day-la-ly-do-khien-ca-mac-sot-xuat-huyet-o-ha-noi-tang-gap-doi-sau-1-tuan

Đây là lý do khiến ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng gấp đôi sau 1 tuần

Hà Nội tăng gần gấp đôi ca mắc sốt xuất huyết sau 1 tuần

Theo CDC Hà Nội, trong tuần qua TP. Hà Nội ghi nhận 291 ca mắc sốt xuất huyết mới tại 29 quận, huyện, thị xã. Trong đó, một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Thạch Thất (47), Hoàng Mai (31), Bắc Từ Liêm (29), Thanh Trì (16), Phú Xuyên (15), Thường Tín (14), Cầu Giấy (13), Hà Đông (12), Hoài Đức (12), Nam Từ Liêm (10), Đan Phượng (10).

Ngoài ra, tuần qua cũng ghi nhận 22 ổ dịch sốt xuất huyết tại 10 quận, huyện, trong đó đứng đầu là Hoàng Mai với 8 ổ dịch, tiếp đến là Nam Từ Liêm (3), Bắc Từ Liêm (3), Đan Phượng (2); còn lại Thanh Trì, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoài Đức mỗi địa phương có 1 ổ dịch.

Ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng gấp đôi sau 1 tuần, cảnh báo EL Nino rút ngắn thời gian muỗi trưởng thành - Ảnh 1.

Đoàn công tác Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội giám sát, hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội

Cộng dồn từ đầu năm 2023 đến nay, Hà Nội đã có tổng số 1.114 ca mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong (số mắc tăng 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2022). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 285/579 xã, phường, thị trấn.

Cũng từ đầu năm đến nay, thành phố ghi nhận 72 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện, còn 27 ổ dịch, trong đó một số ổ dịch ghi nhận nhiều bệnh nhân như: xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất (160); thôn Nguyên Hanh, xã Văn Tự, huyện Thường Tín (24); xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất (29); phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm (11); thôn Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên (9).

Theo nhận định của CDC Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục có xu hướng tăng trong thời gian tới. Hiện đã xác định một số ổ dịch có nhiều bệnh nhân, diễn biến kéo dài.

Cảnh báo hiện tượng El Nino có thể làm gia tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết

Tổ chức Y tế Thế giới nhận định, trong năm 2023 và 2024 hiện tượng El Nino có thể làm gia tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các loại arbovirus khác như Zika, Chikungunya, viêm não Nhật Bản. Hiện tượng biến đổi khí hậu cũng thúc đẩy muỗi sinh sản và gia tăng các bệnh truyền nhiễm do muỗi truyền.

Ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng gấp đôi sau 1 tuần, cảnh báo EL Nino rút ngắn thời gian muỗi trưởng thành - Ảnh 2.

Xã Đại Thắng, huyện Phú Xuyên, Hà Nội tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành, quyết liệt đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội

Việt Nam là nước nhiệt đới với khí hậu nóng ẩm và nằm trong khu vực lưu hành cao các bệnh do muỗi truyền. Theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện tượng El Nino có khả năng cao xảy ra vào nửa cuối năm 2023, ngoài ra hiện nay thời tiết đang bắt đầu vào mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển mạnh.

Trao đổi với PV Dân Việt, TS. Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Khoa Côn trùng – Viện Sốt rét Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho hay, năm nay Hà Nội có số ca mắc có thể sẽ rất cao, bởi so với cùng kỳ năm ngoái (năm cao lịch sử) thì số ca mắc cũng đạt tới 65%. Thời tiết nóng rất nóng mưa lại nhiều tạo điều kiện rất tốt cho sự phát triển.

Ca mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội tăng gấp đôi sau 1 tuần, cảnh báo EL Nino rút ngắn thời gian muỗi trưởng thành - Ảnh 3.

TS. Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Khoa Côn trùng – Viện Sốt rét Ký sinh trùng – Côn trùng Trung ương cho hay, năm nay Hà Nội có số ca mắc có thể sẽ rất cao. Ảnh: Gia Khiêm

Thời tiết đang mưa sau nóng kéo dài khiến chu kỳ phát triển của muỗi phát triển rất nhanh, muỗi từ trứng đến trưởng thành chủ mất 1 tuần. Mỗi con muỗi cái có thể sống tới 3 tháng, đẻ tới 3 lần và mỗi lần tối đa 150 trứng. Cùng với sự tăng mật độ thì việc tiếp xúc với con người, chỉ cần nguồn bệnh là sẽ bùng phát.

“Phân tích về chu kỳ lập đỉnh của sốc xuất huyết, chuyên gia nhận định hiện tượng El Nino đã thay đổi quá nhiều trong những năm gần đây. Theo chu kỳ cứ 4 tới 5 năm sốt xuất huyết sẽ có kỳ số ca mắc tăng cao. Tuy nhiên theo ghi nhận 2017, 2019, 2022 số ca mắc đạt mức cao dẫn đến việc chu kỳ bị phá vỡ”, ông Dũng nói.

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bùng phát, lan rộng, Bộ Y tế cũng đã gửi công văn đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai một số nội dung phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố giao Ủy ban nhân dân các cấp trực tiếp chỉ đạo triển khai mạnh mẽ hơn nữa hoạt động diệt loăng quăng/bọ gậytrên địa bàn ngay trong tháng 7/2023; duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, loăng quăng/bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại.

Đồng thời, giao trách nhiệm cụ thể cho các cấp chính quyền có nhiệm vụ chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp với ngành y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy đảm bảo tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi để tiến hành các hình thức tiêu diệt bọ gậy.

Bộ Y tế cũng đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố giao Ngành y tế theo dõi, giám sát chặt chẽ và xử lý triệt để ổ dịch bệnh truyền nhiễm tại địa phương. Đảm bảo 100% các ổ dịch được phát hiện và xử lý kịp thời theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Chỉ đạo việc rà soát, tổ chức tiêm phòng vaccine viêm não Nhật Bản cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng theo hình thức tiêm chủng thường xuyên đạt tỷ lệ cao, đầy đủ, đúng lịch, an toàn và hiệu quả.

Chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong, đặc biệt tại các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, đồng thời có kế hoạch phân tuyến điều trị, hỗ trợ tuyến dưới, tránh tình trạng quá tải bệnh viện; đảm bảo đủ thuốc, thiết bị, vật tư y tế để phục vụ công tác khám, chữa bệnh…

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *