xa, cứ có vụ nhảy cầu nào là người ta lại tìm đến nhờ bà Nguyệt. Dù công việc có bận đến đâu bà đều đi ngay. “Họ đến gọi là bà đi, chủ yếu là làm bằng tay, không có bảo hộ gì cả, vớt xác đưa lên bờ khâm liệm xong xuôi thì mới nhớ đến, mình không mang tất tay, khẩu trang gì cả. Bởi thế, giờ cánh tay phải cho đến chân do tiếp xúc hơi lạnh nhiều nên bị tê, nhức mỏi đêm không ngủ được. Từ chối cũng không được, làm phúc, làm đức cho con cháu”, bà chia sẻ.
“Bà đi Hải Phòng, Quảng Ninh…, rồi vào trong Nam, ai mà nhờ là bà đi chứ không ngại khó ngại khổ gì cả. Một lần đi mình đã làm phúc cho người ta rồi. Như vụ chìm đò Chôm Lôm, Nghệ An (2006), đã cướp đi hàng chục em học sinh, bà cũng được gọi lên. Lúc tìm xác bà hồi hộp lắm, trong khi bố mẹ ở trên bờ khóc thảm thiết rồi ngất đi.
Rồi đến xe khách bị lũ cuốn trôi ở Hà Tỉnh (2010) đã cướp đi hơn 20 mạng sống. Bà phải ăn mì tôm lót dạ mấy ngày mong tìm thấy xác sớm nhất. Bà còn sống là còn trăn trở, chưa yên lòng khi những linh hồn xấu số vẫn còn phảng phất dưới dòng sông Lam cuồn cuộn chảy”, giọng bà Nguyệt trầm xuống.
Theo nghề cha mẹ để lại, lại kiêm luôn cái nghề vớt xác chết, bà Nguyệt dẫn chúng tôi đi một đoạn ra phía triền đê sông Lam, đôi bàn tay sần sùi màu bùn chỉ xa xa sông: “Dòng sông Lam sâu, nước cuồn cuộn chảy, không năm nào không có chuyện buồn xảy ra. Có nhiều người chết thương tâm lắm”.
Vớt xác để phúc cho con cháu
Khi chúng tôi nhã ý hỏi, bà chắc bây giờ nổi tiếng nghề vớt xác chết, bà Nguyệt nói: “Vớt xác có gì mà nghề, cứu giúp người ta chứ ai trông vào nghề này để kiếm sống. Nghèo khổ có số rồi, ai đến nhờ giúp thì bà làm, khách đến xin chụp hình, viết bài bà cũng tiếp chuyện, cốt là mình sống đúng với lương tâm mình”.
“Vớt xác chết cũng phải có kinh nghiệm, nếu người mà nhảy sông thì trôi theo dòng nước, nếu mà nhảy vào ban đêm, phải biết mấy giờ là nước chảy xuôi, mấy giờ là nước chảy ngược, chỗ nào chảy mạnh, chỗ nào chảy yếu.
Theo đó mà xác định xác chết đang nằm vị trí nào. Không biết điểm nhảy cụ thể, tìm đến chỗ cạn chắc chắn xác nằm gần đó…”, bà Nguyệt cho biết.
Trãi qua 5 đời làm nghề đánh bắt cá trên dòng sông Lam, giờ đây hình thành một xóm chài dưới chân cầu Bến Thủy 2. Chứng kiến bao thăng trầm của cuộc sống, dòng sông Lam không năm nào lại không có người chết.
Bà Nguyệt, tâm sự: “Vớt xác chết không phải nghề để mưu sinh, nhưng thật tàn nhẫn nếu biết người ta chết chưa tìm được xác mà ngoảnh mặt làm ngơ thì có tội. Nếu bà mà sống nhờ vô cái nghề này thì giàu rồi, chứ bây giờ cả gia đình vẫn bám trụ bên bờ sông Lam mưu sinh đánh cá”.
Đã bước sang tuổi xế chiều, những việc bà Nguyệt làm thì ai cũng đã biết, nhìn cuốn sổ ghi tên những con người xấu số giấy đã đổi màu, trang cuối của cuốn sổ vẫn đang còn trống. Trong tâm khảm bà Nguyệt luôn cầu nguyện cho đừng ai đến gọi chị đi nữa, để cuộc sống mỗi chúng ta luôn hiện hữu những điều hạnh phúc nhất.
Chia tay bà Nguyệt, nhìn dòng sông Lam vẫn cuồn cuộn chảy, xa xa lại thấp thoáng những bóng người đang mưa sinh trên sông Lam, cũng vì miếng cơm manh áo mà họ không biết mệt mỏi.