Đi viện điều trị nghiện game vẫn tái nghiện
Ngày 24/7, bác sĩ Nguyễn Thành Long, phòng Sử dụng chất và Y học hành vi (M7), Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) đã chia sẻ về 1 bệnh nhân nghiện game nhiều năm.
Bệnh nhân P.M.Q, 22 tuổi, từng học tại 1 trường đại học tại Hà Nội nhưng nay đã bỏ dở giữa chừng.
Khoảng 2 tuần trước khi vào viện, mẹ bệnh nhân đã thu máy tính không cho nam sinh chơi game, bệnh nhân dễ cáu gắt, chửi bới mẹ. Nam sinh tìm mọi cách để có máy chơi game.
Hai ngày trước vào viện, bệnh nhân bồn chồn, cáu gắt nhiều, đêm ngủ kém, khoảng 2-3 tiếng/ đêm, ăn uống kém.
Bác sĩ Long cho biết, đây là lần thứ 2 bệnh nhân nhập viện vì nghiện game đến mức mất kiểm soát hành vi, bỏ bê mọi việc, chỉ sống trong thế giới game.
Theo lời kể của bệnh nhân và người nhà, bệnh nhân đã chơi game nhiều năm, chơi cả ngày lẫn đêm. Nam sinh dành 10-12 tiếng/ ngày để chơi game. Thậm chí nếu được nghỉ học bệnh nhân dành cả ngày chơi game chỉ ăn uống qua loa như mỳ tôm hay nước tăng lực.
Mẹ bệnh nhân nhận thấy nam sinh chơi điện tử quá nhiều đã khuyên bảo, tắt máy tính thì bệnh nhân cáu gắt, cãi lại mẹ, thậm chí có lúc đánh lại mẹ.
Bệnh nhân không còn thích thú với những sở thích cũ của bản thân như: đá bóng, trò chuyện với bạn bè. Kết quả học tập của nam sinh dần sa sút, từ học lực khá giỏi xuống học lực trung bình.
Khi bệnh nhân học đại học không ở cùng mẹ nên không ai quản lý thời gian chơi game nên càng nghiện nặng. Trong quá trình học giáo viên nhận thấy nam sinh có biểu hiện bất thường nên đã báo cho gia đình nam sinh đã phải đi điều trị rối loạn tâm thần 2 đợt nhưng bệnh thuyên giảm ít.
Theo bác sĩ Long, bệnh nhân Q là 1 trong nhiều bạn trẻ nhập viện trong thời gian gần đây vì các biểu hiện tâm thần bất ổn sau 1 thời gian dài nghiện game.
Bác sĩ Long cho biết, hành vi nghiện game thường bắt đầu từ khi trẻ vị thành niên và ngày càng tăng nặng hơn nếu như không có sự kiểm soát và can thiệp của người lớn, trong đó, trẻ em trai, nhiều hơn trẻ em gái.
“Nam vị thành niên thường có tính cách ương ngạnh, tò mò, bồng bột, phá phách hơn, những trò chơi bạo lực, cảm giác mạnh sẽ kích thích và cuốn hút trẻ nam hơn nên các em dễ sa đà vào các game online và dẫn đến nghiện game hơn các em gái.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng phải nhập viện để “cai game”. Chỉ những em nghiện game, kèm theo những biểu hiện rối loạn cảm xúc, tâm thần, ăn ngủ thất thường dẫn đến trầm cảm, stress, xa lánh xã hội, bỏ bê chuyện học hành, công việc… mới cần nhập viện.
Những trường hợp này ngoài liệu pháp tâm lý còn phải cần điều trị hóa dược để chữa trị từ cảm xúc đến hành vi”, bác sĩ Long chia sẻ.
Đừng để con nghiện game mới “chữa cháy”
Theo bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc, Phó phòng Sử dụng chất và Y học hành vi (M7) Viện Sức khỏe tâm thần: “Nghiện game là khi “người chơi” chơi game một cách cưỡng bức, bỏ qua các sở thích khác, hoạt động trực tuyến liên tục và lặp đi lặp lại dẫn đến tình trạng suy yếu hoặc đau khổ đáng kể về mặt lâm sàng.
Người nghiện game dành phần lớn thời gian cho game dẫn đến suy giảm về kết qủa học tập và giảm hiệu suất công việc. Họ trải qua các triệu chứng cai khi không chơi game như bồn chồn, bứt dứt, cáu gắt…”.
Theo bác sĩ Ngọc, các yếu tố thúc đẩy nghiện game như gặp các xung đột tâm lý. Đặc biệt, ở tuổi thanh thiếu niên, do sự phát triển tâm sinh lý, trẻ muốn trở thành người lớn, muốn được tôn trọng nhưng lại không có môi trường để thực hiện điều này.
Trong khi thế giới game lại giúp các em “mặc sức” tưởng tượng, đóng vai với các nhân vật anh hùng, giỏi giang mà các em mong hướng tới 1 cách dễ dàng và trọn vẹn.
Ngoài ra, một số gia đình bố mẹ giáo dục con cái bằng roi vọt hay áp đặt. Điều đó khiến trẻ cảm thấy cô đơn, bất mãn, chán nản và tìm tới game như một cách thể hiện bản thân và cảm xúc.
Internet cũng cho phép người dùng giữ ẩn danh, giúp các em tự tin hơn trong việc thể hiện bản thân và chia sẻ cảm xúc.
“Nghiên cứu đã cho thấy, nghiện game, nghiện Internet thường được kích hoạt bởi nhu cầu thoả mãn cảm xúc tiêu cực như trầm cảm, lo âu, căng thẳng, hoặc cô đơn. Người dùng tìm đến internet như một phương tiện để trốn tránh và xoa dịu những cảm xúc này. Đây chính là cảm xúc mà giới trẻ thường gặp phải và game hay Internet là “công cụ” chạy trốn hiệu quả nhất.
Ngoài ra, sử dụng Internet khiến cho hệ thống tưởng thưởng của não bộ tiết ra các chất như dopamine, gây ra cảm giác hưng phấn và thỏa mãn. Điều này dẫn đến việc người dùng muốn trải nghiệm cảm giác này nhiều lần hơn và dễ dàng dẫn đến nghiện”, bác sĩ Ngọc phân tích.
Bác sĩ Bùi Nguyễn Hồng Bảo Ngọc chia sẻ về nguyên nhân nghiện game và những biểu hiện nghiện game đến mức cần phải nhập viện điều trị. Clip: Diệu Linh
Theo bác sĩ Ngọc, tỷ lệ mắc nghiện game toàn cầu ở mức 8,5% đối với nam và 3,5% đối với nữ. Trong tất cả các khu vực toàn cầu, châu Á cho thấy tỷ lệ lưu hành cao nhất (6,3%), Bắc Mỹ (3,6%), Châu Đại Dương (3,0%) và Châu Âu (2,7%). Trẻ em và nhóm tuổi vị thành niên có tỷ lệ lưu hành cao nhất (6,6%).
Bác sĩ Ngọc cho biết, tại Viện Sức khỏe tâm thần đang cho thấy có sự gia tăng thanh thiếu niên nghiện game đến khám, điều trị nghiện game và các bệnh rối loạn tâm thần kèm theo.
Hiện mỗi tháng có nhiều thanh thiếu niên đến khám vì nghiện game, trong đó có 3-4 trẻ phải nhập viện điều trị. Lứa tuổi nghiện game chủ yếu là từ 10-24 tuổi. Đa số các em nhập viện trong tình trạng nặng, chơi game lâu năm, có các rối loạn cảm xúc, hành vi kèm theo.
“Cha mẹ khi thấy con có hành vi truy cập Internet 2-3 tiếng mỗi ngày không phải vì học tập hay làm việc thì cần phải có can thiệp ngay chứ đừng để con nghiện game rồi mới vội vã điều trị.
Vì khi, việc tác động tâm lý, điều chỉnh hành vi rất khó khăn và có khả năng tái phát nếu như không có sự kiên trì điều trị.
Khi đó, cha mẹ nên tăng cường cho con tham gia các hoạt động ngoài trời, tăng cường tương tác, trò chuyện với con, đừng để con trốn tránh trong thế giới game một mình”, bác sĩ Ngọc khuyến cáo.