TRONG CHÚNG TÔI CÓ KẺ NÓI DỐI

#review // Không spoil
~ TRONG CHÚNG TÔI CÓ KẺ NÓI DỐI ~
Tác giả: Karen M.McManus. Dịch giả: Trương Trung Tín
Thể loại: Trinh thám học đường Mỹ
.
.
Biển không thích bìa của cuốn này, nhưng vì mua tặng người khác nên Biển thừa cơ giữ đọc trước!!! Trái ngược với cái bìa, nội dung câu truyện khiến Biển thật sự hài lòng và không tiếc thời gian vì đã đọc. Thật tiếc, nếu bìa được thiết kế khác đi thì chắc chắn Biển sẽ mua cho riêng mình một quyển để lưu giữ.
Tóm tắt truyện: Vì bị phát hiện giữ điện thoại trong balo nên năm học sinh bị mời vào phòng phạt của trường trung học Bayview. Họ gồm Bronwyn – nữ sinh với thành tích học tập xuất sắc và triển vọng được nhận vào các trường ĐH lớn, Nate – cậu trai từng bị tạm giữ vì buôn thuốc và đang trong thời gian quản chế, Addy – hoa khôi của trường nhưng chỉ là cái bóng làm nền cho bạn trai, Cooper – ngôi sao bóng chày có cuộc đời chịu sự kiểm soát của người cha, Simon – quản trị viên trang Nghe Đồn chuyên đăng bài về mọi bí mật của học sinh trong trường để gây khốn khổ cho mọi người. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi khi năm học sinh ở trong phòng phạt, một cái chết đã xảy ra. Ban đầu, phía điều tra cho rằng đó là tai nạn do dị ứng thực phẩm, nhưng vài sự kiện sau đó đã đẩy bốn học sinh còn lại vào diện tình nghi. Ở độ tuổi 17, đang chật vật đối phó với giai đoạn trưởng thành và học cách hòa hợp với thế giới, Bronwyn, Nate, Addy và Cooper bị rơi vào tâm bão, bị cảnh sát thẩm vấn, bị bạn bè nghi kỵ và xa lánh. Chuyện càng tồi tệ hơn khi những bí mật không lấy gì làm hay ho trong quá khứ của họ lần lượt bị tung lên trang Nghe Đồn – trang mạng mà quản trị viên của nó chính là học sinh đã chết trong phòng phạt.
Từng đọc được review của bạn Gigi Bùi về cuốn này nhưng lúc đó Biển chưa quan tâm vì cho rằng mình không thích thể loại trinh thám học đường, nhưng khi bắt đầu đọc “One of us is lying” thì Biển bị cuốn hút ngay từ những trang đầu vì giọng văn rất hấp dẫn của tác giả Karen M. McManus. Câu truyện không phải chỉ được kể bằng lời của một người dẫn truyện duy nhất hay qua góc nhìn của một nhân vật trong truyện, mà lần lượt được kể bằng giọng điệu của các bốn học sinh còn sống sau khi ra khỏi phòng phạt của trường Bayview. Theo Biển, viết một quyển sách dưới lời kể của nhiều nhân vật là cả một đại công trình, đòi hỏi kỹ năng viết điêu luyện, óc tỉnh táo sắc bén và khả năng quản lý – xử lý thông tin một cách hiệu quả. Viết không khéo thì chính tác giả cũng sẽ loạn lên, và tất nhiên độc giả cũng sẽ chẳng hiểu gì, không cảm nhận được cái hay của truyện. Là một độc giả nữ mê trinh thám, Biển vốn có cái nhìn hơi bất công với các tác giả trinh thám nữ: Biển cho rằng tác giả trinh thám nam thường viết hay hơn. Tuy nhiên, sau khi đọc “One of us is lying”, Biển hoàn toàn bị chinh phục bởi bút pháp và khả năng sáng tác của tác giả Karen. Sau này Biển sẽ không bỏ qua những tác phẩm khác của cô ấy. Tuy vậy, sau khi đọc bản tiếng Việt của cuốn này thì Biển cho rằng nguyên tác tiếng Anh các tác phẩm của cô ấy có lẽ sẽ khó đọc đối với người có trình độ Anh Văn sơ cấp như Biển.
Trái với tư tưởng mang đầy thành kiến của Biển về thể loại trinh thám học đường, cho rằng truyện chỉ có những pha tình cảm ẩm ương của lứa tuổi sau dậy thì, chất trinh thám trong cuốn này làm hài lòng độc giả có gout đọc nhẹ nhàng như Biển (“nhẹ nhàng” tức là thiên về suy luận và điều tra dựa vào chứng cứ, không có yếu tố kinh dị hoặc hack não). Vì truyện lần lượt được kể qua lời của cả bốn nhân vật chính nên không có vai trò của ai bị mờ nhạt. Cách viết khéo léo của tác giả khiến Biển dễ dàng vượt qua những định kiến về giới tính và nhanh chóng ưa thích cả bốn nhân vật, kể cả Addy – nhân vật nữ bị cho là “bánh bèo” nhất và vốn chỉ làm nền cho bạn trai. Với bản chất mọt sách hướng nội của mình, Biển cũng khá ưa thích nhân vật Bronwyn – nữ sinh học giỏi, thông minh, xinh xắn ngoan hiền. Hướng diễn tiến của truyện khiến Biển cho rằng dù viết về cả bốn học sinh nhưng Bronwyn mới là nhân vật chính trong lòng tác giả, trong tiềm thức của tác giả.
Do ít đọc thể loại truyện học đường Mỹ, cộng thêm tư tưởng của một đứa con gái được nuôi dạy theo văn hóa Á Đông, Biển có chút sửng sốt với độ tuổi và tần suất QHTD của các học sinh cấp ba trong truyện. Tuy Biển hiểu rõ rằng QHTD là một điều rất bình thường và cần thiết trong cuộc sống, giúp thêm gia vị và thăng hoa tình yêu, nhưng khi để “chuyện ấy” diễn ra một cách cẩu thả và nhạt nhẽo ở độ tuổi còn quá trẻ thì ta sẽ dễ quên đi giá trị và tầm quan trọng của nó.
Sau cả câu truyện khiến Biển hào hứng và hồi hộp dõi theo, đoạn kết lại khiến Biển vừa đọc vừa cười đến tận dòng cuối cùng. Biển cũng rất thích cách dịch thuật của dịch giả cuốn này, tiếng Việt trong truyện vừa có chất truyền thống vừa đầy đủ chất cách tân theo kiểu nói năng của giới trẻ, dùng vài từ chửi thề khi cần thiết nhưng đọc không hề có cảm giác thô tục. Toàn bộ quyển sách cũng không có lỗi chính tả hoặc lỗi in ấn, đúng là cứ mười cuốn Nhã Nam thì cũng gặp được ba cuốn (Biển cho rằng) hoàn hảo “One of us is lying” là một quyển trinh thám đáng đọc mà các mọt trinh thám không nên bỏ qua.
(Sea, 10-6-2020)
Xin cảm ơn một tiền bối trong hội trinh thám đã cho phép Biển giữ đọc trước cuốn này 💙💙

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *